hóa trên địa bàn quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
Thứ nhất là, về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực. Phòng VH&TT Quận có chức năng thực hiện toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực VH&TT nhưng số lượng cán bộ hiện nay chỉ có 07 người, trong đó có 03 lãnh đạo và 04 chuyên viên, về lĩnh vực quản lý DTLSVH cũng chỉ có 01 cán bộ biên chế đảm nhận đồng thời kiêm nhiệm thêm một số công tác khác. Với đặc thù là một trong những quận có nhiều di tích, nên 01 cán bộ phụ trách mảng quản lý di sản văn hóa cấp quận chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, hơn nữa tổng số cán bộ công chức cũng thiếu so với khối lượng công việc được giao.
Số lượng cán bộ ít dẫn đến việc họ phải thực thi khối lượng công việc vượt quá khả năng của mình. Qua nghiên cứu cho thấy, công tác quản lý di tích còn nhiều vấn đề cần thực hiện từ khâu điều tra phát hiện di tích, lập hồ sơ xếp hạng, tổ chức bảo vệ di tích, trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị… cho tới các khâu như tuyên truyền pháp luật về bảo vệ di tích; huy động các nguồn vốn đề tu bổ, tôn tạo di tích; kiểm tra, xử lý các vi phạm; khen thưởng và kỷ luât…Vì vây, việc thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác tu bổ di tích là điều hết sức đáng quan tâm.
Thứ hai là, công tác kiểm kê, xếp hạng di tích còn chưa được quan tâm đầy đủ. Đến nay, quận mới kiểm kê và giám định cổ vật cho 10 trong số 34 di tích tôn giáo, tín ngưỡng đã được xếp hạng. Vì vậy, cần tiến hành nghiên cứu và thống kê, hệ thống hóa cổ vật của toàn bộ các di tích ở quận, lập cơ sở dữ liệu để lưu trữ, thường xuyên kiểm tra đối chiếu với số liệu lưu trữ để quản lý
Thứ ba là, việc kiểm tra các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích chưa được tổ chức thường xuyên và chưa đạt hiệu quả cao. Một số di tích bị xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ kịp thời. Xu hướng hiện đại hóa di tích, tình trạng thay cột gỗ bằng cột bê tông giả gỗ đang là nguy cơ đe dọa nghiêm trọng làm mất đi giá trị vốn có của di tích. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo nhiều dự án vượt quá nguồn kinh phí được cấp, dẫn đến tiến độ thi công chậm, nghiệm thu thanh quyết toán kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và việc giải quyết các hạng mục công trình khác.
Thứ tư là, một số di tích còn đặt nhiều hòm công đức. Công tác quản lý ở một số lễ hội chưa chặt chẽ. Việc đốt vàng mã sai quy định tại các di tích còn diễn ra. Tại một số di tích, vẫn còn có hiện tượng hàng quán bán hàng tùy tiện tại khu vực tổ chức lễ hội.
Thứ năm là, công tác tuyên truyền, giới thiệu di tích cách mạng kháng chiến tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, chưa tổ chức được nhiều hoạt động tham quan, tìm hiểu và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn quận.
Thứ sáu là, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích còn nhiều bất cập, dẫn đến việc khi có tranh chấp về đất đai, xâm phạm di tích khó giải quyết. Công tác di dời các hộ dân trong khu vực bảo vệ di tích đã được triển khai song còn chậm, gây ảnh hưởng tới các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và cảnh quan di tích.
Thứ bảy là, trong những năm gần đây công tác xã hội hoá tu bổ di tích còn thấp do khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước.