- Vị trí địa lý và địa hình: Quảng Bình là địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp Hà Tĩnh với ranh giới là đèo Ngang; phía Nam giáp Quảng Trị; phía Đông giáp Biển Đông với bờ biển dài 116,04 km2 có diện tích thềm lục địa lên đến 20.000 km2 ; phía Tây giáp nước CHDCND Lào với 201 km đường biên giới. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 8065,3 km2, chiếm 2,45% diện tích cả nước. Tổ chức hành chính toàn tỉnh hiện có thành phố Đồng Hới là trung tâm hành chính của tỉnh, thị xã Ba Đồn và 6 huyện, 16 phường, 143 thị trấn, xã [9, tr.13]. Nằm phía Đông dãy Trường Sơn có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông trên địa bàn dốc và chảy xiết, hẹp về bề ngang, càng về phía nam càng thu hẹp do dãy Trường Sơn hướng ra biển. Địa hình Quảng Bình hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông, 85% tổng diện tích tự nhiên là đồi núi.
- Về Hệ thống giao thông: Nằm ở điểm hẹp nhất trên tuyến đường giao thông của cả nước, tất cả các đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam Việt Nam đều trải dài suốt chiều dài của Quảng Bình như: đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh với hai nhánh Đông, Tây. Hệ thống cảng biển bao gồm 4 cảng với một cảng nước sâu gắn kết chặt chẽ với khu kinh tế Hòn La, hệ thống sông ngòi dày đặc đang kết nối mạng lưới giao thông thủy nội địa của toàn tỉnh, sân bay Đồng Hới mở đường bay đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra cầu hàng không vận chuyển hiệu quả. Trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mê Kông, Quảng Bình là địa phương nằm trong hành lang
kinh tế Đông - Tây, đặc biệt Quốc lộ 12A trên hành lang này nằm trong địa phận của Quảng Bình được xác định là con đường ngắn nhất kết nối từ cảng và khu công nghiệp Hòn La đến cửa khẩu Cha Lo với Lào, Thái Lan, Myanmar. Mạng lưới giao thông thuận lợi, với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không đã khớp nối Quảng Bình với cả nước và các quốc gia trong khu vực. Đây là lợi thế lớn của địa phương trong xây dựng mối quan hệ liên kết với các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế, kết nối thông suốt thị trường giao thương sản phẩm hàng hóa với cả nước và quốc tế.
- Về Tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên đất của Quảng Bình được chia thành hai hệ chính: Đất phù sa ở vùng đồng bằng và hệ pheralit ở vùng đồi và núi với 15 loại và các nhóm chính như sau: nhóm đất cát, đất phù sa và nhóm đất đỏ vàng. Trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, chủ yếu ở địa hình đồi núi phía Tây, đất cát chiếm 5,9% và đất phù sa chiếm 2,8% diện tích. Phía bắc Ba Đồn - Quảng Trạch có bãi cát trắng với diện tích rộng gần 40km2, ước tính trữ lượng 35 triệu tấn, Thanh Khê - Bố Trạch có trữ lượng 5 triệu tấn. Cát có độ tinh khiết cao, hàm lượng SiO2 đạt 98% - 99% có thể phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm thủy tinh cao cấp. Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn - nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha - Kẻ Bàng, động vật có: 493 loài, 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá... có nhiều loài quý hiếm như Voọc Hà Tĩnh, Gấu, Hổ, Sao La, Mang Lớn, Gà Lôi lam đuôi trắng, Gà Lôi lam mào đen, Trĩ... Với diện tích rừng 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên 447.837 ha, rừng trồng 38.851ha, trong đó có 17.397 ha rừng thông, diện tích không có rừng 146.386 ha, trữ lượng gỗ là 31 triệu m3 [36].