Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng phát triển chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện Vị Xuyên
4.1.2. Giống cho phát triển chăn nuôi trâu ở huyện Vị Xuyên
Giống trâu trên địa bàn huyện Vị Xuyên chủ yếu là giống trâu ngố, có nguồn gốc ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc như vùng Lục Yên thuộc Yên Bái, vùng Hàm Yên thuộc Tuyên Quang và huyện vùng cao Chiêm Hóa, Tuyên Quang vốn nổi tiếng có giống trâu ngố vóc dáng to, khỏe, là giống trâu tốt trong nước khả năng cày kéo tốt, trọng lượng trưởng thành cao. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tính trên cả huyện chất lượng đàn trâu đang có nguy cơ thoái hoá mạnh do thiếu đực giống tốt và giao phối cận huyết làm cho tỷ lệ sinh sản và trọng lượng trưởng thành giảm.
Phương thức sản xuất giống hiện tại 100 % là phối giống trực tiếp. Cơ sở sản xuất chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, mang tính tự cung tự cấp, trên địa bàn huyện không có đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có đủ khả năng để thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu.
Các hộ dân cũng không quan tâm nhiều đến công tác giống cho đàn trâu. Phần lớn giống trâu của các hộ chăn nuôi là lấy từ nghé con do trâu cái sinh sản của gia đình đẻ ra hoặc mua của các hộ khác trên địa bàn (chiến trên 80 %), do việc áp dụng đại trà phương thức chăn nuôi quảng canh truyền thống làm cho người chăn nuôi không thể quản lý nổi công tác phối giống cho đàn trâu cái sinh sản, chỉ có khoảng 28/150 (11,33 %) hộ lựa chọn trâu đực giống tốt phối giống cho trâu (phối giống trực tiếp có chọn lọc). Điều này sẽ làm cho đàn trâu của huyện có tỷ lệ đồng huyết cao dẫn đến sức sống, trọng lượng trưởng thành của đàn trâu sẽ giảm. Nếu trong thời gian tới, các hộ chăn nuôi vẫn không hiểu tác dụng và không quản lý tốt khâu phối giống cho trâu cái thì đàn trâu của huyện sẽ dẫn đến tình trạng thoái hoá giống trầm trọng, các thế hệ con có tầm vóc trọng lượng ngày càng nhỏ, khả năng tăng trọng ngày càng ít, tỷ lệ chết yểu tăng và sẽ giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, đây sẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy giảm nghề nuôi trâu ở địa phương cả về lượng và chất.
Trong những năm gần đây, với mục tiêu cải tạo sự thoái hóa, làm tăng thể trạng, tầm vóc, sức đề kháng bệnh tật cho đàn trâu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế đối với người chăn nuôi. Huyện Vị Xuyên đã xây dựng và thực hiện Đề án cải tạo đàn trâu địa phương giai đoạn 2015-2018, có tính đến năm 2020. Trên địa bàn huyện đã bình tuyển được 68 con trâu được làm làm giống tập trung tại các xã Minh Tân, Ngọc Minh, Phú Linh và Trung Thành.
Điển hình nhất thực hiện thí điểm tại xã Trung Thành khi thực hiện bình tuyển, hỗ trợ mua mới 42 con trâu đực giống tại xã Trung Thành, đều là trâu đực chọi, có thể trạng rất tốt, trung bình nặng trên 700 kg/con, được bấm tai, theo dõi tình trạng sức khỏe đặc biệt. Số trâu này chủ yếu được các hộ khá, giàu đã mua từ trước phục vụ cho lễ hội chọi trâu hàng năm, chủ yếu được mua tại các tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Đắc Nông, Đắc Lắc, có 3 con được mua ngoại nhập từ Campuchia và Thái Lan. Đồng thời UBND huyện Vị Xuyên đã có một số chính sách đặc thù hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trâu này như: hỗ trợ công chăm sóc nuôi trâu đực giống 200.000 đồng/con/tháng trong vòng 3 năm.
Kết quả thực hiện của Đề án này là bình tuyển thêm 300 trâu cái/ 258 hộ, số trâu cái này chủ yếu có nguồn gốc là trâu sẵn có của các hộ, là các cá thể có thể trạng tốt. Đồng thời tập huấn về biện pháp kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ cho các hộ có trâu được bình tuyển tham gia và các hộ lân cận. Đến nay, tổng số nghé
đã sinh 285 con. Trong đó: nghé đực 124 con, nghé cái 161 con. Khi so sánh, thể trạng đàn nghé con to, cao hơn hẳn nghé cùng lứa tuổi. Giá trị cũng cao hơn từ 2- 3 triệu đồng, dự tính đến năm 2025 khi thực hiện tốt dự án này, sẽ thay đổi hầu như hoàn toàn số trâu trên địa bàn xã Trung Thành bằng nguồn giống tốt. Tuy nhiên, do quá trình tổ chức các lễ hội chọi trâu vào dịp tết Nguyên Đán, số lượng đàn trâu được bình tuyển này cũng ảnh hưởng đáng kể, có 12 con trâu đã bị người dân cho đăng ký chọi, thịt bán phục vụ hội thi.
Sau khi này đã được khẳng định tính khả thi và hiệu quả, được UBND huyện cho chủ trương tiếp tục nhân rộng ra thực hiện tại các xã chăn nuôi nhiều trâu như: Minh Tân, Tùng Bá, Ngọc Minh…