Các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn ở huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 82 - 87)

cho thanh niên nông thôn ở Huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội

Để tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho TNNT của huyện trong thời gian tới, cần có các giải pháp cụ thể sau:

- Sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chính sách.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện chính sách đào tạo nghề cho TNNT; có sự kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên công tác này; xem đây là một tiêu chí đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của cá nhân, tập thể, của các cấp, các ngành, của địa phương có liên quan. Huy động sự tham gia của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ huyện xuống đến cấp xã; phân cấp, phân công trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo các cấp một cách rõ ràng, rành mạch; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các các cơ quan, đơn vị, các cấp có liên quan. Củng cố, kiện toàn lại hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động một cách đồng bộ, chặt chẽ và thực chất nhằm chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện chính sách được tốt hơn.

Việc triển khai công tác tuyên truyền, tư vấn thực hiện chính sách phải được thực hiện trước một bước; đây được xem là một hoạt động quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động, của nhân dân và xã hội về tầm quan trọng của công tác dạy nghề, học nghề, nhất là chính sách dạy nghề cho TNNT. Chính quyền các cấp cần chủ động chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xây dựng chuyên mục và dành thời lượng tuyên truyền, tư vấn học nghề cho TNNT để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức đầy đủ được lợi ích của việc học nghề đối với bản thân, gia đình mình và xã hội để có sự quan tâm và chủ động, tích cực tham gia học nghề.

- Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông

Đây là các chương trình có hình thức đào tạo đã được thực hiện khá ổn định, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; trong đó cần chú trọng thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm; bởi vì chỉ đảm bảo được “đầu ra” thì người học nghề mới thực hành nghề được đào tạo. Chính sách đào tạo nghề cho TNNT là một trong những nội dung quan trọng của các chương trình này; việc xây dựng, thực hiện có kết quả các chính sách, chương trình khuyến nông ở địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính thuyết phục cao khi người nông dân được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo.

- Tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phục vụ chiến lược xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu lao động.

Nền kinh tế nói chung và nền NN nước ta nói riêng đã và sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài; dó đó, công tác đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu là một nội dung cần quan tâm đầu tư và có

nghĩa quan trọng đối với TNNT. Hỗ trợ người LĐNT học bổ túc văn hóa, học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để người lao động tham gia xuất khẩu lao động; chính sách đối với người đi xuất khẩu lao động được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay tại thời điểm của Ngân hàng chính sách xã hội; các cơ sở dạy nghề cho người đi xuất khẩu lao động được vay tín dụng lãi suất ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo. Ngoài ra, đối với lĩnh vực xuất khẩu khác cũng cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như vậy.

- Giải pháp gắn công tác đào nghề với việc tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm.

Để thực hiện được mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 lao động sau đào tạo nghề tìm được việc làm ổn định đạt tỷ lệ từ 85% trở lên, cần tăng cường thực hiện công tác kết nối cung - cầu lao động giữa cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhằm hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo; giữa khu vực có LĐNT nhàn rỗi và các khu vực thiếu hụt lao động mùa vụ để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân… Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động, gắn việc thực hiện chính sách đào tạo nghề nghiệp với chính sách giải quyết việc làm sau đào tạo.

Thường xuyên tổ chức các hội nghị tư vấn, ngày hội việc làm, sàn giao dịch giới thiệu việc làm tại các xã, phường để người dân nâng cao nhận thức, nắm bắt thông tin, tiếp cận được các chính sách của nhà nước.

- Giải pháp có sự liên kết đào tạo nghề giữa doanh nghiệp, nhà trường và người học nghề trong đào tạo nghề.

Đây là một trong những giải pháp đột phá trong thực hiện chính sách đào tạo nghề và được xác định là sự tăng cường hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo và với người học nghề nhằm tạo việc làm ổn

định cho người lao động sau học nghề; thực tế vừa qua sự liên kết này thực hiện chưa được hiệu quả do những cơ chế, chính sách thực hiện chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Để làm được việc đó trước mắt cần phải giải quyết những khó khăn đang tồn tại giữa doanh nghiệp và nhà trường thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể và những văn bản pháp lý rõ ràng. Giữa các bên phải có những buổi gặp gỡ và đi đến thống nhất chương trình đào tạo cũng như những yêu cầu doanh nghiệp đặt ra đối với người học và nhà trường; phía doanh nghiệp có những hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết để người học có thể tiếp cận với các thiết bị, công nghệ hiện đại, nhằm giúp người học làm quen với thiết bị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp đào tạo và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Làm tốt sự liên kết thực hiện các chính sách này được đánh giá là định hướng tích cực, đem lại lợi ích cho cả các bên: Người học, nhà trường, doanh nghiệp và xã hội; sẽ góp phần rất lớn hạn chế tình trạng học viên, HS-SV ra trường thất nghiệp ngày càng tăng, giảm bớt tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” và cũng giảm bớt sự “lệch pha” giữa “cung” và “cầu” trong đào tạo.

- Giải pháp chính sách kết hợp giữa truyền nghề với đào tạo nghề chính quy; đa dạng hóa phương thức đào tạo nghề.

Hiện nay truyền nghề là hình thức đào tạo phổ biến tại các làng nghề, do đó cần có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân, thợ lành nghề, nhất là tại các làng nghề. Tăng cường mở các lớp đào tạo nghề theo kiểu truyền nghề, hoặc liên kết với với các trường, trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề theo kiểu bán chính quy. Duy trì và tăng cường thực hiện tốt chính sách liên kết đào tạo theo quy định của Bộ Lao động - TB&XH, đặc biệt là liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo; hai bên cùng hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, phát triển đội ngũ giảng viên doanh nghiệp; tổ chức tuyển sinh/tuyển dụng; tổ chức đào tạo doanh nghiệp, ký kết hợp đồng đào tạo

với người học… Có chính sách khuyến khích các cơ GDNN, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác để tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số modun, môn học lý thuyết và thực hành, bao gồm cả phương thức đào tạo tập trung, đào tạo từ xa, học nghề tại cơ sở sản xuất và tự học có hướng dẫn...

- Cần làm tốt công tác dự báo cung - cầu nguồn lao động, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo; các ngành nghề cần đào tạo trong từng giai đoạn.

Việc làm tốt công tác dự báo nhu cầu nguồn lao động của từng ngành nghề trên thị trường lao động ở từng giai đoạn sẽ góp phần quan trọng để các địa phương đề ra các chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực một cách hợp lý cả về số lượng và ngành nghề đào tạo, phục vụ cho sự phát triển KT- XH của địa phương mình. Đây là giải pháp góp phần hạn chế sự “lệch pha”, mất cân đối giữa “cung lao động” và “cầu lao động” gây lãng phí cho gia đình và xã hội như thời gian vừa qua.

- Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách xã hội hóa công tác dạy nghề.

Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, hạn chế, việc đào tạo không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển KT-XH của địa phương, thì việc đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hoá nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực bên ngoài (ngoài nhà nước) là chủ trương cần thiết, phù hợp với điều kiện, cơ chế thị trường hiện nay...

- Giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho LĐNT.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho LĐNT là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho LĐNT tại địa phương. Qua đó, biết được tình hình triển khai thực hiện chính sách ở cơ sở, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện chính sách; chỉ ra những mặt mạnh, mặt hạn chế để từ đó, đưa ra các biện pháp, giải pháp tổ chức thực hiện

sát hơn với thực tế, nhằm đảm bảo cho chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, đúng chế độ và đối tượng quy định.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn ở huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 82 - 87)