Năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 48% đến năm 2019 tăng lên 62%. Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo là 28%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 40%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29,2%, nhóm ngành thương mại - dịch vụ chiếm 30,8%. Điều đó cho thấy số lượng TNNT có nhu cầu tham gia lao động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp ngày càng tăng (Bảng 2.4).
Bảng 2.4: Tỷ lệ lao động qua đào tạo qua các năm 2015 - 2019
ĐVT: % Tỷ lệ Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019
Lao động qua đào tạo 48 49,82 55,87 58,51 62
Theo số liệu báo cáo tổng kết thực hiện ĐTN cho LĐNT trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong giai đoạn 2015 đến 2019 đã có 15.297 TNNT được ĐTN theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 và Quyết định số 3577/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động, năng suất lao động còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
* Đào tạo nghề trong các cơ sở dạy nghề:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 37 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (tính đến thời điểm tháng 06/2019), trong đó:
+ Trường cao đẳng: 08 trường (công lập: 04 trường). + Trường trung cấp: 08 trường (công lập: 05 trường). + Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: 10 trung tâm.
+ Doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp: 07 đơn vị. + Trường đại học đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng: 02 trường.
+ Khác: 02 đơn vị
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2016 đến 2019 tổng số LĐNT được tuyển dụng ĐTN là khoảng 77.676 người, số LĐNT được tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp là 35.230 người, số LĐNT được tuyển sinh đào tạo dưới 3 tháng là 42.446 người. Trong đó, tổng số TNNT được ĐTN trong năm 2019 là 30.066 người: cao đẳng nghề là 197 người, trung cấp nghề là 1.064 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 28.805 người.
Hỗ trợ TNNT học nghề năm 2019: 2.097 người (đến ngày 30/10/2019), trong đó: các nghề nông nghiệp: 1.061 người, các nghề phi nông nghiệp: 1.036 người. Tỷ lệ thanh niên qua ĐTN năm 2019 đạt 43%. ĐTN bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia ĐTN. Hầu hết các học viên được
ĐTN tại các doanh nghiệp đều có việc làm và phù hợp với chuyên môn đào tạo tại chính doanh nghiệp.
Các cơ sở dạy nghề tập trung tuyển sinh các hệ trung cấp và cao đẳng là chủ yếu chiếm tỷ lệ khoảng 80%, với phương pháp và hình thức đào tạo tập trung tại các trường. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng số lượng TNNT tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn ít so với tổng số TNNT trên địa bàn tỉnh. Một trong những lý do đó là tâm lý của một bộ phận không nhỏ TNNT chưa thích học nghề, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chất lượng đào tạo ở một số cơ sở dạy nghề chưa cao, hoạt động liên kết giữa cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và người tham gia ĐTN chưa chặt chẽ, công tác giải quyết việc làm cho TNNT sau đào tạo cũng gặp không ít khó khăn do chưa tìm kiếm được công việc phù hợp, thu nhập chưa tương xứng. Chính vì vậy mà các cơ sở dạy nghề, các cơ quan QLNN về ĐTN cần giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng, uy tín các cơ sở dạy nghề để thu hút đông đảo lực lượng TNNT tham gia học nghề, nâng cao tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo.
* Đào tạo nghề trong các loại hình doanh nghiệp:
Trong năm 2019 tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.358 doanh nghiệp, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2018, số vốn đăng ký là 16.210 tỷ đồng tăng gần 59% so với cùng kỳ. Đến nay, địa phương có hơn 7.300 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hiện có khoảng gần 302.898 thanh niên ở các cấp trình độ đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp Quảng Nam, tính đến nay ngoài khu kinh tế mở Chu Lai, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 10 Khu công nghiệp được xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thu hút được 82 dự án đầu tư, trong đó có 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 53 dự án có vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và 434,6
triệu USD. Tập trung chủ yếu ở nhà máy sản xuất ô tô Trường Hải – Núi Thành, khu công nghiệp Tam Thăng – Tam Kỳ, khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc …
Để công tác ĐTN gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp thực sự đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả hơn, tỉnh đã ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 3577/QĐ- UBND ngày 14/10/2016 của UBND tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020). Đây chính là cơ hội và điều kiện cho Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh và phát triển công tác dạy nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm, phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH trong 3 năm triển khai thực hiện (2016-2019) đã có 3.785 người được ĐTN theo chính sách này của tỉnh. Những chính sách và sự quan tâm của tỉnh trong công tác ĐTN đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên trên thực tế cho thấy rằng lực lượng TNNT làm việc trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, đội ngũ công nhân kỹ thuật chiếm số lượng rất ít, đa số là sau khi được tuyển dụng và các doanh nghiệp rồi mới thực hiện công tác đào tạo theo kiểu “Cầm tay chỉ
việc” là chủ yếu. Do yêu cầu cần một số lượng lớn công nhân có tay nghề làm
việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp nên các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tự tuyển dụng thanh niên phổ thông, chưa có nghề vào kèm nghề, ĐTN rồi sử dụng. Một số loại hình doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác ĐTN cho người lao động trước khi tuyển dụng, chưa có kế
hoạch phát triển nguồn nhân lực cụ thể. Chính điều này cho thấy rằng để doanh nghiệp có được nguồn nhân lực dồi dào và bền vững thì cần quan tâm hơn nữa công tác ĐTN cho người lao động, cần có sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong công tác ĐTN, giải quyết việc làm.
Theo kết quả điều tra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, thì chỉ có khoảng 30% số thanh niên đang làm việc tại các doanh nghiệp đã được học nghề trước khi tuyển dụng vào làm việc và hơn 70% còn lại chưa qua ĐTN trước khi được tuyển dụng. Trong số thanh niên được ĐTN nghề khi tham gia làm việc tại các doanh nghiệp thì có khoảng 52% đã qua ĐTN tại các cơ sở đào tạo chính thức, gần 35% được chính doanh nghiệp sử dụng lao động đào tạo và khoảng 13% còn lại được đào tạo tại các nơi khác như các trung tâm phát triển cộng đồng, các cơ sở dịch vụ… Tại cơ sở đào tạo, nghề may công nghiệp và giày da vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 78%), trong khi đó các nghề thủ công, truyền thống cũng được đào tạo nhưng số lượng ít hơn nhiều (với hơn 17%).
Qua đánh giá của các doanh nghiệp cho thấy khoảng trên 30% số TNNT sau khi được ĐTN có kiến thức, năng lực khá và tốt trong một số tiêu chí. Đa số doanh nghiệp đánh giá học sinh học nghề đạt mức từ trung bình trở lên khoảng 60%. Số thanh niên qua ĐTN yếu kém trong các vấn đề nêu trên chiếm từ 8% đến 15%. Tuy nhiên, khoảng 50% số học sinh học nghề còn yếu về kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thực hành vẫn còn thấp so với yêu cầu của doanh nghiệp. Một số ngành, nghề sau đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp, đặc biệt đối tượng là TNNT thì tác phong công nghiệp, năng lực thích ứng và khả nang tự điều chỉnh trong công việc, kỹ năng giao tiếp xã hội chưa cao…
Bảng 2.5. Đánh giá của doanh nghiệp đối với học sinh học nghề đang làm việc tại các doanh nghiệp
TT Tiêu chí Mức độ đánh giá Khá và tốt Trung bình
1 Về kiến thức chung về chính trị, xã hội và
pháp luật 31,4% 54,3%
2 Về kiến thức chuyên môn nghề >33%
3 Về kỹ năng thực hành nghề 29,4% 61,8% 4 Về năng lực làm việc độc lập 20,6% 52,9% 5 Về năng lực phân tích giải quyết vấn đề 17,6% 29,4% 6 Về năng lực thích ứng và tự điều chỉnh trong
công việc 38,2% 41,2%
7 Về năng lực theo tổ nhóm 55,9% 35,3% 8 Về tác phong thanh niên công nghiệp 48,5% 34,3% 9 Về năng lực giao tiếp xã hội 32,3% 58,8%
(Nguồn: Sở LĐ - TB & XH tỉnh Quảng Nam)
Phương pháp ĐTN được doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất là: ĐTN theo kiểu đào tạo ngắn hạn, tập trung tại các cơ sở sản xuất là chủ yếu (chiếm gần 70% số TNNT đang làm việc tại các doanh nghiệp), hình thức ĐTN theo kiểu "cầm tay chỉ việc" hoặc "vừa học vừa làm" chiếm gần 90%, còn lại số ít TNNT được ĐTN theo kiểu tách khỏi nơi làm việc được doanh nghiệp gửi đi đào tạo tập trung. Với hình thức đào tạo như vậy, nên thời gian đào tạo cũng ở mức tương ứng với hơn 90% TNNT học nghề trong khoảng thời gian 6 tháng và chỉ khoảng trên dưới 9% học nghề trong thời gian 18 tháng. Về bằng cấp, chứng chỉ nghề do các hình thức đào tạo phần lớn là "không chính thống" nên còn có tới hơn 51% TNNT mặc dù đã qua đào tạo nhưng chưa được cấp bằng
hoặc chứng chỉ nghề trong khi chỉ có 15% được cấp bằng trung cấp và còn lại gần 24% được cấp các loại chứng chỉ nghề khác nhau do doanh nghiệp gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Việc áp dụng hình thức gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề đảm bảo chương trình đào tạo tại nhà trường phù hợp với yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, người học nghề được học những nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, kiến thức và kỹ năng nghề người học được tiếp thu sẽ đáp ứng được lợi ích của cả người học và người sử dụng lao động. Việc liên kết đào tạo này đã góp phần làm tăng mối quan hệ hiểu biết và đôi bên cùng có lợi giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị dạy thực hành và người học có thể tiếp thu bài học qua các buổi học gắn với thực tế. Về phía doanh nghiệp có thể sử dụng lực lượng lao động này một cách hiệu quả ngay sau khi tốt nghiệp.
* Đào tạo nghề trong các làng nghề, làng nghề truyền thống:
Theo Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020 được UBND tỉnh quyết định phê duyệt, thời gian tới Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn. Trong giai đoạn 2015-2020, Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu có 100% làng nghề có lao động được đào tạo qua các nghiệp vụ và sẽ tạo việc làm cho hơn 2.000 TNNT; 100% số làng được hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, Festival di sản Quảng Nam; 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành.
Tại Hội nghị đã đánh giá tình hình hoạt động ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và định hướng, đề ra giải pháp phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Quảng Nam hiện có 44 làng nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động ngành nghề tại các làng nghề là 3.005 cơ sở; trong đó: Doanh nghiệp (05), chiếm 0,17 %; Hợp tác xã (04), chiếm 0,13 %; Tổ hợp tác (07), chiếm 0,23 %; hộ làng nghề (2.989 hộ), chiếm 99,47 %. Trong đó phải kể đến như: Làng gốm Thanh Hà; Làng nghề mộc Kim Bồng; Làng đèn lồng Hội An; Làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu; Làng đúc đồng Phước Kiều… Nhiều làng nghề truyền thống ở tỉnh Quảng Nam đã được khôi phục và phát triển mạnh, điển hình như: làng nghề phở sắn ở Đông Phú (Quế Sơn), rau Trà Quế ở Cẩm Hà (Hội An), chiếu cói Bàn Thạch (Duy Xuyên), phát triển cây dược liệu Sâm Ngọc Linh (Nam Trà My); nhiều mô hình ĐTN gắn với giải quyết việc làm đã được thực hiện có hiệu quả; nhiều TNNT sau khi học nghề đã thoát nghèo, điển hình như: lớp mộc dân dụng ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang; lớp nuôi gà thả vườn ở xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My; lớp trồng rau sạch, nuôi cá nước ngọt, vận hành máy nông nghiệp, may công nghiệp, trồng lúa chất lượng cao ở Tam Phước, huyện Phú Ninh; lớp làm vườn - cây cảnh ở xã Cẩm Hà, thành phố Hội An; lớp may công nghiệp, mộc dân dụng, nghiệp vụ du lịch ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên; các lớp thú y ở xã Điện Trung huyện Điện Bàn, xã Đại Cường huyện Đại Lộc; lớp nề hoàn thiện ở thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn...; góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của địa phương, thực hiện thành công chương trình nông thôn mới.
Số lao động trong làng nghề là 5.981 lao động, chủ yếu là lao động nữ và độ tuổi trung niên, lớn tuổi, lao động trẻ (dưới 35 tuổi) rất ít. Điều này cho thấy áp lực về nhân lực trẻ kế thừa nghề tại các làng nghề là rất lớn. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh: Hầu hết các làng nghề duy trì ổn định nhờ gắn với phát triển du lịch như: Làng nghề mộc Kim Bồng, Làng nghề gốm Thanh Hà (Hội An), một số làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, tính ổn định thấp. Thực tế cho thấy rằng hiện tại một số TNNT không mặn mà làm việc trong các làng nghề truyền thống. Một số nghệ nhân trong nghề cho biết “Nghệ nhân làm nghề không đặt kinh tế lên hàng đầu mà làm vì đam mê, vì muốn để lại nghề cho sau này. Giới trẻ bây giờ chịu áp lực về gánh nặng cơm áo gạo tiền cao quá, nên rất ít người trụ lại được khi học nghề. Trước đào tạo 10 người thì còn được 7 - 8 người, giờ đào tạo 10 chỉ được 3 người, đa số học tiếp là vì
đam mê”. Một trong những yếu tố quan trọng khiến giới trẻ mặc dù yêu nghề
truyền thống nhưng không kiên trì được với nghề là do thu nhập thấp, không đủ sống khi theo nghề, chính vì vậy để vực dậy các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam cần phải liên kết phát triển làng nghề với các tour du lịch và thương mại hóa các sản phẩm làng nghề cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.