Để theo kịp nhu cầu phát triển của các hoạt động tôn giáo; cũng như nâng cao hiệu quả QLNN về hoạt động tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là một bước tiến mới, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Luật đã khắc phục những mặt bất cập, hạn chế và kế thừa, phát triển Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Đây không những là công cụ pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với hoạt động phật giáo, mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, làm cho tín đồ và các chức sắc tôn giáo tin tưởng, yên tâm, phấn khởi, tích cực chăm lo “việc đạo”, “việc đời”, hăng hái tham gia các phong
trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích xấu, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Về nhận thức quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn khoảng cách so với luật nhân quyền quốc tế, thể hiện ở một số khía cạnh cơ bản sau: hiến pháp năm 2013 chưa có quy định rõ về quyền tự do tư tưởng, tự do niềm tin lương tâm, nên pháp luật chưa phân biệt giữa tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng - nhân quyền tuyệt đối, với tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng - nhân quyền không tuyệt đối. Theo luật nhân quyền quốc tế, quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị hạn chế (không phải là quyền tuyệt đối), song các quốc gia không được phép áp đặt bất kỳ giới hạn nào đối với tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tự do được tin hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo lựa chọn của mình.Cần phân biệt giữa tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tôn giáo hoặc tín ngưỡng với tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng. Không cho phép áp đặt bất kỳ sự giới hạn nào đối với tự do tư tưởng, niềm tin lương tâm, tự do được tin hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng theo lựa chọn của các cá nhân. Những quyền tự do này được bảo vệ vô điều kiện, tương tự như với quyền được giữ ý kiến mà không bị can thiệp (khoản 1 Điều 19). Không ai có thể bị ép buộc phải tiết lộ những suy nghĩ của mình hoặc bị bắt buộc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó (khoản 2 Điều 18 và Điều 17). Các thuật ngữ “tín ngưỡng” và “tôn giáo” trong Điều 18 cần được giải thích theo nghĩa rộng nhằm bảo vệ cả những niềm tin hữu thần và vô thần, bất kể gắn với những tôn giáo lâu đời hay mới, những tôn giáo, tín ngưỡng có tính chất thể chế, hoặc những tập tục tương tự như tôn giáo truyền thống.
Tại khoản 2 Điều 64 Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định: “Căn cứ quy định của Luật này và Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định
hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính…”,tuy nhiên hiện nay Chính phủ mới ban hành được Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chưa ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Việc xây dựng Nghị định nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, phật giáo nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này là rất cần thiết.
Ngoài ra, Sở nội vụ tỉnh Quảng Trị cần tổ chức rà soát, thống kê các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đăng tải bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên Cổng thông tin điện tử của Sở Nội vụ để mọi tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.