1.2 .Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn
3.3.1. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo
Giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo là chủ trương, công việc quan trọng và là nhu cầu cần thiết, có nhiều ý nghĩa đối với công tác đào tạo nghề và sự phát triển KT-XH của huyện Thạch Thất trong thời gian qua cũng như trong thời gian sắp tới. Chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sẽ là động lực để thúc đẩy người lao động tham gia học nghề tích cực hơn, giúp họ có sự yên tâm trong học tập, phát huy khả năng, có ý thức, trách nhiệm trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho TNNT là một bước “kiểm tra” kết quả của quá trình đào tạo nghề cho TNNT về tay nghề, chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề.
Thực hiện chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo sẽ giúp cho các cơ sở đạo tạo nghề gắn kết chặt chẽ giữa “Nhà trường và doanh nghiệp”, chuyển đổi cách đào tạo từ “Đào tạo theo những gì mình có” sang “Đào tạo theo những gì doanh nghiệp cần”; bên cạnh đó sẽ có sự cam kết, ràng buộc giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tuyển dụng về việc tổ chức đào tạo, trình độ, tay nghề của lao động qua đào tạo; tiếp nhận người học nghề sau đào tạo; mức lương của lao động vào làm việc tại doanh nghiệp...
Cơ chế, chính sách này sẽ có tác động tích cực cho xã hội, giảm đi đáng kể sự lãng phí trong đào tạo; hạn chế thấp nhất tình trạng người học ra trường không có việc làm, thất nghiệp nhiều như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện những giải pháp, các dự án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm; đề án hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025 của Chính phủ; dự án hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, “khởi sự doanh nghiệp” qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác; nâng cao chất lượng, tăng số lượng lao
động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho HS-SV và người lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của huyện; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; nâng tần suất, phạm vi các hoạt động của sàn giao dịch việc làm ở các địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu “việc tìm người - người tìm việc”, ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.