1.1.2.1. Giảm nghèo
Giảm nghèo là một chiến lược của tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm giải quyết vấn đề đói nghèo và phát triển kinh tế của đất nước. Ở Việt Nam, ngày 21/5/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo". Có thể nói đây là một chiến lược đầy đủ, chi tiết phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp Quốc công bố.
Giảm nghèo là làm cho bộ phận dân cư nghèo nâng cao mức sống, từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ
phần trăm và số lượng người nghèo giảm xuống. Hay giảm nghèo là quá trình chuyển bộ phận dân cư nghèo lên mức sống cao hơn.
Như vậy, có thể hiểu giảm nghèo là tổng thể các biện pháp, chính sách của nhà nước và xã hội hay là của chính những đối tượng thuộc diện nghèo, nhằm tạo điều kiện để họ có thể tăng thu nhập, thoát khỏi tình trạng thu nhập không đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu trên cơ sở chuẩn nghèo được quy định theo từng địa phương, khu vực và quốc gia.
Trong nhiều năm qua, nỗ lực giảm nghèo của các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên kết quả giảm nghèo lại được khẳng định là chưa thực sự bền vững, số hộ thoát nghèo tăng, nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn. Tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, đời sống người nghèo nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội nhất là vùng sâu, vùng xa... Bên cạnh đó, chưa có các biện pháp nâng cao khả năng tự phục hồi trước các tác động tiêu cực của tình hình kinh tế - xã hội (khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị - xã hội) và thiên tai, dịch bệnh (lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh...) của người nghèo.
Như vậy chính sách giảm nghèo của các quốc gia hiện nay ngoài việc đảm bảo hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo đã định trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, cần hướng đến việc khắc phục một cách có hiệu quả nhất những bất cập, hạn chế trong giảm nghèo để tránh tình trạng tái nghèo, cải thiện ở mức tốt nhất thu nhập và điều kiện sống của người nghèo. Từng bước giúp họ có thể tự vươn lên một cách vững vàng thông qua việc họ có các điều kiện và cơ hội khai thác các nguồn lực xã hội cơ bản để phát triển. Đồng thời, hướng tới việc nắm bắt các xu hướng tác động đến chất lượng giảm nghèo để có cách thức đảm bảo tính bền vững cho thành quả giảm nghèo.
1.1.2.2. Giảm nghèo bền vững
Xuất phát từ những phân tích trên, giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay không chỉ nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho người nghèo, mà còn phải bảo đảm tính bền vững, tạo ra những điều kiện tốt nhất cho người nghèo vươn lên… Giảm nghèo bền vững là một quá trình chuyển một bộ phận người nghèo từ tình trạng có ít điều kiện lựa chọn sang tình trạng có đầy đủ điều kiện lựa chọn hơn để cải thiện đời sống mọi mặt của mỗi hộ gia đình nghèo. Nói cách khác giảm nghèo bền vững là quá trình tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo có khả năng tiếp cận các nguồn lực của sự phát triển một cách nhanh nhất, trên cơ sở đó họ có nhiều lựa chọn hơn, giúp họ từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo.
Từ nhận thức chung nêu trên, cùng với định hướng giảm nghèo bền vững quốc gia thời kỳ 2011 - 2020 được ban hành bởi Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ [77], có thể cụ thể hóa giảm nghèo bền vững ở Việt Nam trên các khía cạnh sau:
- Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, từng giai đoạn.
- Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là các điều kiện sống cơ bản (về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở) và người nghèo cũng được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Người nghèo có được nhiều hơn các cơ hội để vươn lên tự thoát nghèo và phát triển thông qua hệ thống các chủ trương, chính sách giảm nghèo đồng bộ và có tính khả thi của Đảng và Nhà nước.
Để đánh giá mức độ bền vững trong giảm nghèo, không thể chỉ đánh giá dựa trên số lượng người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo
giảm xuống mà phải căn cứ trên nhiều tiêu chí khác nhau mang tính toàn diện hơn như:
- Thu nhập thực tế của người nghèo, hộ nghèo được cải thiện, vượt qua được chuẩn nghèo, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo về thu nhập nếu gặp rủi ro hoặc sự thay đổi của chuẩn nghèo.
- Được tạo cơ hội và có khả năng tiếp cận đầy đủ với các nguồn lực sản xuất được xã hội tạo ra, các dịch vụ hỗ trợ người nghèo và được quyền tham gia và có tiếng nói của mình đối với các hoạt động lập kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo cho bản thân và địa phương.
- Được trang bị một số điều kiện tối thiểu để có khả năng tránh được tình trạng tái nghèo khi gặp phải những rủi ro khách quan như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh hoặc sự thay đổi của chuẩn nghèo.
- Được đảm bảo tiếp cận bình đẳng về giáo dục dạy nghề và chăm sóc sức khoẻ để về lâu dài, người nghèo, người mới thoát nghèo và con em họ có được kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, tay nghề nhằm tạo ra thu nhập ổn định trong cuộc sống.