và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
Mặc dù nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích những năm gần đây được quan tâm hơn trước nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu tu bổ, tôn tạo của các di tích xuống cấp. Trong trường hợp này, nguồn vốn được huy động từ các tổ chức, cá nhân đầu tư trực tiếp cho di tích giúp các dự án tu bổ di tích được hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích lịch sử văn hóa không đơn thuần nhằm mục đích huy động sự đóng góp tiền của từ nhân dân mà chính yếu nhằm vào việc huy động mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội vừa trực tiếp tham gia, vừa trực tiếp được hưởng thụ thành quả của những hoạt động đó.
Xã hội hóa hoạt động quản lý di tích giúp cho việc nhận thức về trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của nhân dân được nâng cao. Bên cạnh việc phát huy tính tự giác của nhân dân trong việc bảo vệ di tích còn nhằm huy động nhân dân đóng góp tiền của, trí và lực vào việc tu bổ, tôn tạo di tích. Những năm qua công tác xã hội hóa hoạt động và phát huy giá trị DSVH không những được nhân dân, tổ chức xã hội đang làm việc hay sinh sống ở quận Ba Đình quan tâm mà còn nhận được sự quan tâm của khách thập phương đến thăm di tích vào các dịp lễ hội, đầu xuân…
Để phát huy hơn nữa và tạo hiệu quả cho công tác xã hội hóa, cần cụ thể hóa và tuyên truyền nội dung xã hội hóa để người dân, tổ chức hiểu và tham gia, như: xã hội hóa trong việc bảo vệ di tích- huy động mọi tầng lớp tham gia vào việc giữ gìn di tích; xã hội hóa trong viêc tu bổ, tôn tạo- huy động nhân
dân tham gia quyên góp ủng hộ không chỉ về mặt vật chất mà cả công sức, trí tuệ; xã hội hóa việc tuyên truyền, giới thiệu về di tích- làm cho người dân thấy nhiệm vụ truyên truyền về di sản văn hóa không phải là một vài người trong lĩnh vực văn hóa mà là trách nhiệm của toàn dân; xã hội hóa việc hưởng thụ các giá trị văn hóa- mọi người cùng được hưởng thụ những kết quả mang lại từ các di tích, có như vậy thì công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa mới trở nên có hiệu quả vì nghĩa vụ cần đi đôi với quyền lợi. Việc nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích cũng là một giải pháp tích cực nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Bên cạnh đó, quận cần xác định danh mục các di tích xuống cấp theo thứ tự ưu tiên và xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để tu bổ di tích, trước mắt ưu tiên cho di tích bị xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn.
Đồng thời cần có những hoạt động tuyên dương, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp thiết thực để tu bổ di tích. Bên cạnh đó cần phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Do những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, mở cửa, chúng ta muốn hoà nhập mà không bị hoà tan thì bản sắc văn hoá dân tộc cần phải được nhận diện và tôn trọng, giữ gìn và phát huy để chúng ta vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại vừa bảo tồn truyền thống văn hoá dân tộc. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào công tác xã hội hoá hoạt động bảo tồn di sản văn hoá và đặc biệt là ý thức của từng cá nhân chúng ta.