Đặc điểm về điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực y tế tại tỉnh kon tum (Trang 38 - 41)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên

a. Vị trí địa lý

Kon Tum là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía cực Bắc Tây Nguyên có toạ độ địa lý là 107°20’15”Đ -108°32’30”Đ kinh độ Đông, 13°55’10”B -15°27’15”B vĩ độ Bắc. Kon Tum có đường biên giới phía Tây giáp CHDCND Lào dài 142,4 km, giáp Vương quốc Campuchia dài 138,3 km, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai. Diện tính tự nhiên năm 2009 là 9.690,5 km2 với dân số trung bình là 432,86 ngàn người. Kon Tum có 9 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố và 8 huyện với 81 xã, 10 phường và 6 thị trấn.

Với vị trí địa lý nằm tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum có một vai trò rất quan trọng trong an ninh quốc phòng của vùng biên giới Tây Nguyên. Mặt khác Kon Tum nằm ở cửa ngõ của Vùng Tây Nguyên và trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nên cũng có một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

b. Địa hình

Phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía tây và bắc dãy Trường Sơn Nam; địa hình đa dạng, bao gồm đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ với nhau rất phức tạp, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, chạy theo hướng tây bắc - đông nam.

Phía bắc chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, với độ cao trung bình từ 800 – 1200 m so với mực nước biển, thuộc hệ thống dãy núi Ngọc Linh cao nhất và đồ sộ nhất Trung Trung Bộ, tiêu biểu có các đỉnh núi Ngọc Linh cao 2 598 m, Ngọc Yêu cao 1974 m, Ngọc Kring, … nối tiếp với dãy Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai), và một số đỉnh núi cao khác dọc biên giới Việt - Lào.

Phía nam độ cao từ 500 - 550m so với mực nước biển với nhiều thung lũng và đồi núi thấp tiêu biểu như thành phố Kon Tum, là một thung lũng khá bằng phẳng và rộng lớn; nhiều cánh đồng giữa các thung lũng màu mỡ và rộng lớn.

c. Đất đai

Diện tích đất tự nhiên của tỉnh Kon Tum là 968 961 ha, gồm có 7 nhóm đất, trong đó có 2 nhóm đất có chiếm diện tích lớn nhất: nhóm đất xám, chiếm tỉ lệ cao nhất, tới 93,44% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, kế đến nhóm đất đỏ badan, chiếm 3,36% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Ngoài ra, có thể kể thêm nhóm đất phù sa, chiếm 0,88% và nhóm đất mùn alit núi cao, chiếm 0,71% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Đất đai Kon Tum có tầng dày, mỏng không đồng đều. Hàm lượng dinh dưỡng của các nhóm đất chính đa phần là trung bình hoặc nghèo, độ badơ thấp. Đất có khả năng phát triển nông nghiệp chủ yếu là các loại đất xám và đất phù sa.

d. Khí hậu

Kon Tum nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, nhiệt độ trung bình phổ biến các nơi đạt 22 - 230C. Độ ẩm bình quân hàng năm 78- 87%. Lượng mưa trung bình hàng năm 1.730 - 1.880 mm, có sự phân hóa theo thời gian và không gian. Mỗi năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa chủ yếu bắt đầu từ tháng 4, 5 đến tháng 10, 11, tập trung đến 85 - 90% lượng mưa hàng năm. Biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn, nhất là vào các tháng mùa khô. Điều kiện khí hậu trên đây rất phù hợp cho nước, côn trùng phát triển ảnh hưởng đến tính chất bệnh tật và dịch tể học trong tỉnh.

e. Sông ngòi

Hệ thống sông, suối, ngòi của Kon Tum khá phong phú, tuy nhiên đa phần nhỏ hẹp và lắm thác gềnh nên không có khả năng giữ nước, do đó thường xuyên thiếu nước cho sản xuất vào mùa khô. Các sông chính trên địa bàn như sông Sông Sê San: do 2 nhánh chính là Pô Kô và Đăkbla hợp thành. Nhánh Pô Kô dài 121 km, bắt nguồn từ phía nam của khối núi Ngọc Linh, chảy theo hướng Bắc - Nam. Nhánh này được cung cấp từ suối ĐăkPsy dài 73 km, bắt nguồn phía nam núi Ngọc Linh. Nhánh Đăkbla dài 144 km bắt nguồn

từ dãy núi Ngọc Krinh. Trên địa bàn còn có sông Sa Thầy bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rinh Rua, chảy theo hướng Bắc - Nam, gần như song song với biên giới Campuchia, đổ vào dòng Sê San. Phía đông bắc tỉnh là đầu nguồn của sông Trà Khúc đổ về Quảng Ngãi và phía bắc của tỉnh là đầu nguồn của 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia chảy về Quảng Nam và Đà Nẵng. Ngoài ra, Kon Tum có hệ thống suối, ngòi dày đặc, độ dốc lớn và lưu lượng dòng chảy mạnh, phân bố tương đối đồng đều, thuận lợi cho việc phát triển thuỷ điện nhỏ và cung cấp nước cho sinh hoạt của dân cư trên địa bàn.

f. Hệ thống giao thông

Các tuyến quốc lộ chính chạy qua địa bàn tỉnh Kon Tum bao gồm quốc lộ 14 nối Kon Tum với Đà Nẵng và Gia Lai, quốc lộ 24 nối với khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) lớn nhất miền Trung, quốc lộ 40 tới Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và nối với quốc lộ 18B của Lào. Trong tương lai, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây sẽ được nâng cấp và mở rộng trên cơ sở của quốc lộ 14C và nhánh phía Đông trên cơ sở của quốc lộ 14 tạo điều kiện thông thương giữa Kon Tum và các tỉnh bạn.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực y tế tại tỉnh kon tum (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)