Vấn đề thuộc về thể chế

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) đạo đức và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 71 - 73)

7. Tổng quan tài liệu

2.4.1.Vấn đề thuộc về thể chế

Ở nước ta hiện nay, việc xác định trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng, với môi trường sinh thái và các vấn đề thuộc phạm trù đạo đức xã hội khác thuộc về ai đang là vấn đề còn đang bàn cãi. Vấn đề cần phải làm sáng tỏ ở đây là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đến đâu, đâu là trách nhiệm của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự có vai trò gì trong vấn đề này.

Có thể nói, trong những năm gần đây hệ thống pháp luật ở nước ta không ngừng được đổi mới, bổ sung và xây dựng lại một cách sâu rộng, từ Hiến pháp cho đến các hệ thống luật và các văn bản dưới luật. Hệ thống luật pháp nước ta đạt nhiều thành tựu lớn, hệ thống luật rất đa dạng về thể loại văn bản và khổng lồ về số lượng văn bản quy phạm pháp luật. Trong hệ thống pháp luật có 26 loại văn bản được xác định là văn bản quy phạm pháp luật. Theo số liệu của Cơ sở dữ liệu pháp luật Bộ Tư pháp, tính từ ngày 1 tháng 1 năm 1987 đến 30 tháng 11 năm 2008, chỉ tính riêng văn bản pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành thì hệ thống pháp luật nước đã có tới 19126 văn bản, trong đó có 208 luật, bộ luật, 192 pháp lệnh, 2097 nghị định, 267 nghị quyết và 36 thông tư, 1213 thông tư liên tịch. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã cần đến trên 40 văn bản pháp luật khác nhau để hướng dẫn thi hành, trong đó có cả luật doanh nghiệp.

Nhận thức tầm quan trọng của các vấn đề toàn cầu và trách nhiệm của các quốc gia dân tộc trong bảo vệ môi trường, đối phó với những vấn đề do biến đổi khí hậu. Năm 1994 Chính phủ Việt Nam đã thông qua công ước về khí hậu và sau đó là nghị định Kyoto năm 2002. Ngoài ra, Việt Nam còn có Luật Bảo vệ Môi trường số: 55/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014. Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường 2014 gồm 20 chương và 170 điều. Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường 2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Tuy nhiên, hiệu lực của pháp luật còn thấp. Do có quá nhiều loại văn bản, được nhiều cấp ban hành, nhưng lại thiếu cơ chế cân nhắc toàn diện các lĩnh vực pháp luật khác nhau, nên dẫn đến mâu thuẫn và chồng chéo. Sự tồn tại các bất cập và mâu thuẫn làm giảm tính minh bạch của pháp luật, khiến cho pháp luật trở nên phức tạp, khó hiểu và khó áp dụng, vì thế kém hiệu lực. Nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ rất ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm

hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Pháp luật thường xuyên bị thay đổi, dẫn những khó khăn đáng kể trong việc thực hiện và tác động xấu đến sự ổn định của các quan hệ xã hội, nhất là đối với các quan hệ kinh tế. Tính minh xác, tính minh định thì hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu tính minh bạch. Chính hạn chế này khiến các chủ thể thực sự lúng túng khi thực hiện hay áp dụng pháp luật. Quy trình xây dựng pháp luật vẫn chưa tạo được cho công chúng những tiếp cận và tham gia cần thiết. Các ý kiến của chuyên gia, của các nhà khoa học nói riêng và của công chúng nói chung chưa thực sự được cân nhắc và tiếp thu. Mặt khác, tính tích cực công dân tham gia xây dựng pháp luật nhìn chung chưa cao… Sự yếu kém của hệ thống luật còn thể hiện ở trách nhiệm yếu kém và mờ nhạt của các cơ quan chức năng. Hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật diễn ra, gây bức xúc trong dư luận nhưng không được xử lý nghiêm minh. Vụ việc công ty Vedan, công ty Tinh bột sắn Quảng Nam là một điển hình.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) đạo đức và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay (Trang 71 - 73)