Khái niệm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thủ đô viêng chăn, nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 26 - 28)

- Khái niệm quản lý: Để nghiên cứu khái niệm quản lý nhà nước, trước hết cần làm rõ khái niệm “quản lý”. Thuật ngữ “quản lý” thường được hiểu theo những cách khác nhau tuỳ theo góc độ khoa học khác nhau cũng như cách tiếp cận của người nghiên cứu. Quản lý là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Mỗi lĩnh vực khoa học có định nghĩa về quản lý dưới góc độ riêng của mình và nó phát triển ngày càng sâu rộng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Theo quan niệm của C.Mác: “Bất kỳ lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào đó mà được tiến hành tuân theo một quy mô tương đối lớn đều cần có sự quản lý ở mức độ nhiều hay ít nhằm phối hợp những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất, sự vận động này khác với sự vận động của các cơ quan độc lập của cơ thể đó. Một nhạc công tự điều khiển mình, nhưng một dàn nhạc phải có nhạc trưởng”. (Các Mác - Ph. Ăng ghen, toàn tập, tập 23, trang 23). Theo C.Mác quản lý là nhằm phối hợp các lao động đơn lẻ để đạt được cái thống nhất của toàn bộ quá trình sản xuất. Ở đây Mác đã tiếp cận khái niệm quản lý từ góc độ mục đích của quản lý.

Theo quan niệm của các nhà khoa học nghiên cứu về quản lý hiện nay: Quản lý là sự tác động chỉ huy, điều khiển các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để chúng phát triển phù hợp với quy luật, đạt tới mục đích đã đề ra và đúng với ý chí của người quản lý. Theo cách hiểu này thì quản lý là việc tổ chức, chỉ đạo các hoạt động của xã hội nhằm đạt được một mục đích của người quản lý. Theo cách tiếp cận này, quản lý đã nói rõ lên cách thức quản lý và mục đích quản lý.

Như vậy, theo cách hiểu chung nhất thì quản lý là sự tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Việc tác

động theo cách nào còn tuỳ thuộc vào các góc độ khoa học khác nhau, các lĩnh vực khác nhau cũng như cách tiếp cận của người nghiên cứu.

- Khái niệm quản lý nhà nước:

Theo Giáo trình quản lý hành chính nhà nước: “Quản lý nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực Nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN”. (Giáo trình quản lý hành chính nhà nước, tập 1, trang 407).

Như vậy, quản lý nhà nước là hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước, được sử dụng quyền lực nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội. QLNN được xem là một hoạt động chức năng của nhà nước trong quản lý xã hội và có thể xem là hoạt động chức năng đặc biệt. QLNN được hiểu theo hai nghĩa.

Theo nghĩa rộng: QLNN là toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, từ hoạt động lập pháp, hoạt động hành pháp, đến hoạt động tư pháp. Theo nghĩa hẹp: QLNN chỉ bao gồm hoạt động hành pháp.

QLNN được đề cập trong đề tài này là khái niệm QLNN theo nghĩa rộng; QLNN bao gồm toàn bộ các hoạt động từ ban hành các văn bản luật, các văn bản mang tính luật đến việc chỉ đạo trực tiếp hoạt động của đối tượng bị quản lý và vấn đề tư pháp đối với đối tượng quản lý cần thiết của Nhà nước. Hoạt động QLNN chủ yếu và trước hết được thực hiện bởi tất cả các cơ quan nhà nước, song có thể các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng và nhân dân trực tiếp thực hiện nếu được nhà nước uỷ quyền, trao quyền thực hiện chức năng của nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Khái niệm quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Trên cơ sở khái niệm QLNN về kinh tế, chúng ta có thể đưa ra định nghĩa QLNN về thu hút FDI như sau:

QLNN về thu hút FDI là sự tác động của cơ quan QLNN có chức năng và thẩm quyền nhất định tới lĩnh vực thu hút FDI nhằm thực hiện các mục

tiêu đã định trong lĩnh vực này và hướng tới thực hiện các mục tiêu của QLNN về kinh tế của đất nước.

Quản lý nhà nước đối với thu hút FDI là bộ phận QLNN về kinh tế. Vì vậy, nó chịu sự tác động và chi phối của cơ chế quản lý và phương pháp quản lý. QLNN về thu hút FDI được thực hiện ở nhiều cấp, tuỳ thuộc hệ thống quản lý ở mỗi nước. Ở Lào, QLNN về thu hút FDI được thực hiện ở cấp Trung ương và cấp địa phương. QLNN về thu hút FDI ở cấp Trung ương, được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Ở cấp địa phương, về lý thuyết, QLNN về thu hút FDI được thực hiện ở cấp tỉnh, huyện, xã. Trên thực tể, QLNN về thu hút FDI được thực hiện chủ yếu ở cấp tỉnh và ở chừng mực nào đó, được thực hiện ở cấp huyện. Điều đó tùy thuộc mức độ phân cấp quản lý ở mỗi quốc gia.

Chủ thể QLNN ở mỗi cấp được xác định theo phân cấp QLNN về thu hút FDI. Ở cấp Trung ương, chủ thể QLNN về thu hút FDI là Quốc hội (cơ quan lập pháp), Chính phủ (cơ quan hành pháp ở Trung ương) với các bộ, chức năng và cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng QLNN về thu hút FDI. Cơ quan chức năng của Chính phủ thực hiện các chức năng QLNN của Chính phủ về thu hút FDI gồm các Bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an,…Ở địa phương, chủ thể QLNN về thu hút FDI bao gồm HĐND các cấp, UBND các cấp, cơ quan tư pháp các cấp ở địa phương.

Thu hút FDI là những hoạt động khuyến khích, lôi kéo các nhà ĐTNN chuyển vốn từ nước ngoài, đầu tư vào trong nước. Thu hút FDI ở đây còn được hiểu là cả sự chọn lọc FDI, chọn lọc FDI bao gồm chọn lọc công nghệ, chọn lọc quy mô vốn, chọn lọc đổi tác đầu tư, liên doanh, chọn lọc lĩnh vực đầu tư,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thủ đô viêng chăn, nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)