Việc tinh giản biên chế chỉ được hoàn thành theo mục tiêu yêu cầu khi xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực là việc làm quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở, điều kiện để cải cách, tinh giản biên chế nhân sự, tinh gọn tổ chức bộ máy. Công tác tổ chức, cán bộ được thực hiện đồng bộ về tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ, “nuôi dưỡng” theo phương châm trọng dụng người có đức có tài, có tâm có tầm. Kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế
kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khoẻ, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.
1.3.4. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vai trò quan trọng trong thực hiện tinh giản biên chế. Vì vậy, để thực hiện việc xác định tinh giản biên chế một cách có hiệu quả, cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện xác định chỉ tiêu tinh giản, vị trí việc làm, số lượng tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức tại cơ quan, đơn vị.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và bản mô tả công việc của công chức để tham khảo, phân nhóm, tiến hành xác định lại, rồi sắp xếp vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị mình, tránh tình trạng công chức kê khai thế nào là áp theo như vậy trong đề án tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị. Phần kê khai này chỉ là căn cứ để xác định xem vấn đề phân công công việc đã phù hợp với trình độ, năng lực của họ chưa và người đứng đầu phải kiểm tra, đối chiếu để xác định lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Nếu người đứng đầu không kiên định, quyết tâm, không có bản lĩnh chính trị; không “đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân”; không công tâm, khách quan, “liêm chính, chí công vô tư” khi sử dụng quyền hạn của mình... thì không thể đưa được những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị vào diện thực hiện chính sách tinh giản biên chế; không thể nào tinh giản biên chế được.