Hiện nay, tiền lương cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư ở Việt Nam diễn ra phổ biến trong những năm gần đây, làm thuyên giảm hoặc triệt tiêu động lực làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức. Trong hoạt động công vụ, tiền
lương đóng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố thu hút và giữ được những người có tài năng hoạt động trong khu vực công.
Ở Hà Nam, trong điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc đổi mới cách thức trả lương cho công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng là một vấn đề rất khó.
Hiện nay, cách tính lương cho công chức theo Nghị định 204/2004/NĐ- CP đang được áp dụng như sau:
Tiền lương công chức = Tiền lương tối thiểu x Hệ số lương cơ bản Từ năm 2003 đến 2011, mức lương tối thiểu của công chức đã được điều chỉnh 7 lần, từ 210.000đ/tháng lên 830.000đ/tháng (áp dụng từ ngày 01/5/2011 theo Nghị định số 22/2011/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 04/4/2011). Theo Nghị quyết số 14/2011/QH13 ngày 10/11/2011 của Quốc Hội thì từ 01/5/2012 điều chỉnh mức lương tối thiểu chung từ 830.000đ/tháng lên 1.050.000đ/tháng (tăng thêm 26,5%). Tuy nhiên từ năm 2008 đến năm 2011, trong khi mức lương tối thiểu chỉ tăng thêm 84,4% thì mức tăng chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại tăng lên đến 99,05%. Đến 01/7/2013, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng thêm 100.000đ/tháng lên mức 1.150.000đ/tháng theo Nghị định 66/2013 NĐ-CP. Và đến 01/5/2016, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng lên là 1.210.000 đồng/tháng theo Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Như vậy, từ thực tế có thể thấy, mức tăng lương chỉ là bù đắp mức tăng giá tiêu dùng, chứ chưa thể nâng cao mức sống cho người công chức.
Chính sách tiền lương có ảnh hưởng rất lớn đến động lực làm việc của công chức. Khi lương không đáp ứng được yêu cầu, thì đời sống của người công chức trở nên khó khăn hơn, vì thế công chức không thể đảm bảo yêu cầu đối với công việc. Khi tiền lương thấp, không đảm bảo được đời sống của người công chức và gia đình họ, người công chức sẽ buộc phải tìm đến những khoản thu nhập ngoài lương. Mặt khác, khi tiền lương không còn là thu nhập chính của người công chức thì động lực thúc đẩy công chức thực thi công vụ tốt cũng sẽ
giảm đi. Cơ chế “bình quân chủ nghĩa” “đến hẹn lại lên trong cách trả lương và tăng lương cho công chức cũng là một trong những điểm bất cập của chính sách tiền lương hiện nay. Thâm niên càng lâu thì tiền lương càng cao, không căn cứ vào kinh nghiệm, trình độ, năng lực đã và đang dần làm mất đi động lực làm việc của công chức, đặc biệt là những công chức trẻ, có chuyên môn cao.
Khi được hỏi, “Tiền lương có tác động như thế nào đến động lực làm việc của ông/bà?”. Kết quả điều tra cho thấy 71% công chức cấp xã cho rằng tiền lương có tác động nhiều tới động lực làm việc, 23,7% công chức trả lời tiền lương có tác động vừa phải tới động lực làm việc của công chức, chỉ 5,3% công chức trả lời có tác động ít tới động lực làm việc. Thực tế khảo sát cho thấy đa phần công chức trả lời tiền lương có tác động vừa phải hoặc ít tác động đến động lực làm việc là những công chức có độ tuổi trên 45 tuổi, con cái đã có công việc, nghề nghiệp hoặc họ có vợ/chồng làm ở lĩnh vực khác đảm bảo kinh tế gia đình, còn phần lớn công chức chưa hài lòng với chính sách tiền lương là những công chức trẻ, có tuổi đời dưới 40 hoặc cũng có những trường hợp cả hai vợ chồng đều là công chức (số liệu xem biểu đồ 2.6).
Biểu đồ 2.6. Mức độ tác động của tiền lương tới động lực làm việc của công chức
(Nguồn: Tác giả khảo sát về tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)
Trong khi đó, phần lớn công chức cấp xã chưa hài lòng với mức lương hiện tại. (biểu đồ 2.7)
Biểu đồ 2.7. Tỷ lệ công chức hài lòng với chính sách tiền lương hiện tại
(Nguồn: Tác giả khảo sát về tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)
Số liệu ở biểu đồ 2.7 cho thấy, có tới 62,7% công chức không hài lòng với chính sách tiền lương, 14,1% công chức trả lời rất không hài lòng, chỉ có 1,1% công chức cảm thấy rất hài lòng và 9,3% công chức cảm thấy hài lòng với chính sách tiền lương hiện tại.