2.2. Thực trạng lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
2.2.1. Khái quát về lễ hội truyền thống ở Phú Thọ
Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn dân tộc, kinh đô xưa của các vua Hùng, là nơi hình thành nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Nơi đây còn chứa đựng đậm đặc các di tích lịch sử, khảo cổ, các lễ hội truyền thống đặc sắc mang đậm dấu ấn của người Việt cổ.
Toàn tỉnh hiện có 260 lễ hội, gồm: 223 lễ hội dân gian, 32 lễ hội lịch sử Cách mạng và 05 lễ hội tôn giáo. Trong đó có 01 lễ hội quy mô cấp quốc gia Lễ hội Đền Hùng trên 7966 lễ hội của cả nước.
Hiện trạng các lễ hội có thể phân loại như sau:
+ Các lễ hội vẫn duy trì cả phần lễ và phần hội, được tổ chức hàng năm: 92 lễ hội còn được bảo lưu hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn. Trong đó có 30 lễ hội xếp loại A theo tiêu chí của cục Di sản văn hoá (là các lễ hội có chất
lượng cao, được tổ chức thường xuyên hàng năm và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia): Lễ hội đền Hùng, lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, hội chọi trâu
Phù Ninh, hội Trò Trám, hội Phết Hiền quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, Hội Xoan Kim Đức- An Thái, hội nấu cơm thi Gia Dụ, hội rước voi Đào Xá, hội giã bánh dày Mộ Chu Hạ, Trúc Phê...
+ Các lễ hội chỉ duy trì phần lễ, không còn bảo lưu được phần hội: Đây là nhóm chiếm số lượng lớn trong hệ thống lễ hội tỉnh Phú Thọ. Tại nhiều địa phương tổ chức hàng năm vào các kỳ tiệc lệ, nhưng mới duy trì được phần lễ. + Nhóm các lễ hội đó bị mai một hoàn toàn: Đây là nhóm các lễ hội đó mất hoàn toàn cả phần nghi lễ và phần hội. Chỉ còn được ghi nhận trong các nguồn tư liệu và trong trí nhớ của các cao niên.
Các lễ hội truyền thống vùng đất tổ có những đặc điểm riêng thể hiện đời sống sản xuất vật chất, tinh thần, các phong tục tập quán, tín ngưỡng…của cư dân nông nghiệp.
Tái hiện và gắn liên với sinh hoạt nông nghiệp của ngư dân
Các lễ hội gắn liền với thờ lúa thần, rước lúa thần, lễ hội tịch điền, lễ hội thờ thần sông như lễ hội Bạch Hạc, lễ rước lúa thần trong lễ hội trò trám, lễ hội xuống đồng…. đã thể hiện cuộc sống nông nghiệp, chủ yếu trồng trọt và công cuộc chế ngự thiên nhiên, đắp đê ngăn nước, phòng chống lũ lụt và mong ước của nhân dân cầu mong mưa thuận gió hòa cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Các hoạt động tế lễ, rước, các bài văn tế, các trò diễn đều có sự gắn kết với nông nghiệp, với nền văn minh lúa nước. Lễ hội đền Hùng không chỉ để tưởng nhớ công lao các vua Hùng mà còn đậm tín ngưỡng nông nghiệp.