4.3.2.1. Giải pháp về quy hoạch vùng
Nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, trước mắt cần rà soát, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi trâu cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và sinh thái. Cụ thể:
Phát triển chăn nuôi trâu thịt thâm canh cao áp dụng cho những xã gần đường giao thông để phát huy ưu thế về chất lượng giống và trình độ dân trí cũng như kinh nghiệm chăn nuôi trâu thịt vỗ béo, nhưng bị hạn chế về bãi chăn thả. Hình thức chăn nuôi này tuỳ thuộc vào diện tích đất và nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, quy mô nuôi thường xuyên từ 5 - 10 con/hộ là phù hợp.
Phương thức chăn nuôi trâu thịt bán thâm canh (kết hợp chăn thả với trồng cỏ thâm canh, bổ sung thức ăn tại chuồng) nên áp dụng cho các xã vùng cao, vùng giữa để khai thác tiềm năng về đất đai và và bãi chăn tự nhiên. Quy mô đàn trâu trung bình từ 10 - 15con/hộ là phù hợp. Các địa phương này cần có quy hoạch đất trồng thâm canh các loại cỏ năng suất cao, có sức chống chịu tốt với nhiệt độ thấp, đặc biệt là sương muối, tăng cường chế biến phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu và hết sức chú ý đến việc quản lý trâu đực giống trong vùng.
Phương thức chăn nuôi trâu cái kết hợp nuôi trâu lấy thịt bán thâm canh nên áp dụng cho một số xã thuộc vùng cao, vùng giữa có số lượng trâu tương đối ít để khai thác triệt để điều kiện về đất đai, bãi chăn tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp. Phương thức chăn nuôi trâu của vùng này chủ yếu là chăn thả tự nhiên, kết hợp chăn thả với trồng cỏ, bổ xung thức ăn tại chuồng. Quy mô đàn trâu của hộ trung bình 10 - 15con/hộ. Các địa phương ở khu vực này cần tận dụng các nguồn đất thừa, đất canh tác có hiệu quả thấp để trồng các loaị cỏ cao sản và dự trữ, tận dung các nguồn thức ăn tinh, phụ phẩm nông nghiệp để vỗ béo trâu thịt trước khi xuất bán và đảm bảo thức ăn cho trâu về vụ đông.
4.3.2.2. Nhóm giải pháp khoa học kỹ thuật chăn nuôi trâu thịt
a. Giải pháp về giống
Để phát triển chăn nuôi trâu và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi thì cần đẩy mạnh hơn nữa chương trình cải tạo đàn trâu nhằm cải tạo chất lượng đàn trâu địa phương (to về tầm vóc, tăng trọng lượng cơ thể, nâng cao tỷ lệ thịt xẻ) là một điều cần thiết đối với huyện Vị Xuyên. Để thực hiện giải pháp này trong thời gian tới cần thực hiện các hoạt động song song:
Hỗ trợ người chăn nuôi tuyển chọn được đàn trâu cái nền đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để tạo cơ sở cho việc cải tạo giống.
Xây dựng các cơ chế quản lý tốt đàn trâu đực hiện có tại địa phương, hỗ trợ người dân thực hiện tốt việc quản lý công tác phối giống cho trâu cái của gia đình. Bình tuyển trâu đực giống gắn liền với công tác quản lý của các thôn bản. Không chăn thả trâu tự do, hạn chế giao phối cận huyết.
Trâu giống mua tại địa phương và ngoài tỉnh vì thực tế hàng năm, tỉnh Hà Giang xuất bán ra ngoài tỉnh trên 15.000 con trâu; mặt khác nếu mua tại địa phương thì khả năng nuôi thích nghi sẽ cao hơn, hạn chế lây lan dịch bệnh và giá thấp hơn.
Trâu cái sinh sản có độ tuổi từ 18 tháng trở lên, trọng lượng đạt 180 kg trở lên; trâu cái trưởng thành có trọng lượng đạt 280 kg trở lên. Trâu đực giống được bố trí ở những vùng có nhiều trâu cái để thuận tiện cho công tác phối giống; tỉ lệ tốt nhất từ 25 - 35 trâu cái có 1 trâu đực giống.
b. Giải pháp về chuồng
Bắt buộc 100 % các hộ chăn nuôi trâu đều phải có chuồng nuôi và cần phải đảm bảo các yêu cầu sau: Chuồng nhốt riêng, có mái che bằng tấm lợp xi măng, hố phân được xây dựng ở địa thế thích hợp của chuồng (thường được bố trí ở phần thấp và phía cuối của nền chuồng), đồng thời phải đủ chứa được lượng phân và chất độn, không để phân tràn ra môi trường xung quanh; xung quanh chuồng có rãnh thoát nước; nền chuồng được đổ bê tông (xi măng, cát, sỏi) dày 10 cm trở lên, không lầy thụt; chuồng bảo đảm thoáng mát về mùa hè, mùa đông được che chắn chống rét. Diện tích tối thiểu cho một trâu cái sinh sản, trâu đực giống là 5m2 (không kể diện tích rãnh thoát nước và hố phân).
c. Thức ăn chăn nuôi
cao chất lượng dinh dưỡng trong thức ăn và sự chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi trâu thịt, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:
Quy hoạch để quản lý và sử dụng có hiệu quả đồng cỏ chăn thả, đảm bảo tính cân đối giữa diện tích chăn thả với quy mô chăn nuôi trong tương lai.
Hướng dẫn nông hộ các biện pháp kỹ thuật để xử lý, chế biến một số loại thức ăn bổ sung như: hỗn hợp khoáng, tảng liếm urê, rỉ mật, tận dụng nguồn thức ăn tinh sẵn có và rẻ tại địa phương để chế biến thức ăn tinh hỗn hợp bổ xung cho trâu và vỗ béo trâu thịt. Vận động hộ cho ăn thêm các loại thức ăn bổ sung, riêng rơm, lá mía, thân cây lạc của huyện hàng năm có hàng trăm ngàn tấn, số phụ phẩm này nếu tận dụng hết có thể nuôi được thêm hàng chục ngàn con trâu và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thức ăn về vụ đông. Các hộ chăn nuôi cũng phải cân đối cụ thể giữa quy mô đầu con và khả năng giải quyết thức ăn cho đàn trâu.
Các gia đình phải dành diện tích đất thích hợp để trồng thâm canh các loại cỏ như cỏ voi, cỏ ghi nê, cỏ Watemana... có năng suất cao nhằm chủ động thức ăn thô xanh cho trâu. Thâm canh cỏ để có năng suất 200 - 250 tấn chất xanh/ha đủ nuôi thâm canh 13 - 15 con trâu hoặc bán thâm canh 20 - 30 con. Phát triển cỏ họ đậu để cải thiện chất lượng cỏ. Những xã vùng cao có khí hậu mát cần thử nghiệm và đưa vào trồng các giống cỏ ôn đới như cỏ Shiro (nguồn gốc từ Trung Quốc) có khả năng chống chịu được sương muối để chủ động thức ăn cho trâu vào vụ đông.
d. Chăm sóc nuôi dưỡng
Hướng dẫn cho nông dân các quy trình kỹ thuật về chăm sóc và nuôi dưỡng trâu tốt hơn thông qua các hoạt động cụ thể như sau:
Xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật hợp vệ sinh, chuồng phải có máng ăn, máng uống để bổ sung thêm thức ăn và nước uống cho trâu vào ban đêm. Đặc biệt cần đầu tư thêm bạt, lá cọ để che chắn vào mùa đông, thực hiện đốt chấu, đốt mùn giữ ấm cho đàn trâu vào những đợt rét cao điểm.
Thường xuyên tắm chải, diệt ve,... cho uống nước đầy đủ, nhất là ban đêm tại chuồng, thường xuyên bổ sung thêm muối vào thức ăn, nước uống, thức ăn tinh (cám, khoai, sắn, ...) và các loại thức ăn củ quả cho trâu, nhất là những tháng thiếu cỏ và những ngày trâu phải cày kéo, làm việc. Hướng dẫn cách nuôi dưỡng trâu bằng khẩu phần ăn cân đối (gồm có đủ các loại: thức ăn xanh, thức ăn tinh, thức ăn thô khô, hỗn hợp khoáng và nước),
Hướng dẫn người dân tận dụng rơm khô và các sản phẩn phụ của nông lâm nghiệp cho trâu, đặc biệt là trong mùa đông. Tổ chức cho người dân ký các cam kết, các bản hương ước, quy ước với thôn, xã về việc không thả trâu tự do vào những tháng rét mùa đông.
Thực hiện phương pháp chăn nuôi kết hợp: Vừa chăn dắt ngoài đồi bãi để tận dụng thức ăn tự nhiên, vừa trồng cỏ bổ sung thức ăn xanh tại chuồng. Tuyệt đối không được thả rông trâu. Mỗi trâu nuôi đảm bảo có trên 300 m2 cỏ trồng.
e. Giải pháp về thú y, vệ sinh phòng dịch
Nhằm đảm bảo cho công tác phòng, chữa bệnh kịp thời cho đàn trâu của huyện cũng như để việc triển khai các hoạt động thú y được thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả, cần thực hiện các hoạt động sau:
Duy trì và phát triển những thành tựu của công tác thú y trong thời gian qua, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các quy trình vệ sinh phòng bệnh, tổ chức tiêm phòng và tẩy ký sinh trùng định kỳ. Đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thú y từ huyện xuống các thôn, đặc biệt là các thiết bị phục vụ cho công tác chuẩn đoán bệnh cho trạm thú y, sớm phát hiện bệnh dịch và phòng chữa bệnh, dập tắt dịch kịp thời.
Tiến hành tập huấn về thú y để hộ có thể chủ động phát hiện và điều trị được một số bệnh thông thường cho trâu như bệnh THT, LMLM.
Tiếp thu và phát triển mạnh các hình thức xã hội hoá công tác thú y có hiệu quả. Tổ chức thử nghiệm các hoạt động vệ sinh phòng dịch mang tính cộng đồng để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Thực hiện công tác kiểm dịch nghiêm túc trong vận chuyển và giết mổ gia súc để trách làm bệnh dịch lan rộng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động của người kinh doanh..
f. Hệ thống khuyến nông
Các kỹ thuật chăn nuôi được phổ biến dựa trên nhu cầu của nông dân và sự phù hợp với đặc điểm về sản xuất, sinh thái và dân trí của mỗi vùng. Ở vùng cao, vùng giữa, do điều kiện về dân trí và sản xuất còn hạn chế nên giới thiệu những kỹ thuật chăn nuôi cơ bản. Ở các xã vùng thấp, người dân có trình độ dân trí và điều kiện kinh tế khá hơn nên ngoài các kỹ thuật cơ bản sẽ được hướng dẫn thêm một số kỹ thuật cao hơn về chăn nuôi trâu. Các hoạt động chủ yếu để nâng cao
được kiến thức cho người chăn nuôi là: Tổ chức các khóa đào tạo ngắn nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về khuyến nông và phát triển nông thôn cho các cán bộ của hệ thống khuyến nông. Đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị kỹ thuật cho cơ quan khuyến nông để tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Xây dựng hệ thống dịch vụ khuyến nông rộng khắp đến tận các cơ sở thôn xã, để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ và kỹ thuật.
Tổ chức xây dựng thành công các mô hình trình diễn chăn nuôi trâu để có thể nhân rộng ra các vùng sinh thái tương tự là biện pháp tốt để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn về kỹ thuật, tham quan các mô hình trình diễn, ... để phổ biến kiến thức và các kỹ thuật về chăn nuôi, thú y, phòng và trị một số bệnh thông thường cho trâu.
Xây dựng các ”nhóm nông dân cùng sở thích nuôi trâu” để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau, ... Đồng thời thông qua đó để các cán bộ khuyên nông chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành mạng lưới liên kết của nhóm sở thích ở các xã với trung tâm khuyến nông huyện. 100 % trâu trước khi nhập đàn phải được tiêm phòng, kiểm dịch theo đúng quy định hiện hành của Pháp lệnh Thú y, đảm bảo không mắc các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng định kỳ theo quy định của thú y cho 100 % trâu.
g. Giải pháp về tổ chức sản xuất chăn nuôi trâu thịt
Với mục tiêu cải tiến phương thức chăn nuôi truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi có quy mô phù hợp với điều kiện chăn nuôi của hộ ở từng vùng, phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong hộ, các giải pháp chính cần thực hiện trong thời gian tới về tổ chức sản xuất như sau:
Phát triển hình thức tổ chức chăn nuôi hộ nông dân với quy mô nhỏ: Hình thức chăn nuôi của hộ vẫn là hình thức tổ chức sản xuất thích hợp cho hiện tại và tương lai ở Vị Xuyên. Đặc điểm của hình thức này hiện nay là: Qui mô nuôi nhỏ, chủ yếu theo phương thức tận dụng, quảng canh nên năng suất thấp, chủ hộ thường chăn nuôi theo lối kinh nghiệm, không có kỹ thuật và ít chú ý đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu của sản xuất là tận dụng các bãi chăn tự nhiên hoặc phế phụ phẩm nông nghiệp và lao động nhàn rỗi để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng cho gia đình. Trong thời gian tới, cần có các giải pháp nhằm nâng cao
trình độ của chủ hộ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi.
Hình thức tổ chức chăn nuôi hộ nông dân theo kiểu trang trại: Hình thức này được thực hiện chủ yếu ở các hộ có điều kiện kinh tế khá giả và ở những vùng có điều kiện về chăn thả, nhất là một số xã vùng giữa. Hộ thường có qui mô nuôi lớn từ 15 con trở lên, chăn nuôi dựa vào điều kiện sẵn có về bãi chăn thả tự nhiên của địa phương, lao động và vốn của gia đình. Trong thời gian tới, cần có các giải pháp để hỗ trợ cho các hộ này phát triển chăn nuôi trâu kiểu trang trại. Chủ trang trại cần phải có trình độ kỹ thuật và tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo ra thu nhập cao và tỷ suất hàng hóa lớn. Mục đích của chăn nuôi không phải là tận dụng mà phải là tạo ra sản phẩm hàng hóa cho thị trường và đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi. Chủ trang trại phải thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường và tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do những ưu điểm của sản xuất trang trại, nên trong thời gian tới cần ưu tiên phát triển hình thức tổ chức chăn nuôi trâu trang trại ở trong huyện, đồng thời chú ý phát triển chăn nuôi ở các hộ gia đình nông dân khác. Đặc biệt đối với những hộ này, cần tạo mọi điều kiện để họ có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay lớn như thông qua chính sách trong Nghị quyết “209” của HĐND tỉnh Hà Giang, để hộ tăng đàn, làm mới chuồng trại.
Ngoài ra, cần hình thành và phát triển các hình thức chăn nuôi kiểu hợp tác xã, hình thức chăn nuôi liên doanh, liên kết kinh tế giữa các trạm trại ở các huyện lân cận, các hộ có điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu thịt.
h. Thị trường tiêu thụ
Nhằm xây dựng thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm trâu thịt, cũng như nâng cao vị thế của người chăn nuôi khi tham gia vào thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường, cần phải thực hiện các hoạt động cụ thể như sau: Khai thác triệt để thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ trâu thịt tại chỗ để tăng số lượng tiêu thụ trâu thịt được chăn nuôi tại địa phương.
Mở rộng các điểm bán thịt trâu thường xuyên là một trong những biện pháp làm tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, hơn nữa quan tâm đến sức mua của người dân nông thôn là một trong những nội dung nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới theo chủ chương của huyện. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ bên ngoài, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua giá, chất lượng, số lượng sản phẩm đối với các sản phẩm trâu thịt ở vùng khác để sản phẩm trâu thịt huyện Vị
Xuyên được tiêu thụ và có thị phần ổn định tại các vùng lân cận, đặc biệt là các thị trường lớn như thành phố, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Qảng Ninh... và có thể cho xuất khẩu.
Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xác định được nhu cầu và thị