Vai trò của ngân hàng trong dịchvụ bảo lãnh

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phân tích tình hình kinh doanh dịch vụ bảo lãnh tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam – chi nhánh đắk nông (Trang 27 - 29)

8. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.1.6. Vai trò của ngân hàng trong dịchvụ bảo lãnh

a. Ngân hàng thông báo

Trong hoạt động bảo lãnh, ngân hàng thông báo chỉ có vị trí hết sức khiêm tốn. Nhiệm vụ của ngân hàng thông báo chỉ là nhận điện phát hành bảo lãnh của ngân hàng đại lý, kiểm tra tính xác thực và chuyển cho người hưởng. Ngân hàng thông báo không có bất kỳ cam kết và ràng buộc nào với người hưởng liên quan đến bảo lãnh. Việc thông báo thư bảo lãnh của ngân hàng không hàm ý bất kỳ cam kết hoặc nghĩa vụ nào của ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng thông báo thường là ngân hàng của người hưởng. Người hưởng quan hệ với ngân hàng thông báo không chỉ với tư cách là người hưởng lợi của thư bảo lãnh mà còn là một khách hàng của ngân hàng thông báo. Đứng trên quan điểm phục vụ khách hàng, ngân hàng thông báo hoàn toàn có thể tư vấn cho người hưởng về các điều khoản và điều kiện của thư bảo lãnh. Ngân hàng thông báo có thể cảnh báo người hưởng về những điểm bất lợi trong thư bảo lãnh. Việc tư vấn của ngân hàng thông báo hoàn toàn vì quyền lợi của khách hàng, không phải là một nghĩa vụ của ngân hàng và không ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong bảo lãnh. Ngược lại khi người hưởng đòi tiền theo thư bảo lãnh, ngân hàng thông báo sẽ giúp ngân hành phát hành kiểm tra tư cách pháp lý của người đòi tiền.

Vì vậy ngân hàng thông báo chỉ tham gia dưới góc độ kỹ thuật nghiệp vụ mà không có quyền và nghĩa vụ liên quan trong bảo lãnh.

b. Ngân hàng phát hành bảo lãnh

Thư bảo lãnh là một cam kết độc lập không hủy ngang của ngân hàng phát hành. Tuy nhiên, ngân hàng phát hành thư bảo lãnh theo chỉ thị của người được bảo lãnh với chi phí và rủi ro thuộc về người được bảo lãnh. Ngân hàng phát hành có nghĩa vụ thực hiện đúng chỉ thị của người được bảo lãnh. Nội dung của bảo lãnh phải phù hợp với chỉ thị của người được bảo lãnh.

Ngân hàng phát hành phải chịu trách nhiệm với người được bảo lãnh kiểm tra sự phù hợp của chứng từ xuất trình với các điều kiện và điều khoản của thư bảo lãnh và chỉ được thanh toán khi chứng từ xuất trình hoàn toàn phù hợp. Chỉ thị của người được bảo lãnh có thể coi là một “hợp đồng ”giữa người được bảo lãnh và ngân hàng phát hành. Khi ngân hàng chấp nhận phát hành thư bảo lãnh tức là ngân hàng đã mặc nhiên chấp nhận nội dung của hợp đồng đó. Ngân hàng phát hành không thực hiện đúng chỉ thị nhận được (ví dụ như thanh toán khi chứng từ xuất trình không phù hợp, thanh toán khi bảo lãnh đã hết hạn...) bị coi là vi phạm hợp đồng và chịu mọi hậu quả cho sự vi phạm đó.

Rủi ro của ngân hàng phát hành là rủi ro phải thanh toán cho người hưởng trong khi không đòi được tiền từ người được bảo lãnh. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn vì ngân hàng phát hành thường yêu cầu ký quỹ hoặc nắm giữ tài sản thế chấp của người được bảo lãnh. Do đó rủi ro lớn nhất của ngân hàng phát hành là rủi ro nghiệp vụ, thanh toán cho người hưởng không phù hợp với các điều kiện và điều khoản của bảo lãnh.

Nghĩa vụ của ngân hàng phát hành với người hưởng chỉ giới hạn trong nội dung bảo lãnh. Ngân hàng phát hành có nghĩa vụ thanh toán cho người hưởng khi chứng từ xuất trình hoàn toàn phù hợp với điều kiện và điều khoản thư bảo lãnh, độc lập với hợp đồng và quan hệ giữa các bên.

Ngân hàng phát hành đóng vai trò trung gian giữa người được bảo lãnh và người thụ hưởng, cung cấp một dịch vụ tài chính theo yêu cầu của người được bảo lãnh, giúp cho việc thực hiện thỏa thuận một cách trôi chảy, nhanh chóng, không quan tâm và không bị ràng buộc bởi những tranh chấp giữa người được bảo lãnh và người thụ hưởng liên quan đến hợp đồng vì nội dung bảo lãnh, điều kiện đòi tiền…chính do người hưởng và người được bảo lãnh thỏa thuận.

c. Ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng

Ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng hành động theo chỉ thị của người được bảo lãnh với mọi rủi ro và chi phí thuộc về người được bảo lãnh. Đến lượt mình ngân hành phát hành bảo lãnh đối ứng lại chỉ thị cho ngân hàng phát hành bảo lãnh với mọi chi phí và rủi ro thuộc về ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng. Suy cho cùng người chịu mọi rủi ro và chi phí do người được bảo lãnh chịu. Ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng không có bất kỳ nghĩa vụ và cam kết nào đối với người hưởng và người được bảo lãnh cũng không có bất kỳ cam kết và nghĩa vụ nào đối với ngân hàng phát hành bởi tính độc lập của bảo lãnh.

Quan hệ giữa ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng và ngân hàng phát hành bảo lãnh trực tiếp cho người thụ hưởng không chỉ là người ra chỉ thị và người nhận chỉ thị mà còn là quan hệ theo “hợp đồng”. Chỉ thị gồm 2 phần: chỉ thị phát hành bảo lãnh (có thể coi là một hợp đồng) và cam kết hoàn trả (chính là bảo lãnh đối ứng). Ngân hàng phát hành bảo lãnh đối ứng có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng phát hành khi được yêu cầu phù hợp với điều kiện và điều khoản của bảo lãnh đối ứng hoặc theo “hợp đồng” giữa hai ngân hàng.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phân tích tình hình kinh doanh dịch vụ bảo lãnh tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam – chi nhánh đắk nông (Trang 27 - 29)