3.2.1. Quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục THPT
Với tư cách là những thành tố cơ bản của nền văn hoá, GDĐT có một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển đất nước. Nhận thức toàn diện và sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ, nội dung, quy luật vận động của GDĐT trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết, nhằm phát huy vai trò là nền tảng và động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH của GDĐT ở nước ta hiện nay.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và
thị trường lao động”. Đây là quan điểm định hướng cho phát triển GDĐT ở
nước ta trong những năm tới. Quan điểm chỉ đạo này là kết quả của thành tựu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới lĩnh vực GDĐT trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung quan điểm thể hiện sự nhận thức đúng đắn và nhất quán của Đảng ta trong quá trình đổi mới về vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục và đào tạo. Điểm mới trong nội dung quan điểm có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng cho phát triển giáo dục và đào tạo là lấy phát triển, hoàn thiện con người làm mục tiêu, động lực; xây dựng một nền giáo dục “hiện đại, thực học”, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước.
Đại hội XII đề ra mục tiêu đổi mới GDĐT là: “Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Phấn đấu
đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.
Đây là mục tiêu tổng quát của sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà trong những năm tới. Mục tiêu này hướng đến xây dựng một nền giáo dục
hiện đại, nhân văn đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc thời kỳ mở
cửa, hội nhập quốc tế.
Đại hội XII nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất,
năng lực của người học”. Đây là sự tiếp tục khẳng định quan điểm của Nghị
quyết Trung ương 8, khoá XI. Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục, các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở cả trung ương và địa phương, ở cả mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đổi mới để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhu cầu học tập của toàn dân.
Đại hội XII của Đảng xác định “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp
đồng bộ”. Đây là một cách tiếp cận mới về nhiệm vụ của GDĐT. Trong Văn
kiện Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta nêu ra quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT phải gắn với phát triển nguồn nhân lực. Bởi lẽ phát triển nguồn
nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh, phát triển khoa học và công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nội dung quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội XII và được xác định là một nội dung trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội. Đó là việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
3.2.2. Định hướng phát triển giáo dục THPT tỉnh Gia Lai
Phát huy những thành quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2018 và trên cơ sở các chủ trương, văn bản của Trung ương về chiến lược phát triển, cũng như công tác giáo dục - đào tạo THPT đến năm 2025, ngành GDĐT tỉnh Gia Lai chủ động xây dựng và thực hiện Quy hoạch Giáo dục THPT tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu như sau:
- Nâng cao nhận thức và thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT THPT. Đến năm 2020, Gia Lai là một trong những tỉnh phát triển mạnh về GDĐT THPT.
- Xây dựng hệ thống giáo dục THPT với quy mô, cơ cấu hợp lý, hài hòa giữa các vùng, miền, giữa các cấp, bậc học; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục ở các huyện đặc biệt khó khăn và miền núi; đảm bảo dân chủ, công bằng trong giáo dục và đào tạo THPT. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm tăng số lượng trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
- Nâng cao chất lượng GDĐT ở tất cả các trường THPT. Tiếp tục huy động tối đa học sinh THPT đến trường, đẩy mạnh phổ cập giáo dục bậc THPT. Tạo điều kiện thuận lợi và huy động cao nhất số học sinh khuyết tật,
học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, giảm tỷ lệ học sinh THPT bỏ học. Thực hiện đào tạo nghề ở bậc THPT gắn với thị trường lao động và định hướng phát triển KT-XH của tỉnh Gia Lai.
- Đẩy mạnh thực hiện XHHGD, tích cực huy động toàn xã hội chăm lo cho giáo dục. Phát triển GDĐT gắn với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, và giáo dục con người toàn diện.
Giáo dục THPT phải hoàn thành các mục tiêu: “Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT (và tương đương) 97%, miền núi 90%; Tỷ lệ đạt chuẩn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt 100%; Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên chuẩn bậc trung học phổ thông trên 15%; Hệ thống GDĐT bậc THPT tỉnh Gia Lai đến 2020: 50 trường THPT; tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia đạt 50%; Quy mô giáo dục THPT đạt khoảng 43.000 học sinh, trong đó hệ công lập có khoảng 42.000 học sinh, hệ tư thục có khoảng 1.000 học sinh”.