7. Tổng quan tài liệu
2.2.3. Trách nhiệm đối với người tiêu dùng
Xã hội, tức là người tiêu dùng, đòi hỏi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, an toàn và giá cả hợp lý. Về phần mình, doanh nghiệp xác định mục tiêu tối hậu là lợi nhuận. Đòi hỏi của xã hội sẽ được doanh nghiệp đáp ứng thỏa đáng, nếu việc đó đồng thời cho phép doanh nghiệp giải được bài toán lợi nhuận. Thế nhưng, để doanh nghiệp có thể cân phân giữa trách nhiệm xã hội và lợi nhuận rồi từ đó xác định cách ứng xử thích hợp thì điều tiên quyết là doanh nghiệp phải nhận biết tường tận những đòi hỏi của xã hội đối với mình, đặc biệt là về những rủi ro doanh nghiệp phải đương đầu đối với việc theo đuổi lâu dài mục tiêu lợi nhuận trong trường hợp đòi hỏi ấy không được thỏa mãn. Rõ hơn, phải có ai đó nói với doanh nghiệp, bằng tiếng nói nhân danh người tiêu dùng, về những gì doanh nghiệp cần làm để có được sự chấp nhận chi trả với thái độ tín nhiệm của họ.
Doanh nghiệp sản xuất ra các loại sản phẩm, hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng trên thị trường, chính vì vậy doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện việc đảm bảo chất lượng, độ an toàn của các hàng hóa, dịch vụ mà mình làm ra. Bên cạnh đó phải có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng, cảnh báo những nguy cơ gặp phải khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình. Pháp luật bắt buộc người kinh doanh phải cảnh báo người tiêu dùng về tác hại khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ như thuốc lá, dược phẩm, dịch vụ thẩm mỹ. Doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi với người tiêu dùng.