7. Tổng quan tài liệu
2.3.1. Tình hình chung về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ởViệt
Việt Nam
Trên thế giới hiện nay, đối với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không còn là vấn đề xa lạ. Đối với các doanh nghiệp làm tốt trách nhiệm xã hội của mình sẽ được cấp một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những quy tắc ứng xử (Code of Conduct hay gọi tắt là COC). Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều hơn sự quan tâm về vấn đề này, đặc biệt là các vấn đề về
quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Những doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm xã hội có thể sẽ không còn cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế.
Ở Việt Nam, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn khá mới mẻ, nhưng bước đầu đã được một số bộ, ngành quan tâm, chú ý. Bằng chứng là, từ năm 2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương cùng với các Hiệp hội Da giày, Dệt may trao giải thưởng “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững” nhằm tôn vinh các doanh nghệp thực hiện tốt trách
nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thâm nhập vào Việt Nam chủ yếu thông qua những hoạt động của các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Những công ty đa quốc gia thường xây dựng những bộ quy tắc ứng xử và những chuẩn mực về đạo đức kinh doanh mang tính phổ quát và có thể áp dụng ở nhiều địa phương khác nhau. Các công ty này đều có chiến lược, kế hoạch thực hiện tốt và kết quả đạt được luôn kết quả vượt trội. Điển hình cho các công ty này như: chương trình “Tôi yêu Việt Nam” của công ty Honda Việt Nam, chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ em tại các tỉnh miền núi của công ty Unilever, chương trình đào tạo tin học Topic 64 của Microsoft, Qualcomm và HP, chương trình hỗ trợ phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh và ủng hộ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ của VinaCapital, Samsung, chương trình khôi phục thị lực cho trẻ em nghèo của Western Union…
Đối với nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã nhận thấy rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu được đối với doanh nghiệp, bởi lẽ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới. Các doanh
nghiệp trong nước đầu tiên tiếp cận với trách nhiệm xã hội là các công ty xuất nhập khẩu. Hầu hết các đơn đặt hàng đều xuất phát từ các nước phát triển ở châu Âu và Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất may mặc, giày da phải áp dụng chế độ lao động tốt theotiêu chuẩn SA8000, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (đối với các xí nghiệp thủy sản)... Ngoài ra, nhiều công ty tư nhân trong nước nắm bắt vấn đề CSR khá nhạy bén. Một số công ty chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội và tạo được hình ảnh tốt đối với công chúng như các tập đoàn Mai Linh, Tân Tạo, Duy Lợi, ACB, Sacombank, Kinh Đô…[59]
Kết quả khảo sát gần đây do Viện Khoa học lao động và xã hội tiến hành trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành giầy da và dệt may cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%, năng suất lao động cũng tăng từ 34,2 triệu đồng lên 35,8 triệu đồng/1 lao động/năm, tỷ lệ hàng xuất khẩu tăng từ 94% lên 97%. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp còn củng cố được uy tín với khách hàng, tạo được sự gắn bó và hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp, thu hút được lực lượng lao động có chuyên môn cao. Nhận thức của cộng đồng và tính hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng với vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã có bước phát triển tích cực và nhanh chóng.
Ngoài ra, sự bức xúc của xã hội ngày càng dâng cao về các vụ việc mà các công ty, doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm hay các vụ án gian lận trong thương mại cũng đã làm cho vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở nước ta trở thành vấn đề quan trọng. Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, chúng ta có Bộ Luật Lao động năm 1994, được sửa đổi 2 lần vào năm 2002 (có nội dung thỏa ước lao động, làm thêm giờ, bảo hiểm xã hội, trợ cấp, sa thải lao động) và năm 2006 (về nội dung tranh chấp lao động và đình công). Trong lĩnh vực môi trường, hoạt động
trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở nước ta có bước tiến lớn sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 được ban hành thay thế cho luật cũ năm 1994 hầu như không có hiệu lực. Tiếp theo, một loạt nghị định đã được ban hành kịp thời để hướng dẫn luật, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào thủ tục đầu tư, và thể chế hóa công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, thu phí nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, chất thải rắn… Về bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, chúng ta có Cục và chi cục bảo vệ môi trường trực thuộc trung ương và các địa phương. Đáng chú ý, sau khi Luật được ban hành, cuối năm 2006, Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát Môi trường (C36) và Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36) ở các tỉnh, thành. Đến nay, cơ quan này đã điều tra và phát hiện hàng trăm vụ gây ô nhiễm gây tiếng vang trong dư luận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, trong thời gian qua ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện một cách nghiêm túc trách nhiệm xã hội của mình. Điều đó thể hiện ở các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm an toàn lao động, sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là các vụ xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các dòng sông và cộng đồng dân cư của các công ty Miwon, công ty Hào Dương, công ty Giấy Việt Trì, công ty Hyundai Vinashin (Khánh Hòa), các vụ sản xuất thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người, như nước tương có chứa chất 3-MCPD gây ung thư, bánh phở chứa phormol, thực phẩm chứa hàn the, sữa có chứa melamine. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, vấn đề an toàn lao động cho người lao động cũng không còn là hiện tượng hiếm thấy, đã và đang gây bức xúc cho xã hội.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (số liệu năm 2012) đã chỉ ra đa phần các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu đúng về trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp vẫn có vẻ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội tới bản thân doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Viện này thì mới chỉ có 36% doanh nghiệp được hỏi trả lời có bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội. Và khoảng 2% doanh nghiệp nói họ hiện đang là thành viên của nhóm thực hiện các tiêu chuẩn CS (tiêu chuẩn Việt Nam). Cũng trong hai năm 2011 và 2012, 28% số doanh nghiệp chấp hành bảo vệ môi trường, 5% DN thừa nhận có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc y tế… Đó là thực trạng buồn về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Việt Nam. [52]
Năm 2010, Bộ Tài Nguyên và Môi trường công bố báo cáo môi trường quốc gia cho thấy: Trong 5 năm qua, môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và một số lưu vực sông của Việt Nam đều bị ô nhiễm các chất hữu cơ và tình trạng này không ngừng gia tăng. Tại hầu hết các sông, hồ, kênh, rạch trong nội thành của các thành phố, thị trấn lớn, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ đều vượt giới hạn tối đa cho phép từ 2 đến 6 lần. Điển hình là ô nhiễm tại lưu vực các sông gồm sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai đã tới mức báo động. Nghiêm trọng nhất là lưu vực sông Đồng Nai, nguồn nước thuộc đoạn sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm nặng, chất lượng nước mặt dùng cho sinh hoạt không đảm bảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm này là do có “trên 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm phân tán, xen kẽ trong khu dân cư trên lưu vực sông Đồng Nai. Bình quân mỗi ngày, lưu vực sông phải tiếp nhận khoảng 48.000m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất này”. [54]
Tính đến hết năm 2009, toàn quốc đã có tới 249 khu công nghiệp được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng chỉ có khoảng
50% các khu công nghiệp đang hoạt động là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện nay, có khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày từ các khu công nghiệp xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý. Cùng với sự phát triển của các làng nghề, hậu quả về môi trường do các hoạt động sản xuất làng nghề đưa lại cũng ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than, lượng bụi và khí CO, CO2, SO2 và Nox thải ra trong quá trình sản xuất khá cao. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống, đang giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động không thường xuyên.
Tuy nhiên, do sản xuất mang tính tự phát, hộ sản xuất sử dụng phương tiện thủ công lạc hậu, chắp vá, mặt bằng sản xuất chật chội, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải ít được họ quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái của người dân làng nghề còn kém.