7. Kết cấu của Luận văn
3.2.2. Hoàn thiên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách trong
trong quản lý du lịch của Tỉnh
Đối với Cao Bằng, ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch là động lực để thúc đẩy phát triển toàn bộ kinh tế địa phương. Do đó, cần có sự tập trung đầu tư các nguồn lực, những ưu ái nhất định về cơ chế, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư từ các
dự án lớn; các doanh nghiệp cá nhân có điều kiện về kinh tế để phát triển đồng bộ từ cơ sở hạ tầng du lịch đến các loại dịch vụ du lịch. Thay đổi cách quản lý nhà nước về du lịch, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước làm việc thật tâm và trách nhiệm. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh. Tạo cơ chế đặc thù, đầu tư tập trung để phát triển đồng bộ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Tiến hành các giải pháp đồng bộ, song hành để tạo hiệu quả cao nhất
Cao Bằng cần áp dụng một số văn bản pháp lý liên quan đến bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch đã được ban hành ở nước ta: Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch, Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch,…và các văn bản pháp lý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch. Những văn bản pháp luật, những chính sách phải xuất phát từ các nguyên tắc thị trường, huy động được sức mạnh của các thành phần kinh tế tham gia vào sự phát triển.
Ban hành các văn bản pháp quy quy định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch và công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị. Bên cạnh đó có những chế tài, xử lý tập thể cơ quan, đơn vị, ban ngành và các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi vi phạm, không thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Có các chính sách quan tâm, ưu đãi hơn nữa trong việc tuyển dụng, sử dụng lao động công tác ngành du lịch. Xây dựng một số chính sách nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch và khách du lịch theo đúng pháp luật.
Các chính sách phải tạo cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, hợp tác kinh tế giữa Cao Bằng với các địa phương khác trong cả nước, nhất là, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Kan, Trung Quốc,… Cao Bằng cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, kinh doanh lưu trú, đồng thời mở rộng các danh mục dịch vụ, sản phẩm du lịch mới tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ cho du lịch Cao Bằng. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành vươn lên đưa du lịch Cao Bằng sang thế chủ động gắn với thị trường cả nước và quốc tế.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách trong quản lý du lịch, tỉnh còn phải thường xuyên tiến hành việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các cơ chế, chính sách về du lịch. Nâng cao ý thức pháp luật du lịch cho du khách thông qua việc phát hành các ấn phẩm ngắn gọn và súc tích, trong đó tóm tắt những quy định thiết yếu chỉ dẫn cho khách du lịch khi đến du lịch và thông qua vai trò của hướng dẫn viên du lịch giúp cho khách du lịch tuân thủ pháp luật chặt chẽ hơn. Xây dựng quy chế quản lý tài nguyên du lịch và quy chế quản lý các khu, điểm du lịch.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phát triển du lịch. Hướng dẫn tiến hành xây dựng các quy ước, hương ước ở khu dân cư về tham gia hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường du lịch. Xây dựng các quy định chi tiết về bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ hệ thống núi đá vôi, hang động, nhũ đá và các loài động vật hoang dã. Sớm nghiên cứu và ban hành các chính sách cụ thể về môi trường như chính sách thuế môi trường, các quy định xử phạt, bồi thường,…đối với trường hợp làm giảm sút tài nguyên và ô nhiễm môi trường.