Tăng trưởng xanh trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn huyện nông cống, tỉnh thanh hóa (Trang 55 - 60)

Chủ trương “Hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn” gắn với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện đồng bộ trong nhiều năm qua. Đặc biệt, trước “vấn nạn” thực phẩm bẩn, rau ngâm tẩm hoá chất độc hại thì công tác xúc tiến xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại cho năng suất cao đang được khuyến khích nhân rộng. Nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

- Tại Đà Lạt

Sớm chọn ra hướng đi đúng và với những nỗ lực không ngừng nhiều năm liền của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp và cả rất nhiều người làm nông, Đà Lạt hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước về sản xuất

nông nghiệp công nghệ cao, “Nông nghiệp xanh” ở vùng đất Nam Tây Nguyên này (Mai Anh, 2014).

Tuy là một vùng miền núi nhưng Đà Lạt đã và đang là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp mang tính ứng dụng hàng đầu ở nước ta. Trung tâm Nghiên cứu cây thực phẩm Đà Lạt, Viện Sinh học Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giống rau hoa Lâm Đồng đã trở thành “điểm đến” đầy tin tưởng không chỉ của nông dân mà còn của giới khoa học trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, sinh học,…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay gần như 100% các mẫu rau, quả của Đà Lạt được kiểm định để xuất khẩu đều đảm bảo đạt chuẩn sạch bởi chỉ số của các chất đều nằm trong giới hạn cho phép. Điều đáng ghi nhận hơn là phần lớn số rau, quả này đều do nông dân sản xuất. Đây là con số rất ấn tượng và đầy thuyết phục về kết quả của một quá trình đột phá, tăng tốc đến một nền nông nghiệp xanh.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quyết định hàng đầu, nổi bật trước tiên và lớn nhất đó là việc nhân giống invitro thực vật trong chọn, tạo và sản xuất hàng trăm giống rau, hoa, dâu tây. Kỹ thuật invitro đã đưa nông nghiệp của Đà Lạt nhảy vọt một bước dài trong thực hiện mục tiêu nông nghiệp xanh. Đó là tạo được những thế hệ giống cây trồng mới, những cây giống mới sạch bệnh, có sức đề kháng cao, hạn chế tối đa việc dùng các loại hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng) trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất cây giống quy mô lớn, chất lượng cây giống đồng đều. Hiện nay, cây giống sản xuất theo kỹ thuật invitro đã được trồng trên 90% diện tích rau, hoa của Đà Lạt trồng. Vì thế, yếu tố “ xanh” trong nông nghiệp đang định hình ngày càng rõ ở vùng đất này.

Có thể nói, cả vùng chuyên canh rau, hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận là

một vườn thực nghiệm lớn và toàn diện về nông nghiệp xanh. Ở đây không chỉ là

các chương trình của Nhà nước mà còn là những cuộc thử nghiệm thường xuyên mang tính “đột phá” của hàng nghìn nông dân. Chuyển nhanh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên cơ sở đảm bảo một môi trường xanh – Đó là hướng đi đúng của Ngành Nông nghiệp Đà Lạt. Theo đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh – sạch ngày càng được nhân rộng. Tất cả đã làm nên một môi trường xanh lý tưởng để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố du lịch ngàn hoa này

- Tại Nghệ An

Để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường Nghệ An thực hiện việc tập trung chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao nhằm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Nhiều địa phương đã nhanh chóng chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, xây dựng những mô hình thí điểm để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Sự chung tay vào cuộc giữa các mối liên kết của nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp bắt đầu phát huy hiệu quả. Từ quy trình chọn giống, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đến bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu được triển khai đồng bộ. Các loại sản vật có tiềm năng và lợi thế phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, từng miền cũng được tuyển chọn, nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng đại trà. Nghệ An cũng đang hướng tới việc đầu tư vào nghiên cứu, tuyển chọn các loại cây trồng, vật nuôi nội địa, tiến tới giảm dần xu hướng phải phụ thuộc vào giống ngoại nhập.

Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao ở lĩnh vực này đã cho kết quả cao. Cụ thể như thương hiệu “Lúa gạo xứ Nghệ” sau khi được Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa do Phan Văn Hòa làm Giám đốc ký mua bản quyền giống lúa AC5 với Viện Cây lương thực, khách hàng trong và ngoài nước tìm đến ngày một tăng; Dự án chăn nuôi bò sữa tại Đông Hiếu (TX Thái Hoà) của Công ty CP Vinamilk; Dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn của Công ty CP thực phẩm sữa TH.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc triển khai hiệu quả công tác ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chính là góp phần nâng cao giá trị kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này cũng là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của toàn tỉnh. Thời gian tới, để thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì cần sự quan tâm hơn nữa của nhà khoa học cùng các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

- Đà Nẵng

Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cùng chiến lược xây dựng và phát triển thành phố môi trường vào năm 2020. Những gì Đà Nẵng đã và

đang làm cho thấy thành phố đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và tiềm năng tăng trưởng xanh của Đà Nẵng là rất lớn (Phạm Quốc Trí, 2014).

Trong lĩnh vực nông nghiệp Đà Nẵng đã có nhiều tiến bộ trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch có chất lượng cao phục vụ cộng đồng. Năm 2012 Đà Nẵng “Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2015 và nghiên cứu mở rộng đến 2020” với tổng diện tích dự kiến lên tới 338,31 ha vào năm 2020. Trọng tâm là hình thành các vùng chuyên trồng rau sạch và an toàn đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quá trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) có thể vẫn sử dụng phân bón vô cơ, tiêu chí về kỹ thuật sản xuất, tiêu chí về an toàn thực phẩm của GAP chỉ đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch, tức là không cấm sử dụng hóa chất và phân bón vô cơ. Chính vì vậy để tăng trưởng nông nghiệp xanh Đà Nẵng chú trọng đến phát triển nông nghiệp hữu cơ để tạo ra nhiều nông sản (gạo, rau, củ, quả, thịt, cá) sạch phục vụ người dân và khách du lịch trên địa bàn thành phố, giảm sự phụ thuộc vào nông sản đến từ tỉnh ngoài hoặc nước ngoài. Phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm này không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ cũng như các loại phân bón vô cơ, bên cạnh đó còn chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Không chỉ tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ngành nông nghiệp của thành phố có chính sách khuyến khích, chương trình hướng dẫn giúp nông dân thử nghiệm và triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín - hữu cơ. Một trong những mô hình tiềm năng đó là mô hình trồng trọt, chăn nuôi sử dụng giun quế, trong đó phân lợn - bò - gà được sử dụng để nuôi giun, giun trưởng thành được thu hoạch để làm thức ăn cho gà, bò, lợn, và phân giun để bón cho cây trồng. Mô hình sản xuất này vừa cho ra sản phẩm sạch vừa giảm đồng thời 3 yếu tố đó là giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí mua thức ăn chăn nuôi công nghiệp và giảm chi phí mua phân bón hóa học.

Bên cạnh đó Đà Nẵng chú trọng trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch Mở rộng các chuỗi giá trị nông nghiệp và sản phẩm chất lượng đảm bảo sự phát triển nông nghiệp xanh có giá trị gia tăng cao. Hệ thống phân phối hiện tại cho các sản phẩm thực phẩm, rau và hoa quả trong thành phố khá phát triển với 5 siêu thị (như Big C, Intimex, Co.op Mart, Metro, Lotte Mart).

2.2.3. Bài học kinh nghiệm rút ra vận dụng trong nghiên cứu phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn huyện Nông Cống

- Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn huyện Nông Cống cần sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính quyền và người dân để xây dựng chính sách và đưa ra những giải pháp phù hợp liên quan đến sự chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiện nay theo hướng sản xuất nông nghiệp định hướng tăng trưởng xanh.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh cần tăng cường bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khai thác đi đôi với tái tạo tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tối đa năng lượng sạch vào hoạt động sản xuất nông nghiệp như xử lý chất thải bằng hầm khí sinh học biogas để tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả và năng suất cao trong nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được hạn chế phát thải khí nhà kính.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn huyện Nông Cống cần mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, các giống cây trồng vật nuôi mới vào trong sản xuất để xây dựng các mô hình tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, tạo cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai thổ nhưỡng của địa phương.

- Cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu được những lợi ích, những tiến bộ của các mô hình tăng trưởng xanh trong sản xuất nông nghiệp mang lại, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi áp dụng năng lượng sạch, các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân để người dân tự giác góp phần xây dựng nên mô hình tăng trưởng xanh tại địa phương mình.

PHẦN 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng tăng trưởng xanh trên địa bàn huyện nông cống, tỉnh thanh hóa (Trang 55 - 60)