1.3.2.1. Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam)
TP. Hồ Chí Minh cách thủ đô Hà Nội gần 1.730km đường bộ, nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Ðông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 50 km đường chim bay. Đây là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế. Với hệ thống cảng và sân bay lớn nhất cả nước, cảng Sài Gòn với năng lực hoạt động 10 triệu tấn /năm. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng chục đường bay chỉ cách trung tâm thành phố 7km. Các quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Thành phố với số vốn lớn là Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan…
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp quan trọng của Việt Nam và của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam. Thành phố là nơi thu hút vốn FDI mạnh so với cả nước, kể từ khi Luật đầu tư được ban hành. Số dự án đầu tư vào Thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của nhà nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn song thu ngân sách của Thành phố vẫn không ngừng gia tăng.
Có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chính điều này, trong nhiều năm TP. Hồ Chí Minh luôn là địa phương
thu hút được nhiều nguồn vốn FDI nhất. Kể từ năm 2006 khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm 2006, FDI đạt mức kỷ lục 10.500 triệu USD (từ mức trung bình khoảng 4.000 triệu USD những năm trước đó), đến năm 2007 tăng gần 103%, lên mức 21.300 triệu USD so với năm 2006. Năm 2008, con số này là 64.000 triệu USD, tăng hơn 300% chỉ hai năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Đây là những kết quả đáng tự hào của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong việc thu hút FDI.
Tính từ đầu năm đến ngày 18/5/2017, tại TP. Hồ Chí Minh đã có 137 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 817 triệu USD, vốn pháp định 288,6 triệu USD. Vốn đầu tư bình quân 1 dự án là 6 triệu USD. Theo hình thức đầu tư: liên doanh 25 dự án, vốn đầu tư 533,7 triệu USD; 100% vốn nước ngoài: 112 dự án, vốn đầu tư 283,2 triệu USD. Theo lĩnh vực đầu tư: Ngành công nghiệp 21 dự án, vốn đầu tư 60,8 triệu USD. Ngành thương mại 42 dự án, vốn đầu tư 35 triệu USD. Ngành xây dựng 16 dự án, vốn đầu tư 8 triệu USD.
Ngành vận tải, thông tin liên lạc 3 dự án, vốn đầu tư 21 triệu USD. Ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn 51 dự án, vốn đầu tư 683,8 triệu USD… Theo đối tác đầu tư: có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư, trong đó: Hàn Quốc 17 dự án, vốn đầu tư 126 triệu USD. Singapore 28 dự án, vốn đầu tư 55 triệu USD. Nhật Bản 12 dự án, vốn đầu tư 7,8 triệu USD. Hồng Kông 12 dự án, vốn đầu tư 4,5 triệu USD. Đài Loan 10 dự án, vốn đầu tư 46,5 triệu USD…
Để có được thành công nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm thu hút FDI như:
- Không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhất là lĩnh vực thủ tục hành chính đã thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng như đường giao thông hệ thống điện nước được xây dựng khá đồng bộ ở các khu công nghiệp, như: Đông Nam,
Hiệp Phước, Tân Thuận, Linh Trung… gắn với lĩnh vực chuyên ngành đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
- Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đón tiếp các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn của các quốc gia và lãnh thổ đến tìm hiểu đăng ký đầu tư vào các dự án trọng điểm mà lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng còn đến một số quốc gia trực tiếp mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố. Đặc biệt trong tháng 5/2015, Đoàn công tác của Thành phố thăm Hàn Quốc, do đồng chí Lê Thành Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Lotte, Tập đoàn C.J, Tập đoàn Hyosung…đầu tư vào Thành Hồ Chí Minh với các dự án trọng điểm của thành phố như: Tập đoàn Lottee đầu tư vào Eco Smart City ở khu lõi Khu đô mới Thủ Thiêm, với vốn đầu tư dự kiến 1,5 đến 2 tỷ USD; Tập đoàn C.J đầu tư từ 500 đến 600 triệu USD vào lĩnh vực giải trí, thực phẩm, công nghệ sinh học, vận tải; Tập đoàn Hyosung đầu tư vào lĩnh vực dệt may, điện, nước sạch môi trường,…
- Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhiều chỉ số của TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện và được đánh giá cao như: chi phí gia nhập thị trường, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và đào tạo lao động… Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đối thủ cạnh tranh FDI TP. Hồ Chí Minh không phải các tỉnh thành trong nước mà là các thành phố ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…
- Thành phố đã đơn giản hóa và công khai quy trình đối với đầu tư nước ngoài; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý; thủ tục đầu tư nhanh chóng (đăng ký doanh nghiệp 3 ngày, đăng ký đầu tư 15 ngày); giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan.
- Các sở, ngành thành phố thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp; trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, để giải quyết
kịp thời các khó khăn, vướng mắc và thông tin về tình hình phát triển kinh tế của thành phố.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỷ lệ các dự án thâm dụng lao động giảm, các nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn đến các ngành thâm dụng vốn, kỹ thuật công nghệ cao, bất động sản… Môi trường kinh doanh và không khí cạnh tranh của các DN ngày càng sôi động. Sự năng động của nguồn vốn FDI đã giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố diễn ra với tốc độ nhanh hơn, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết thất nghiệp…
1.3.2.2. Kinh nghiệm của Bangkok (Thái Lan)
Tại Thái Lan nói chung và Bangkok nói riêng, thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Băng Cốc vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Hơn thế nữa, Băng Cốc có thị trường thu hút đầu tư rất cạnh tranh và hấp dẫn trong khu vực châu Á. Trong các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Bangkok, Nhật Bản có lượng vốn đầu tư lớn nhất, Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn FDI vào Băng Cốc
Băng Cốc có lợi thế rất lớn về cơ sở hạ tầng và sức kết nối của nó, đồng thời, môi trường đầu tư ở đây rất hấp dẫn, điển hình Băng Cốc là một trong những nơi có thủ tục nhanh đăng ký thành lập công ty nhanh nhất trong khu vực châu Á.
Ngoài ra, Băng Cốc ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt là ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị
vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa, giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng… Ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các khuyến khích bằng thuế và các khuyến khích không bằng thuế như sau:
Các khuyến khích bằng thuế, bao gồm: miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước; bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và nguyên liệu thiết yếu sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu.
Các khuyến khích không bằng thuế, bao gồm: cho phép công dân nước ngoài vào để nghiên cứu cơ hội đầu tư; cho phép đưa những lao động kỹ năng cao và chuyên gia để thực hiện việc xúc tiến đầu tư; cho phép sở hữu đất đai; cho phép mang lợi nhuận ra nước ngoài bằng ngoại tệ.
Việc quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại Thái Lan tập trung và thống nhất tại cơ quan cấp trung ương, liên bang (MIDA, BOI), không phân cấp cho chính quyền địa phương. Việc tập trung này thuận lợi cho việc thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính cho nhà đầu tư và triển khai các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cấp quốc gia.