Vai trò của huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới tại địa bàn huyện yên khánh, tỉnh ninh bình (Trang 25 - 28)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận về huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng nông

2.1.3. Vai trò của huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới

2.1.3.1. Vai trò của nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới

Trong nền kinh tế thị trường cũng như trong bất kỳ một hình thái kinh tế xã hội nào khác, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh đều với mục đích là sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ để trao đổi với các đơn vị kinh tế khác nhằm mục đích tối đa hoá lợi nhuận. Nhưng để tiến hành sản xuất kinh doanh thì cần thiết phải có vốn. Dưới giác độ vật chất mà xem xét thì phân thành hai loại vốn là: Vốn thực (công cụ lao động, đối tượng lao động) và vốn tài chính (tiền giấy, tiền kim loại, chứng khoán và các giấy tờ có giá trị như tiền). Trong xây dựng nông thôn mới cũng vậy, nguồn vốn có vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng và kết quả của quá trình xây dựng nông thôn. Để tiến hành xây dựng nông thôn mới cần sự tích tụ của rất nhiều nguồn lực trong đó nguồn lực tài chính được đánh giá là quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết quyết định có tiến hành xây dựng nông thôn mới hay không và để tiến hành xây dựng nông thôn mới mỗi xã cần phải mất nhất là 120 tỷ để tiến hành. Nguồn lực tài chính là chìa khóa, là phương tiện để biến các ý tưởng trong xây dựng, phát triển, kinh doanh thành hiện thực. Nguồn lực tài chính chi trả cho quá trình quy hoạch, san lấp mặt bằng, mua nguyên vật liệu, thuê lao động, phát triển kinh tế, thay đổi dây truyền, công nghệ, khoa học kỹ thuật, xây dựng giao thông, kênh mương, các công trình phúc lợi, công trình văn hóa, các hạng mục nông thôn… Nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người dân, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chi trả mọi chi phí cho hoạt động xây dựng nông thôn mới (Nguyễn Thị Thu Hoài, 2016).

Cơ chế huy động khá linh hoạt đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc huy động tài chính đầu tư. Nhiều địa phương đã xây dựng các cơ chế huy động tài chính cụ thể nhằm lôi cuốn, kích thích nguồn vốn huy động đóng góp từ các cá nhân, tổ chức kinh tế trên địa bàn. Bên cạnh đó hình thức huy động được thực hiện theo hướng đa dạng hóa các nguồn thông qua lồng ghép các chương trình MTQG, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn đã tạo ra sự chủ động cho các địa phương trong huy động tài chính đầu tư.

Huy động nguồn tài chính xây dựng nông thôn mới là chủ trương quan trọng, hết sức đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong những năm qua, cả nước đã đồng tình, tích cực triển khai thực hiện Chương trình huy động nguồn tài chính đầu tư xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là nhận thức về chương trình ngày càng được nâng lên trong các cấp ủy đảng, chính quyền, trong nhân dân; Các cơ chế chính sách được ban hành nhìn chung là kịp thời; Bộ máy thực hiện Chương trình từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức đồng bộ, thống nhất; Công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn nông thôn có nhiều tiến bộ; Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình ngày càng tăng lên; Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; Quyền làm chủ, vai trò làm chủ của nhân dân được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở được vững mạnh lên; An ninh trật tự ở nông thôn được đảm bảo. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi lên là để đạt được mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 là 50% số xã trên cả nước; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Không còn xã dưới 5 tiêu chí đòi hỏi sự nỗ lực phải lớn hơn rất nhiều; Nhận thức về ý nghĩa quan trọng của Chương trình ở nhiều cơ quan, đơn vị, trong nhân dân còn chưa sâu; Việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện còn chưa quyết liệt, nhiều nơi làm chưa tốt; Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó các Bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục bám sát, thực hiện, đồng bộ các nội dung, giải pháp của Chương trình, trước hết là tập trung đưa khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; Từ đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Bên cạnh nguồn lực đầu tư, Nhà nước cần đặc biệt quan tâm xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư khác vào nông thôn, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục, viễn thông... Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho các chương trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Để thực hiện Chương trình huy động tài chính đầu tư xây dựng nông thôn mới, cần hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội; Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, có cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn, có điểm xuất phát thấp; Đẩy mạnh thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; Đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, điều hành, có kế hoạch hoạt động, phân công cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình; Kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (Nguyễn Thị Thu Hoài, 2016).

2.1.3.2. Vai trò huy động tài chính cho xây dựng nông thôn mới

Huy động nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thông mới nhằm tăng sức mạnh về tài chính, bổ sung nguồn tài chính để đầu tư, chi trả cho các hoạt động trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Huy động nguồn lực tài chính cũng chính là đồng thời huy động sự ủng hộ, đồng tình của nhiều chủ thể khác nhau, tạo ra sự đồng thuận cao, tạo ra sự chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới của các cá nhân, tổ chức, có trách nhiệm hưởng lợi và tham gia đóng góp cùng cộng đồng, tăng tính đoàn kết, liên kết giữa cộng đồng người. Huy động nguồn lực tài chính là cách thức hoạt động đúng đắn mang lại hiệu quả cao góp phần thực hiện nhanh, thuận lợi hơn quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tuy nhiên, để tiến hành huy động nguồn lực tài chính cần có kế hoạch cụ thể, có dự toán cho các chương trình một cách kỹ lưỡng, có sự phân chia tài chính cho các hạng mục một cách hợp lý, có một đội ngũ huy động bài bản, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội tốt và đặc biệt phải có biện pháp thông tin, tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục để người dân biết, hiểu và đồng thuận bởi chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới đó là người dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho xây dựng nông thôn mới tại địa bàn huyện yên khánh, tỉnh ninh bình (Trang 25 - 28)