Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước và bài học tham khảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn ở huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 43 - 50)

1.2 .Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn

1.3.Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước và bài học tham khảo

tham khảo cho huyện Thạch Thất trong thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn.

Kinh nghiệm một số địa phương trong nước

Kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An

Nghệ An là một tỉnh có diện tích tự nhiên 16.487 km2, dân số 3.003.000 người, trong đó LLLĐ từ 15 tuổi trở lên là 1.477.687 người, đa số là lao động khu vực nông thôn với 1.335.473 người, chiếm khoảng 90% LLLĐ của tỉnh (số liệu đến 31/12/2012).

Trong quá trình phát triển KT-XH, Nghệ An luôn quan tâm và xác định đào tạo nghề và đào tạo nghề cho TNNT là một trong những nội dung quan trọng, góp phần tích cực phát triển KT-XH của tỉnh. Từ năm 2018 Nghệ An đã triển khai các chương trình phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư phát triển các loại hình doanh nghiệp... đạt nhiều kết quả. Để thực hiện, Nghệ An đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có công tác đào tạo nghề, đào tạo nghề cho TNNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các cấp, các ngành của Nghệ An quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt.

Thực hiện chính sách Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An được phê duyệt theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2020 nguồn kinh phí hơn 800 tỷ đồng; thời gian triển khai từ tháng 10/2010 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến huyện, xã, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể nên đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Năm 2018, toàn tỉnh có 66.000 lượt người được đào tạo nghề, trong đó có 5.600 lượt TNNT được đào tạo theo Đề án 1956. Năm 2019, có 70.000 lượt người tham gia các lớp học nghề; trong đó, kết quả đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 7.980 người với 266 lớp (nông nghiệp: 166 lớp với 4.980 người; phi nông nghiệp: 100 lớp với 3.000 người). Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề là 75%. Với cách làm sáng tạo, tổ chức dạy nghề cho nông dân thông qua một số mô hình hiệu quả như nuôi lợn siêu nạc tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương; Chăn nuôi vịt bầu Quỳ Châu tại huyện Quế Phong; Trồng rau cao sản ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, ... Chăn nuôi trâu, bò hàng hóa tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương đã giúp các học viên vừa nắm vững được lý thuyết, vừa học tập được kinh nghiệm của các mô hình hiệu quả. Để triển khai đào tạo nghề cho TNNT, toàn tỉnh đã huy động 48 cơ sở đào tạo nghề bao gồm các trường dạy nghề công lập, các trung tâm dạy nghề của huyện và các cơ sở ngoài công lập.

Qua 2 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT" theo Đề án 1956, Nghệ An đã thực hiện cơ bản các yêu cầu, nhiệm vụ theo Quyết định của Chính phủ đề ra. Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề cho TNNT, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn phục vụ cho CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn như: Tỷ lệ chưa qua đào tạo trong TNNT còn cao, tập trung vào người nghèo, vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển. Không phải tất cả các lớp mở ra đều thật sự hiệu quả, nhiều người học xong không có điều kiện áp dụng vào thực tế, không có việc làm phù hợp với công việc được đào tạo nên quay về với NN và công việc cũ... Việc mở các lớp và vận động người dân theo học cũng gặp không ít khó khăn do thị trường việc làm chưa phát triển, thu nhập của lao động có nghề không góp phần ổn định được cuộc sống khiến cho công tác đào tạo nghề chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của người lao động, chưa giúp được các hộ gia đình thoát nghèo bền vững...

Kinh nghiệm của Thái Bình

Thái Bình là một tỉnh thuần nông. Hiện nay có trên một triệu lao động tập trung ở nông thôn. Thời gian sử dụng lao động trong nông nghiệp thấp, dưới 75% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ có 16%. Cũng như nhiều địa phương khác, hiện nay, cơ cấu lao động có trình độ kỹ thuật ở Thái Bình đang mất cân đối so với yêu cầu của sự phát triển. Tỷ lệ lao động trí óc thấp, nhất là ở khu vực nông thôn, chỉ chiếm dưới 5%. Ngành nông, ngư nghiệp chiếm trên 90% lao động trong tỉnh nhưng chỉ có khoảng 15% lao động kỹ thuật tập trung ở khu vực quản lý Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo còn khu vực sản xuất chỉ chiếm số lượng nhỏ. Các khu công nghiệp, khu chế xuất vừa hình thành cũng đang trong tình trạng thiếu trầm trọng lao động kỹ thuật. Sự thiếu vắng đội ngũ lao động có trình độ đã hạn chế khả năng tạo việc làm và

chuyển đổi cơ cấu lao động, tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ để có thể thúc đẩy kinh tế nông thôn. Mục tiêu của tỉnh Thái Bình trong năm 2017 là nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 78%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 30% và lao động được đào tạo nghề lên 18%, tạo việc làm mới cho 20.000 người. Để đạt được mục tiêu này, Thái Bình đã và đang thực hiện một số biện pháp như: từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, các cơ sở dạy nghề...

Kinh nghiệm của Bình Dương

Bình Dương là một trong những tỉnh được coi là có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam (bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) và cả nước. Trong những năm qua, Bình Dương là tỉnh có điều kiện thu hút và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ của cả nước mà chủ yếu là thanh niên nông thôn. Kinh nghiệm tạo việc làm của Bình Dương là:

- Tập trung phát triển kinh tế - xã hội tạo nhiều việc làm mới cho người lao động.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sản xuất hàng hóa lớn.

- Xây dựng và phát triển các khu công nghiệp. khu chế xuất tập trung một cách liên hoàn theo hướng đa ngành, hiệu quả kinh tế.

- Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng gắn với cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư sản xuất.

- Liên kết dạy nghề phổ thông qua các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của TP Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng nguồn lao động trẻ.

- Tổ chức các trung tâm dịch vụ việc làm của thanh niên gắn với thị trường lao động của tỉnh và cả nước.

Tóm lại, qua kinh nghiệm của một số địa phương trong nước có thể thấy công tác đào tạo nghề luôn được Chính phủ các nước quan tâm đặc biệt với vai trò là một nhân tố quan trọng trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Qua đó, Việt Nam có thể nghiên cứu vận dụng một cách hợp lý những bài học kinh nghiệm sau:

- Phát triển nguồn nhân lực phải nhất quán từ khâu đào tạo, sử dụng sau đào tạo và thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo cân bằng cung cầu lao động trên thị trường giữa các ngành kinh tế cũng như theo vùng địa lý.

- Chính phủ các nước thường có các chính sách nhất quán và đồng bộ về phát triển đào tạo nghề, lồng ghép trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực; đồng thời, Chính phủ giao các cơ quan quản lý xác định và thiết lập hệ thống tiêu chuẩn để quản lý thống nhất chất lượng đào tạo trên phạm vi cả nước tương ứng với hệ thống bằng cấp, chứng chỉ nghề.

Việc quy hoạch phát triển dạy nghề được thực hiện trên cơ sở tầm nhìn xa về xu hướng phát triển KT-XH, trong đó chú ý đến việc ảnh hưởng các thành tựu khoa học và công nghệ, để từ đó có chiến lược đáp ứng về nhân lực. - Phân cấp việc quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo ngành dọc và theo vùng địa lý để đảm bảo tính chủ động của các cơ quan quản lý, đồng thời tạo sự linh hoạt cho hoạt động đào tạo nghề tại các vùng địa phương theo quy hoạch tổng thể trong cả nước.

- Đào tạo nghề được phát triển đa dạng và vai trò của đối tác xã hội được chú trọng; đồng thời phát huy tính chủ động của cá nhân trong một xã hội học tập suốt đời; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết và thực hành tại cơ sở đào tạo với thực hành tại nơi sử dụng lao động, gắn kết chặt chẽ giữa “học” và “hành”, đào tạo theo địa chỉ, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của nơi sử dụng lao động.

- Thực tế cho thấy những nơi nào có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị; có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tổ chức, triển khai thực hiện thì ở nơi đó các chính sách, hoạt động đào tạo nghề được triển khai có hiệu quả.

- Công tác tuyên truyền, tư vấn, quảng bá học nghề, hướng nghiệp phải đi trước một bước; người làm công tác tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm bắt đầy đủ thông tin, trong đó có các thông tin liên quan về ngành nghề đào tạo, chính sách về chế độ học nghề của nhà nước, về giải quyết việc làm sau đào tạo...

Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động đào tạo nghề, đào tạo nghề cho TNNT phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các “khâu”, các nội dung và tất cả các cấp.

- Phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp; giữa các công ty, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề; giữa công ty, doanh nghiệp và người học nghề từ khâu xác định nhu cầu đào tạo (đầu vào), tổ chức đào tạo, đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm (đầu ra).

Quan tâm đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa, nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề, đào tạo nghề cho TNNT. Thực hiện mô hình công - tư kết hợp một cách phù hợp để xã hội hóa và phát huy được nguồn lực xã hội, đẩy mạnh công tác dạy nghề nói chung và dạy nghề cho LĐNT nói riêng.

Tiểu kết Chương 1

Chương 1 của luận văn đã trình bày khái quát những vấn đề lý luận cơ bản về đào tạo nghề, chính sách đào tạo nghề cho TNNT; qua đó, luận văn đã trình bày các khái niệm có liên quan đến dạy nghề, dạy nghề cho TNNT; các quan điểm, mục tiêu, đặc điểm và đặc trưng của công tác đào tạo nghề; các chủ thể, thể chế của chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các nội dung, hình thức đào tạo nghề; ý nghĩa của chính sách đào tạo nghề cho TNNT; các nhân tố ảnh hưởng và nhất là kinh nghiệm trong nước và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về đào tạo nghề, đào tạo nghề cho TNNT.

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn là một nội dung quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Bao gồm các nội dung: Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề: các trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề và các tổ chức cá nhân, tăng cường công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội, nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên phục vụ cho các cơ sở dạy nghề, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tập.

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn chịu sự chi phối tác động bởi các nhân tố: Mở cửa - hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng, Nhà nước, UBND thành phố và các lực lượng có liên quan đề ra các chủ trương, chính sách về giải quyết việc làm cho thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự quản lý của nhà nước.

Nội dung nghiên cứu ở Chương 1 sẽ là cơ sở cần thiết cho việc khảo sát, nghiên cứu thực trạng tình hình thực hiện chính sách đào tạo nghề cho TNNT ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội sẽ được trình bày trong Chương 2 tiếp theo.

Chương 2

THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ CHO THANH NIÊN NÔNG THÔN

Ở HUYỆN THẠCH THẤT, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn ở huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 43 - 50)