7. Tổng quan tài liệu
2.4.2. Vấn đề của các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội, chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nhưng tình hình chung hiện nay, các doanh nghiệp ở nước ta chỉ chú tâm vào nội dung kinh tế trong thực hiện trách nhiệm của mình. Quá trình sản xuất kinh doanh không ổn định, yếu kém và đang có nhiều vấn đề cần phải xem xét.
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước, thì vấn đề nổi cộm hiện nay chính là vấn đề tham nhũng. Theo báo cáo điều tra của Ban Nội chính Trung ương thực hiện năm 2005, thì có tới 56,5% cán bộ, công chức được hỏi đánh giá: Cấp trên trực tiếp của mình tham nhũng ở nhiều mức độ khác nhau. Theo tổ chức minh bạch thế giới (TI) thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tình trạng tham nhũng đã làm mất lòng tin của nhân viên và người
lao động tham gia sản xuất trong các doanh nghiệp nhà nước, công nhân có chuyển biến xấu về nhận thức.
- Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vấn đề đặt ra là tình trạng lách luật và trốn thuế. Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ta đều thực hiện tốt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp nguồn ngân sách lớn cho nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển. Điển hình như công ty Unilever, là công ty có vốn đầu tư nước ngoài thành công nhất trong các hoạt động kinh doanh và hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Được nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp nước ngoài vi phạm nghiêm trọng các vấn đề bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm, trốn thuế…Trong đó phải kể đến công ty Vedan, đã xả trộm nước thải ra sông Thị Vải làm ô nhiễm nặng môi trường nước. Cá biệt còn có các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam thực hiện buôn lậu hay trốn thuế.
- Đối với các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay. Vấn đề đặt ra trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp này chính là chất lượng sản phẩm. Trong xu thế hội nhập cùng phát triển, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vị thế trong thị trường nội địa và dần vươn xa hơn trong thị trường khu vực và thế giới. Quá trình sản xuất đã tiếp cận với những tiến bộ của khoa học – kĩ thuật hiện đại của thế giới, chất lượng sản phẩm dần được cải thiện, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra. Một phần do vốn ít, phần khác đến từ những khó khăn từ nhân lực và quá trình tiếp cận máy móc và các thành tựu mới mà sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta vẫn chưa đứng vững trên thị trường. Chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo tính tối ưu cho người tiêu dùng Việt Nam.