6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu
1.2.2. Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi gia cầm
Cơ cấu kinh tế là tổng thể các mối quan hệ theo tỷ lệ về số lượng và chất lượng tương đối ổn định của các yếu tố kinh tế xã hội liên quan đến sản xuất trong một khoảng thời gian và không gian nhất định. Cơ cấu sản xuất trong ngành chăn nuôi gồm: cơ cấu các loại vật nuôi; cơ cấu vật nuôi theo địa bàn; cơ cấu vật nuôi theo thành phần kinh tế; cơ cấu vật nuôi theo các phương thức chăn nuôi...
Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi gia cầm là sự biến đổi về vị trí, vai trò, tỷ trọng và tính cân đối vốn có giữa các yếu tố, các bộ phận, các vùng, các thành phần kinh tế cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trong mỗi giai đoạn nhất định.
Mục tiêu của chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi gia cầm là phải phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số loại vật nuôi, gia cầm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị, phát triển bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi gia cầm phải dựa trên quan điểm cơ cấu ngành chăn nuôi và cơ cấu tổng thể ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, phù hợp với chủ trương phát triển nông thôn của địa phương, tỉnh cũng như chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh và cả nước từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn là 2030.
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu phương thức chăn nuôi gia cầm là từ chăn nuôi thả tự nhiên sang chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp
Phương thức chăn thả tự nhiên: là hình thức chăn nuôi truyền thống hiện vẫn tồn tại và phát triển hầu hết ở các vùng nông thôn. Phương thức chăn nuôi này có đặc điểm: vốn đầu tư ban đầu ít, gia cầm nuôi được thả rông, tự do tìm kiếm thức ăn, tự ấp và nuôi con. Do chăn nuôi thả tự do nên môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh khiến gia cầm dễ mắc bệnh, chết rét, tỷ lệ nuôi
sống thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi này cho chất lượng thịt rất thơm ngon, đầu tư thấp, không thích hợp với quy mô chăn nuôi lớn, yêu cầu chăn nuôi có vườn thả rộng, có ao nuôi đủ lớn. Người dân vẫn chăn nuôi là do tận dụng nguồn thức ăn sẳn có trong gia đình và nuôi với mục đích tự cung tự cấp là chính
Phương thức chăn nuôi bán công nghiệp: là phương thức chăn nuôi có sự kết hợp những kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm truyền thống với chăn nuôi gia cầm theo quy trình có áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến qua các giai đoạn. Đây là sự kết hợp của hai phương thức chăn nuôi truyền thống và công nghiệp. Phương thức chăn nuôi này là sự kết hợp tiến bộ kỹ thuật về con giống đòi hỏi năng suất cao và chất lượng thịt thơm ngon với thức ăn sử dụng là thức ăn hỗn hợp, kết hợp với thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên.
Phương thức chăn nuôi công nghiệp: Hình thức chăn nuôi này cho sản phẩm nhanh, năng suất cao, dễ được người chăn nuôi chấp nhận vì sử dụng con giống lai tạo, thức ăn hỗn hợp để phù hợp với phương thức chăn nuôi này. Kết quả là rút ngắn ngày nuôi, sản phẩm được sản xuất ra nhiều hơn, tiêu tốn thức ăn ít hơn cho một đơn vị sản phẩm, quay vòng vốn nhanh do xuất chuồng sớm.
Tiêu chí đánh giá chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi gia cầm:
-Tỷ trọng các loại gia cầm và sự thay đổi tỷ trọng các loại gia cầm -Tỷ trọng gia cầm theo địa bàn chăn nuôi.
-Tỷ trọng gia cầm theo thành phần kinh tế.
-Tỷ trọng gia cầm theo các phương thức chăn nuôi