Môi trường làm việc của công chức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện duy tiên, tỉnh hà nam (Trang 71 - 76)

Môi trường làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước là sự kết hợp giữa các điều kiện vật chất và văn hóa mà qua đó thực hiện được nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu của các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu có một môi trường làm việc tốt, người công chức sẽ có được sự thoải mái hơn về tinh thần, giúp họ phục vụ được tốt hơn. Tuy nhiên, trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung, yếu tố môi trường làm việc chưa thực sự nhận được sự quan tâm, đánh giá đúng mức. Đặc biệt ở đơn vị hành chính cấp xã, môi trường làm việc ít tính cạnh tranh, chưa hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến công chức cảm thấy thiếu động lực làm việc.

2.3.5.1. Tác động của điều kiện làm việc tới động lực làm việc của công chức

Điều kiện làm việc là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến việc tạo động lực của công chức. Khi điều kiện làm việc được đảm bảo, công chức sẽ phát huy được năng lực, khả năng của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo ra sự thoải mái, hào hứng trong quá trình làm việc.

Điều kiện làm việc bao gồm các yếu tố như: trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị an toàn, văn phòng phẩm…Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc phục vụ cho hoạt động thực thi công vụ ở ở 16 xã và 2 thị trấn thuộc huyện Duy Tiên nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản của công việc. Tuy nhiên, ở một số xã 1 số trang thiết bị đã bị hư hỏng, cần được thay thế. Theo khảo sát, trên địa bàn huyện Duy Tiên hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 65% điều kiện về trang thiết bị làm việc như máy tính, máy in. Tổng số có 117 máy tính bàn/178 công chức, trong đó ở một số xã, số lượng máy tính, máy in bị hư hỏng,

xuống cấp, tình trạng khoảng 2-3 công chức sử dụng chung 01 máy in .

Ở một số xã như Duy Hải, Duy Minh, Tiên Ngoại, một số phòng làm việc hiện đã xuống cấp, bàn ghế ở hội trường, phòng làm việc bị hư hỏng khá nhiều và cần được thay thế mới.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa phần công chức cấp xã, huyện Duy Tiên chưa thực sự hài lòng với điều kiện làm việc hiện tại.

Biểu đồ 2.14.Điều kiện làm việc của công chức cấp xã huyện Duy Tiên

(Nguồn: Tác giả khảo sát về động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Qua biểu đồ 2.14 cho thấy, có 8,2% công chức cấp xã cho rằng điều kiện làm việc hiện tại rất tốt, 16,8% công chức trả lời điều kiện làm việc tốt, 25,5% công chức cho rằng điều kiện làm việc bình thường, có tới 36% công chức cảm thấy điều kiện làm việc tồi và 13,5% công chức cho rằng điều kiện làm việc rất tồi, chưa đáp ứng được công việc.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam và UBND huyện Duy Tiên đã chú trọng hơn trong việc cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ công

chức chuyên môn cấp xã. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của huyện nói chung và các xã trong huyện nói riêng còn hạn chế, việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực thi công vụ của công chức cấp xã còn gặp nhiều khó khăn.

2.3.5.2. Tác động của phong cách lãnh đạo của người lãnh đạo tới động lực làm việc

Trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và ở cấp xã nói riêng, hầu hết áp dụng theo mô hình cơ cấu trực tuyến – chức năng, cấp dưới phục tùng cấp trên, các bộ phận chức năng đa phần làm công tác chuyên môn, không được ra quyết định, đây là quan hệ một chiều, ít có sự phản hồi và linh hoạt. Do đó, ảnh hưởng của người lãnh đạo lên công chức là rất lớn,đặc biệt là phong cách lãnh đạo có tác động, chi phối đến động lực làm việc của người công chức.

Với câu hỏi: phong cách lãnh đạo của người lãnh đạo cơ quan, tổ chức có ảnh hưởng như thế nào đến động lực làm việc của ông/bà?.

Biểu đồ 2.15. Ảnh hưởng của phong cách lãnh đạo tới động lực làm việc của công chức

(Nguồn: Tác giả khảo sát về động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Mỗi nhân viên trong bất cứ tổ chức nào cũng mong muốn được làm việc dưới quyền một lãnh đạo tài ba, có tài năng, phẩm chất tốt, có uy tín. Uy tín được tạo nên nhờ tài năng, tâm huyết, cái tâm và cái tầm của người lãnh đạo. Trên thực tế, các cán bộ lãnh đạo của các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã huyện Duy Tiên đa phần đi lên từ thâm niên công tác, độ tuổi trung bình từ 40 – 50 tuổi, trình độ chưa cao, chưa thực sự quan tâm đến cách thức tác động tích cực đến động lực làm việc của nhân viên trong tổ chức mình.

2.3.5.3. Mức độ hài lòng với môi trường làm việc của công chức

Tác giả tiến hành khảo sát về tác động của môi trường làm việc tới động lực làm việc của công chức. Kết quả điều tra cho thấy, môi trường làm việc có tác động không nhỏ đến động lực làm việc của công chức. (xem biểu đồ 2.16)

Biểu đồ 2.16. Mức độ tác động của môi trường làm việc tới động lực làm việc của công chức

(Nguồn: Tác giả khảo sát về động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Số liệu ở biểu đồ 2.16 cho thấy: có 45% công chức được hỏi trả lời rằng điều kiện, môi trường làm việc có tác động nhiều đến động lực làm việc của họ, 45,5% trả lời có tác động vừa phải, 9,5% trả lời là điều kiện, môi trường làm việc có tác động ít đến động lực làm việc của họ.

Xây dựng môi trường làm việc tốt là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà các cơ quan HCNN quan tâm thực hiện. Có môi trường làm việc tốt thì cán bộ, công chức mới có điều kiện làm việc tốt, phát huy khả năng của mình, chung sức thực hiện nhiệm vụ của tập thể. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra cho thấy, công chức cấp xã huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chưa thực sự hài lòng với môi trường hiện tại. (xem biểu đồ 2.17)

Biểu đồ 2.17. Tỷ lệ công chức hài lòng với môi trường làm việc

(Nguồn: Tác giả khảo sát về động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Kết quả phân tích số liệu điều tra cho thấy, chỉ có 23,6% công chức hài lòng với môi trường làm việc hiện tại, 47,3% công chức trả lời bình thường, và 29,1% công chức chưa thấy hài lòng với môi trường làm việc.

Có rất nhiều yếu tố và nguyên nhân dẫn đễn sự không hài lòng về môi trường làm việc của công chức như: tính thách thức trong công việc không cao,

điều kiện làm việc chưa đảm bảo, bầu không khí làm việc trong tổ chức, quan hệ giữa đồng nghiệp… Mối quan hệ giữa thủ trưởng với các đồng nghiệp được đánh giá là khá thân thiện và cởi mở, một phần là đa số do họ đều xuất phát từ các thôn, làng trong cùng một xã, có lối sống làng xã, quần tụ. Tuy nhiên, chính sự thân thiện đó cũng tạo nên tâm lý “dĩ hòa vi quý”, “cho qua”, đồng nghiệp vi phạm thời gian làm việc, nhân viên đi muộn về sớm, làm việc riêng ít bị khiển trách một cách nghiêm khắc dẫn đến lề lối làm việc không chuyên nghiệp, thiếu tính nghiêm túc trong môi trường công sở. Vì vậy, cần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, tạo niềm tin và sự hài lòng của công chức đối với tổ chức, thúc đẩy công chức tích cực làm việc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã, huyện duy tiên, tỉnh hà nam (Trang 71 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)