Nguyên tắc là điều cơ bản định ra và nhất thiết phải tuân theo trong quá trình thực hiện. Căn cứ vào cơ sở lý luận của việc phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học đã trình bày ở chương 1, căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát thực trạng quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện Đan Phượng ở chương 2 và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản pháp quy của Nhà nước, tác giả luận văn đề xuất các biện pháp quản lý phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện Đan Phượng trong thời gian tới. Các biện pháp này được đề xuất dựa vào các nguyên tắc chủ yếu như sau:
Nguyên tắc đảm bảo tính pháp chế
Các biện pháp đề xuất phải căn cứ vào đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của ngành giáo dục, đào tạo trên địa bàn huyện Đan Phượng nói riêng.
Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn
Các biện pháp đề xuất phải căn cứ vào tình hình thực tiễn và phù hợp với yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học của huyện Đan Phượng. Giải pháp được đề xuất sẽ kịp thời khắc phục những bất cập, yếu kém đang tồn tại trong quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện Đan Phượng hiện nay.
Công tác phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học phải nhấn vào trọng tâm là nâng cao chất lượng, trên cơ sở số lượng và cơ cấu hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu vừa tăng quy mô vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan
Các biện pháp đề xuất khi triển khai thực hiện phải có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau, hỗ trợ cho nhau. Mỗi biện pháp khi triển khai thực hiện không những không loại trừ nhau, mà ngược lại đều có ảnh hưởng tốt lẫn nhau, tăng tính hiệu quả cho nhau. Tính đồng bộ của các biện pháp sẽ làm tăng tính hiệu quả của từng biện pháp và đảm bảo sự thành công của tiến trình quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học ở huyện Đan Phượng.
Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi
Nguyên tắc này đòi hỏi các biện pháp được đề xuất phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng, phù hợp với nền nếp văn hoá, tập quán, lối sống của huyện, tính đặc thù của cộng đồng dân cư và nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT nói chung và cho phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học nói riêng. Nguyên tắc khả thi giữ một vị trí quan trọng, đòi hỏi khi tiến hành triển khai biện pháp, người quản lý phải nhanh nhạy, dự đoán được các tình huống và xử lý tốt các tình huống có thể ảnh hưởng đến tiến độ của việc thực hiện biện pháp để đảm bảo cho các biện pháp được thực hiện có hiệu quả.
Nguyên tắc đảm bảo tính kế thừa
Quản lý phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện Đan Phượng phải thực sự dựa vào những nội dung và phương pháp của các biện pháp trước đây và hiện nay đang thực hiện có hiệu quả. Biện pháp mới đề xuất không phủ định toàn bộ cái đã có, mà chỉ phủ định tính lỗi thời, sự lạc hậu và sự không phù hợp của các biện pháp trước đây và hiện nay một cách biện chứng; giải pháp mới sẽ kế thừa đầy đủ các tinh hoa chọn lọc để hoàn thiện hơn và thực sự đem lại nhiều hiệu quả hơn trong bối cảnh môi trường triển khai mới của các biện pháp. Trên thực tế, quá trình phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học huyện Đan Phượng đã được quan tâm và có nhiều biện pháp thiết thực đã được đặt ra, song do yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới giáo dục tiểu học nói riêng, nên cần điều chỉnh để đội ngũ giáo viên tiểu học của huyện phát triển toàn diện về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.