Để triển khai thực hiện chính sách tại Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách đào tạo nghề của địa phương, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở các cấp.
Ban Chỉ đạo các cấp (huyện, xã) hoạt động và có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương; Ban Chỉ đạo ở các cấp có vai trò, nhiệm vụ là cơ quan trực tiếp tham mưu về công tác thực hiện đề án đào tạo nghề TNNT cho UBND ở từng cấp.
* Về cơ chế hoạt động: Ban Chỉ đạo cấp huyện tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách về đào tạo nghề cho TNNT; xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn và hàng năm về dạy nghề, xây dựng các chương trình, dự án, đề án dạy nghề trình UBND, HĐND cấp huyện thông qua; đảm bảo về nguồn kinh phí và các điều kiện thực hiện chính sách đề ra; chỉ đạo quán triệt, phổ biến, tuyên truyền thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của nhà nước và địa phương về công tác đào tạo nghề cho TNNT; chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện chính sách; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách của Đề án...
Đối với cấp huyện, xã: Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát, lập dữ liệu về lao động, nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của các địa phương. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT của địa phương; phối hợp tổ chức thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn...
Vai trò của người lao động ở vùng nông thôn
Thanh niên ở vùng nông thôn tham gia học nghề là chủ thể chính trong thực hiện đề án đào tạo nghề cho TNNT. Để việc thực hiện thành công mục tiêu của đề án, thì nhận thức của người dân về học nghề là rất quan trọng, cho nên chúng ta cần làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách về đào tạo nghề, học nghề để người dân được biết và hiểu rõ về chính sách mà họ
được hưởng, về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức đối với họ khi tham gia học nghề, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước. Do vậy công tác tuyên truyền cần đi trước một bước, các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với cấp xã cần thông tin thường xuyên bằng nhiều hình thức, từng bước nâng dần nhận thức của người dân, để họ tham gia tích cực, có hiệu quả hơn hoạt động đào tạo nghề tại địa phương. Cần phát huy vai trò của các tổ chức của dân để người dân có thể tham gia tích cực vào hoạt động đào tạo nghề.
Tóm lại: Việc thực hiện thành công chính sách đào tạo nghề cho TNNT được quyết định bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên vai trò của các chủ thể trong thực hiện chính sách là rất quan trọng, trong đó có phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp từ TW đến địa phương, đến cơ sở; vai trò của các doanh nghiệp tham gia trong quá trình đào tạo và tiếp nhận lao động sau đào tạo; nhất là vai trò của người dân, của người lao động tham gia học nghề; việc người lao động có việc làm, có thu nhập ổn định sau học nghề, đời sống vật chất, tinh thần của của người dân được nâng lên..., đây là một trong những “thước đo“ đánh giá sự thành công của chính sách.