1.2.1. Khái niệm
Nghiên cứu về thực hiện chính sách tạo việc làm cho nông dân tức là học viên đề cập đến khía cạnh thực thi chính sách.
Thực thi chính sách công là quá trình đưa chính sách công vào thực tiễn đời sống xã hội thông qua việc ban hành các quy định, thủ tục, chương trình và thực hiện chúng nhằm đạt được mục tiêu chính sách.
Như vậy, thực hiện chính sách tạo việc làm cho nông dân chính là quá trình triển khai các biện pháp nhằm đạt được mục tiêu giải quyết việc làm cho nông dân, đem lại những biến đổi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích của người dân.
Trong quá trình thực hiện chính sách công có rất nhiều chủ thể tham gia , các chủ thể này có mối quan hệ tương tác với nhau trong quá trình thực hiện chính sách; số lượng chủ thể và vai trò của từng chủ thể tham gia tùy thuộc vào từng chính sách cụ thể và bối cảnh của từng nước. Tuy nhiên, có thể nhóm các chủ thể tham gia vào thực hiện chính sách công thành các nhóm:
Nhóm 1: Chủ thể thực hiện là các cơ quan Nhà nước và nhân sự của các cơ quan đó.Đây là chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện chính sách. Trong chính sách tạo việc làm cho nông dân Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Đề án, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai Đề án tạo việc làm cho nông dân Các cơ quan phối hợp gồm:
Ở Trung ương gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ở địa phương gồm: phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh, Ngân hàng chính sách xã hội, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.
Nhóm 2: Chủ thể tham gia là các đối tác phi Nhà nước là các doanh nghiệp, nhà máy, công xưởng, trang trại…
Nhóm 3:Chủ thể tham gia với tư cách là đối tượng thụ hưởng chính sách là nông dân.
1.2.2. Vai trò của thực hiện chính sách tạo việc làm cho nông dân
Tạo việc làm cho người lao động không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội, nối liền kinh tế với xã hội. Chính sách tạo việc làm cho nông dân có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội.
1.2.2.1.Đối với kinh tế
Chính sách tạo việc làm cho nông dân sẽ góp phần khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các tiềm năng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Lao động trong khu vực nông thôn chiếm hơn 70% lực lượng lao động cả nước. Hàng năm lực lượng lao động này đã đóng góp đáng kể cho tổng sản phẩm nội địa (GDP) của đất nước. Nếu không sử dụng lực lượng lao động này
vào sản xuất sẽ gây lãng phí tài nguyên con người - nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Với những phẩm chất đáng quý của nguồn nhân lực Việt Nam, nếu có những chính sách phù hợp sẽ khuyến khích, tạo cơ hội cho lực lượng này tham gia vào các khu vực ngoài sản xuất nông nghiệp như dịch vụ, công nghiệp và xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Đồng thời với chính sách tạo việc làm hợp lý còn cho phép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác như tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, công nghệ kĩ thuật. Tạo việc làm cho nông dân sẽ góp phần tích cực trong việc phân bổ lao động một cách hiệu quả, hợp lý.Từ đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa của Đảng và Nhà nước ta.
1.2.2.2. Đối với chính trị
Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (Khóa XII) của Đảng đã xác định vị trí của nông nghiệp, nông thôn và nông dân là cơ sở để ổn định chính trị đất nước trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế Thế giới. Vì vậy, tạo việc làm cho nông dân không những góp phần phát triển kinh tế- xã hội mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị. Một chính sách không hợp lý sẽ không thu phục được lòng tin của nhân dân. Do vậy, việc ban hành và thực hiện chính sách tạo việc làm hợp lý, giải quyết tình trạng thiếu việc làm cho nông dân sẽ góp phần củng cố và duy trì lòng tin của hàng chục triệu lao động vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
1.2.2.3.Đối với xã hội
Giải quyết việc làm là một vấn đề mang tính xã hội. Mỗi con người khi trưởng thành đều có nhu cầu và quyền lợi chính đáng là lao động. Chính vì vậy giải quyết việc làm đầy đủ cho người lao động có ý nghĩa rất lớn đối cá nhân và cả xã hội. Khi Chính phủ có chính sách việc làm thỏa đáng, điều đó sẽ đem đến sự công bằng cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho tất cả lao động. Từ đó mọi người có thu nhập hạn chế được sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội có thể giảm bớt. Ngược lại, nếu không giải quyết tốt việc làm cho người lao động,
hiện tượng thất nghiệp và thiếu việc làm sẽ tăng lên. Điều này luôn gắn liền với sự gia tăng các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, ma túy… làm rối loạn trật tự an ninh xã hội, tha hóa nhân phẩm người lao động. Thất nghiệp ở mức cao còn gây ra sự bất ổn định về kinh tế và chính trị, có khi còn là tác nhân gây ra sự sụp đổ của cả một thế hệ, làm mất niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Giải quyết việc làm trên phạm vi rộng còn bao gồm cả những vất đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động. Trên góc độ này, giải quyết việc làm còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động nhằm đáp ứng những yêu cầu của thị trường, đồng thời xây dựng nguồn lực lâu dài cho đất nước.
Hiện nay, nhiều gia đình và cá nhân người lao động thường di chuyển từ nông thôn lên thành thị vì mục đích việc làm và thu nhập. Do vậy cần có những giải pháp việc làm hợp lý cho khu vực nông thôn, khi dòng lao động nông thôn này di chuyển lên thành thị sẽ gây ra sức ép cho khu vực này trên tất cả các mặt như: nhà cửa, điện nước, y tế, thậm chí cả những rối loạn về mặt xã hội.
1.2.3. Nội dụng của một số chính sách tạo việc làm cho nông dân
Chính sách tạo việc làm cho nông dân bao gồm một hệ thống chính sách bộ phận với các mục tiêu và giải pháp chính sách tác động trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tạo việc làm cho nông dân.
Tùy theo cách tiếp cận khác nhau có thể có các chính sách bộ phận khác nhau, trong khuôn khổ luận văn một số chính sách bộ phận được đề cập đến của hệ thống bao gồm :
1.2.3.1. Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho nông dân
Chính sách đào tạo nghề cho nông dân được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình như: Xây dựng hệ thống các trường, cơ sở đào tạo nghề và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất các đơn vị thực hiện đào tạo nghề; sử dụng, bồi dưỡng và quy định trình độ của giảng viên dạy nghề; thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu học phí đối với người học nghề; xây dựng chương trình học nghề theo khung trình độ.
Chương trình tiến hành đào tạo nghề cho nông dân có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.
1.2.3.2. Thực hiện chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp và làng nghề
Thực hiện chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp và làng nghề Chính phủ xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển các ngành nghề nông nghiệp, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với chương trình khuyến công từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương đồng thời tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động nói chung và nông dân nói riêng. Mỗi một địa phương lại có những đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa riêng biệt. Nên việc phát triển khu, cụm công nghiệp và làng nghề phụ thuộc vào đặc điểm của địa phương đó, định hướng phát triển cũng như khả năng thu hút đầu tư, huy động nguồn lực của từng địa phương.
1.2.3.3. Thực hiện chính sách cho nông dân vay vốn sản xuất
Chính sách cho nông dân vay vốn sản xuất sử dụng cơ chế cho vay tín dụng thông qua các chương trình, tổ chức, hội đoàn thể, Nhà nước hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho các nhóm yếu thế như hộ nông dân nghèo, nông dân đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nông dân vùng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp, các tổ chức kinh doanh thu hút nhiều lao động. Thông qua quỹ Quốc gia về việc làm, thực hiện tín dụng ưu đãi để học nghề và đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tín dụng ưu đãi để đào tạo bồi dưỡng doanh nhân trẻ và khởi sự doanh nghiệp, mở rộng làng nghề, phát triển sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm và xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút nông dân vào làm việc.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh mức vay tối đa không quá 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng/01 lao động đƣợc tạo việc làm mới. Đối với người
lao động, tối đa là 50 triệu đồng. Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (5 năm). Thời hạn vay vốn cụ thể do ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng.
Đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được vay với mức cho vay tối đa 1.250.000 đồng/tháng (12.500.000 đồng/năm học), lãi suất 0,55%/tháng. Hộ vay được giảm lãi tiền vay theo quy định khi trả nợ trước hạn.
1.2.3.4. Thực hiện chính sách hỗ trợ đi lao động ở nước ngoài
Nhà nước đã hình thành một hệ thống chính sách thúc đẩy việc làm ngoài nước, xây dựng các chương trình trọn gói từ đào tạo, cho vay vốn để hỗ trợ đi xuất khẩu, đặc biệt là ngừơi dân thuộc hộ nghèo, thân nhân của người có công với với cách mạng, người bị thu hồi đất. Thực hiện cho vay trên 50 triệu đồng/1 lao động. Mức vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài được ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việcở nước ngoài. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ (hiện nay, lãi suất cho vay hộ nghèo là 0,55%/tháng, 6,6%/năm).