Khái quát chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Gia Lai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh gia lai (Trang 45 - 49)

2.1. Khái quát chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai Lai

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

Gia Lai nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, có vị trí rất quan trọng trong phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng đối với Tây Nguyên. Vị thế tỉnh Gia Lai là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và quốc tế, đặc biệt là Campuchia, Lào. Tỉnh Gia Lai có tọa độ địa lý từ 12°58'20" đến 14°36'30" vĩ Bắc, từ 107°27'23" đến 108°54'40" kinh Đông. Phía Bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum, phía Nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Tây giáp Campuchia với 90km là đường biên giới quốc gia, phía Đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 15.536,93 km² với thành phố Pleiku, 2 thị xã (thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa) và 14 huyện.

Vị trí địa lý đã quy định đặc điểm tỉnh Gia Lai mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa với lượng nhiệt ẩm dồi dào, được thể hiện qua đặc điểm và sự phân bố của các yếu tố thành tạo như: khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật. Với vị trí địa lý này, Gia Lai mang nét đặc thù của phụ hệ nhiệt đới gió mùa cao nguyên không có mùa đông lạnh, có sự phân hóa mùa khô sâu sắc với hệ động thực vật phong phú, lớp phủ thổ nhưỡng đa dạng và có địa hình cao nguyên đặc trưng cho khu vực Tây Nguyên.

Gia Lai là trung tâm tam giác phát triển của 10 tỉnh thuộc khu vực biên giới 3 nước Lào - Việt Nam - Campuchia, có điều kiện thuận lợi để cùng các tỉnh bạn đẩy mạnh hợp tác phát triển và phát huy các lợi thế vốn có của mình nhằm tăng năng lực sản xuất và hạ tầng KT-XH, nâng cao năng lực cạnh

tranh của nền kinh tế tạo điều kiện cho các vùng, hệ thống đô thị hình thành và phát triển. Với vị trí địa lý như trên là điều kiện thuận lợi nhất định cho tỉnh giao lưu hàng hóa và có mối quan hệ lâu đời và bền chặt về KT - XH, môi trường sinh thái không chỉ với các tỉnh Tây Nguyên mà còn cả với các tỉnh Duyên hải miền Trung, cả nước và quốc tế.

Gia Lai là một tỉnh cao nguyên miền núi có độ cao trung bình 800 - 900 m, với đỉnh cao nhất là Kon Ka Kinh ở huyện KBang (1.748 m) và nơi thấp nhất là vùng hạ lưu sông Ba (100 m). Địa hình có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, nghiêng từ Đông sang Tây với 3 kiểu địa hình chính là địa hình núi (núi trung bình, núi thấp), địa hình cao nguyên và đồng bằng.

2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

- Đặc điểm dân cư: Theo số liệu thống kê, dân số năm 2016 của tỉnh Gia Lai có 1.377.819 người, trong đó khu vực thành thị có 319.367 người, chiếm 30,44%; khu vực nông thôn có 958.452 người, chiếm 69,56%. Mật độ dân số bình quân thấp, chỉ đạt 89 người/km2, tuy nhiên dân cư phân bố không đều, tập trung nhiều ở các đô thị, ven các trục đường giao thông.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh hiện có 34 dân tộc sinh sống, tập trung chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm khoảng 56,63% dân số; dân tộc Jarai chiếm 29,35% dân số; Ba Na chiếm 10,59% dân số; ngoài ra còn có các dân tộc khác Tày, Thái, Khơme, Mường, Nùng, Ê Đê, Vân Kiều chiếm 3,43 % dân số còn lại … Phần lớn các dân tộc thiểu số có trình độ dân trí hạn chế, sống phân tán rải rác, du canh du cư do đó gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội. Trong phát triển nông, lâm nghiệp thì nhận thức, văn hóa, tập quán canh tác của người dân có ảnh hưởng đáng kể đối với nền hoạt động sản xuất này; đóng vai trò then chốt trong phương thức sản xuất, khả năng thích ứng đối với sự thay đổi trong tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội.

Mật độ dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị xã và các trục đường giao thông như thành phố Pleiku là 758 người/km2, thị xã An Khê 330 người/km2. Còn các vùng sâu, vùng xa dân cư thưa thớt, mật độ thấp như: huyện Kông Chro 27 người/ km2, huyện Krông Pa 40 người/ km2.

Nguồn lao động có 711.680 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 653.140 người chiếm 92% tổng nguồn lao động, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giáo dục và Đào tạo:

Sự nghiệp GDĐT được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm; tỷ lệ xã đạt phổ cập trung học cơ sở là 100%; đầu năm học 2018 – 2019 toàn tỉnh có 340.400 học sinh; có 788 trường học, trong đó: 267 trường mầm non, 238 trường tiểu học, 234 trường trung học cơ sở, 49 trường THPT (02 trường ngoài công lập). Ngoài ra toàn tỉnh có 5 trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp và phân hiệu Đại học Nông Lâm của thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã có 6 ngành đào tạo với khả năng đào tạo hàng năm từ 500 - 600 sinh viên.

Y tế:

Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển, từng bước khắc phục tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng và đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; hiện nay đã có 5 bác sĩ/1 vạn dân; 48,2% trạm y tế xã có bác sĩ; các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả nên dịch bệnh giảm nhiều. Thực hiện chủ trương XHH, công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã xây dựng bệnh viện chất lượng cao với quy mô 200 giường và khánh thành vào năm 2010.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa hướng về cơ sở được đẩy mạnh. Nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, các cuộc thi liên hoan, hội diễn văn nghệ được tổ chức. Nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu được tổ chức như: Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, lễ đón bằng của UNESCO công nhận

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “Kiệt tác truyền khẩu và di

sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và đã tổ chức thành công Festival cồng chiêng quốc tế lần thứ nhất tại tỉnh Gia Lai.

Năm 2018 có 20/20 chỉ tiêu KT-XH, quốc phòng - an ninh chủ yếu mà Nghị quyết HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ năm đề ra.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh năm 2010) 8,0%; trong đó: Nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,73%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,69%, dịch vụ tăng 8,64%, thuế sản phẩm tăng 10%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch phù hợp. GRDP bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng [26].

Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 100,03% kế hoạch, tăng 5,51% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 19.693 tỷ đồng, bằng 100,15% kế hoạch, tăng 8,92% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 58.300 tỷ đồng, bằng 101,39% kế hoạch, tăng 13,53% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 470 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 4,44% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước thực hiện 22.500 tỷ đồng, đạt 102,27% kế hoạch, tăng 18,68% [26].

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.456 tỷ đồng, bằng 106,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 5%. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 12.251,4 tỷ đồng, bằng 102,08% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 22,97% so với cùng kỳ [26].

2.1.3. Tác động của điều kiện kinh tế xã hội đến phát triển giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn Gia Lai

Sự phát triển mạnh và ổn định của KT - XH tỉnh Gia Lai những năm gần đây cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng đã tạo điều kiện cho giáo dục nói chung, giáo dục THPT nói riêng trên địa bàn tỉnh phát triển, không ngừng lớn mạnh, tương thích, đáp ứng và thúc đẩy sự phát triển của KT-XH tỉnh Gia Lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh gia lai (Trang 45 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)