Thứ nhất, việc phổ biến, quán triệt pháp luật về tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng, cũng như các văn bản pháp luật liên quan đã được Đảng ủy, HĐND, UBND thành phố Đông Hà quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền chủ yếu tập trung đến đội ngũ cán bộ, công chức, các cán bộ cốt
cán ở Tổ dân phố thông qua các cuộc họp lồng ghép và tủ sách pháp luật ở địa phương. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; mới đây là Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; cùng các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố về thực hiện quản lý đối với hoạt động phật giáo trên địa bàn.
Đặc biệt, trong năm 2017, UBND thành phố đã tổ chức phổ biến luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đã kịp thời gửi cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phật giáo các cấp và chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc các tổ chức phật giáo trên địa bàn thành phố hàng trăm cuốn sách Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và một số tài liệu có liên quan do Trường Nghiệp vụ Công tác tôn giáo hỗ trợ.
Thứ hai, củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ đối với cán bộ làm công tác QLNN về tôn giáo; công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo: Hiện nay, UBND thành phố Đông Hà bố trí 01 cán bộ phụ trách công tác tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng. Hàng năm theo kế hoạch của UBND thành phố thì cán bộ phụ trách công tác phật giáo đều được tham gia lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý tại trường Chính trị Lê Duẩn. Nhìn chung cán bộ làm công tác QLNN về phật giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời nắm bắt tình hình, các hoạt động liên quan đến hoạt động phật giáo trên địa bàn.
Thứ ba, UBND thành phố đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở các phường để nắm bắt tình hình ở cơ sở, qua đó có các hướng dẫn cụ thể giúp các phường nâng cao năng lực quản lý công tác tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng ở địa phương. Phòng Nội vụ huyện đã tham mưu kịp thời đối với UBND thành phố trong công tác QLNN
về công tác tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng. Nhờ làm tốt công tác QLNN về phật giáo nên trong những năm qua không có các vụ khiếu nại, khiếu kiện, vụ việc nổi cộm liên quan đến phật giáo diễn ra ở địa phương.
Thứ tư, các hoạt động phật giáo trên địa bàn hoạt động thuần túy, theo quy định của pháp luật; hoạt động của Đạo phật tại Niệm phật đường hàng năm đều có chương trình hoạt động, các hoạt động trong các dịp lễ đều đảm bảo đúng theo nội dung, thời gian, địa điểm đăng ký với chính quyền địa phương. Thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ phật tử, chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy tinh thần yêu nước của toàn dân tộc. Ngoài ra công tác QLNN về hoạt động phật giáo đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn hoạt động phật giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng năm, vào các dịp Lễ, Tết, lãnh đạo thành phố tổ chức Đoàn đến thăm, động viên, tặng quà đối với các tổ chức cơ sở trên địa bàn.