Một số di tích tiêu biểu thuộc thẩm quyền quản lý của quận Ba Đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận ba đình, thành phố hà nội (Trang 49 - 53)

Một là đền Voi Phục [29, tr. 32-34]

Nằm trên một khu gò cao của làng Thủ Lệ, vốn là di tích tường thành vua Lê Thánh Tông cho xây năm 1490 ( nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), đền Voi Phục còn được gọi tên là đền Thủ Lệ, một trong “Thăng Long tứ trấn”, tương truyền được xây dựng vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1605). Tên gọi của đền không chỉ biểu thị một ý nghĩa cụ thể về hai con voi quỳ phục trước cửa ngoài khi du khách bước vào đường chính đạo tới đền mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, gắn với sự tích anh hùng của buổi đầu dựng nước. Đền thời Linh Lang đại vương. Cuốn Thần tích ghi chép sự tích, công lao của Linh Lang đại vương đã được trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp cho sao chép lại. Văn bản hiện được lưu giữ, bảo quản tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Đền có dạng chữ Công. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ. Trung đường có một gian chạy dọc vào phía trong nối với hậu cung. Tại tòa này đặt ngai lớn chạm khắc hình rồng, hoa lá tỉ mỉ, các nét chạm mang nghệ thuật thế kỷ XIX. Hậu cung cũng 5 gian, gian chính giữa ở vị trí sâu và cao nhất đặt tượng Linh Lang đại vương. Phía trước tượng là hòn đá lớn đặt trong hộp kính. Hòn đá có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu. Trong đền, ngoài các pho tượng còn hoành phi, câu đối, nhang án, long ngai, cửa võng bát bửu cùng các đồ tế khí đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Di tích danh thắng nổi tiếng này cũng đã từng chứng kiến một trang hào hùng trong lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân Hà Nội. Trong trận Cầu Giấy lần thứ nhất (1873), quân ta đã phục kích ở cổng đền

Voi Phục, diệt gọn một toán quân Pháp, trong đó có tên chỉ huy Baluy. Cũng tại đây, nghĩa quân cùng tướng quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc phục kích đánh tan một toán quân Pháp, góp phần tiêu diệt tướng giặc Henri Riviere trong trận Cầu Giấy lần thứ hai vào năm 1883. Với ý nghĩa thờ phụng người anh hùng trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm, đền Voi Phục là một biểu tượng sinh động để giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc cho muôn đời con cháu. Đền là một trong 12 di tích lớn của đất nước được công nhận di tích lịch sử, văn hóa đợt đầu vào năm 1962.

Hai là chùa Hòe Nhai [29, tr. 24-27]

Chùa Hòe Nhai tọa lạc ở số 19 phố Hàng Than. Chùa có tên chữ là Hồng Phúc tự. Đây là ngôi chùa cổ tương truyền có từ đời Lý, khoảng thế kỷ XI; đến cuối thế kỷ XVII được trùng tu và trở thành trường sở của các tăng ni thuộc phái Tào Động trong đạo Phật. Đời nhà Lý có lệ các quan trong triều mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ Hoàng thành đi ra chùa Hồng Phúc, nên có tên gọi là Hòe Nhai- đường trồng cây Hòe. Chùa đã qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1687, 1899 và 1952. Ngôi chùa nằm trên một khu đất vuông vắn, ngoài cùng là tam quan xây trụ không mái, trong sân chùa có hai tháp đặt tro cốt của các vị sư tổ đã viên tịch, chếch phía trái có tháp Ấn Quang mới xây năm 1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn nhằm tố cáo tội ác của Mỹ- Diệm đã đàn áp tăng ni miền Nam. Sân chùa có một số bia đá mà niên đại lâu nhất là tấm bia dựng năm Chính Hòa 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hòe Nhai tại Đông Bộ Đầu tức bến Đông. Nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định vị trí trận chiến thắng Đông Bộ Đầu năm 1258- đánh đuổi giặc Nguyên- Mông ra khỏi Thăng Long. Trong chùa hiện lưu giữ một số tượng cổ trong số đó phải kể đến hai pho tượng Hộ pháp bằng đồng hun đặt ở nhà Tiền đường, được xem là hiện vật quý hiếm trong các di tích tôn giáo của thủ đô. Ngoài ra còn một

số hiện vật cổ, như: Chiếc khánh đồng đúc năm Long Đức thứ 3 đời vua Lê Thuần Tông (1734); chiếc chuông treo ở nhà tổ đúc năm Tự Đức thứ 17 (1864); chiếc chuông ở bên trái nhà Bái đường đúc năm Thành Thái thứ nhất (1889) và nhiều đồ thờ bằng đồng, sứ, gỗ có giá trị lịch sử và mỹ thuật.

Chùa Hòe Nhai còn là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện Phật giáo đáng ghi nhớ: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính tại nhà Tổ của chùa đã tổ chức cuộc họp các tăng ni phật tử Thủ đô để cử một đoàn đại biểu đến yết kiến Chính phủ. Đây cũng là nơi thành lập Hội Phật giáo cứu quốc và Hòa thượng Thích Đức Nhuận- Pháp chủ Hội Phật giáo Việt Nam cũng từng trụ trì ở đây.

Ba là chùa Kim Mã [37]

Chùa Kim Mã, tên chữ là Kim Sơn tự, được xây từ thời Tây Sơn, thuộc phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hình thành từ thời Lý xa xưa, trại Kim Mã thuộc về vùng Thập Tam Trại, nằm ở phía tây-nam kinh đô Thăng Long. Về sau, trên đất trại này từng có một pháp trường liền với nghĩa địa, người dân trong thôn đã lập ra một am nhỏ để thờ cúng vong linh. Cuối thời Lê – Trịnh, khi Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh năm 1789, hàng vạn thi hài binh lính Tây Sơn chết trong trận hạ thành Đông Đô cũng được an táng tại đây; am được trùng tu và mang tên đàn Vạn Linh.

Đời vua Tự Đức nhà Nguyễn, năm 1881 nhân dân làng Kim Mã đã góp công sức sửa sang am và gọi là chùa Tàu Mã. Trong chính điện đã dựng các tượng Phật và chuyển đặt bài vị thờ Vạn Linh sang hai bên. Năm 1898 chùa mới đổi tên chữ là Kim Sơn Tự. Năm 1932 dân làng xây lại và mở rộng chùa, tách riêng rẽ ba tòa nhà Tam Bảo, đền thờ Mẫu và đàn tế Vạn Linh. Chùa được làm theo kiểu “nội công ngoại quốc” với phong cách nghệ thuật cuối thời Nguyễn. Ngũ môn quan nằm cách thềm lên chùa Kim Sơn khoảng 50m.

Đường từ cổng vào chính điện đi qua hai nhà tả hữu mạc nhỏ 3 gian, xây dọc theo hai cạnh bên của khu vườn yên tĩnh với nhiều cây cau gầy nhô cao. Giữa vườn đặt tượng Bồ Tát đứng trên một cái hồ bán nguyệt nhỏ có tường gạch bao quanh. Sau hồ là bức bình phong, hai bên có các tháp mộ cổ.

Bên trong Tam Bảo có nhiều hoành phi, câu đối và bia đá. Bức đại tự “Kim Sơn Cổ Sát” treo trước chính điện. Trong điện có 21 pho tượng Phật xếp làm 4 tầng, bên trên là 4 cửa võng chạm trổ rất cầu kỳ. Đáng chú ý là một pho bằng đồng, cao 77cm và nặng trên 30kg, được thể hiện ở tư thế đứng thẳng với tay ấn “vô ủy” trên một cái bệ hình hộp gần vuông, đúc liền khối với tượng. Mặt trước chân bệ có khắc chìm một dòng chữ kiểu Sanskrit.

Đền thờ Mẫu ở bên trái tòa Tam bảo. Gian hậu cung trong cùng đặt một khám thờ trong có 3 tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn, Thủy Tinh Công chúa. Phía dưới khám gỗ là 2 tượng nữ thị vệ với nhiều bát nhang. Gian ngoài bày hương án, trên đặt 3 ngai thờ, Hùng Vương ở giữa. Hai gian đầu hồi gồm hai bệ thờ, mỗi bên có 3 tượng nữ thị vệ và binh khí.

Đàn Vạn Linh nằm sát bên phải tòa Tam bảo, bên trong hậu cung có bài trí hệ thống tượng Phật đem từ chùa Linh Sơn tới: tượng A Di Đà ở bệ trên cùng, tầng 2 đặt Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Đại Thế Chí, tầng 3 là tượng Di Lặc, tầng 4 có 2 tượng Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát, tầng 5 là tòa Cửu Long nhưng không có tượng Thích Ca, tầng 6 là 2 tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Gian ngoài cùng bày hương án thờ Phật với 2 hương án thờ Vạn Linh ở hai bên, dưới sàn có tượng đàn voi Tây Sơn. Trong đàn Vạn Linh cũng có hoành phi, câu đối, chuông, bia…

Năm 1985 chùa Kim Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hàng năm, cứ vào mùng 5 tháng giêng âm lịch, tức ngày giỗ trận Đống Đa, chùa lập đàn chay cúng tế vong linh các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước.

2.3. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận Ba Đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận ba đình, thành phố hà nội (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)