Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đông nai (Trang 54 - 56)

Nhằm nâng cao nguồn nhân lực và để đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, duy trì sĩ số các lớp học, cấp học và mở rộng các trung tâm cộng đồng đảm bảo tỷ lệ trẻ em nữ đi học đúng độ tuổi đạt kế hoạch đề ra. Tăng cường gắn kết công tác chuyên môn với công tác bình

đẳng giới; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo điều kiện cho cán bộ nữ của ngành học tập; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong giáo dục đối với giáo viên, học sinh và sinh viên.

Để tăng cường cơ hội tiếp cận với giáo dục cho trẻ em gái, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, Sở GD – ĐT phối hợp với các địa phương, các ngành chức năng rà soát, đánh giá nhu cầu học tập, xóa mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi, rà soát, đánh giá thực trạng tỷ lệ đến trường của trẻ em gái, trẻ em trai ở một số địa phương trọng điểm các xã, ấp khó khăn của các huyện như: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ giảng dạy; hỗ trợ học sinh, sinh viên gia đình nghèo dân tộc thiểu số, ưu tiên hỗ trợ gia đình có trẻ em gái, vì vậy mà đã huy động được trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi đến lớp.

Trên cơ sở Nghị quyết số 51/2010/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4422/QĐ-UBND về việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình 3 về đào tạo cán bộ, công chức nữ giai đoạn 2006-2010, Quyết định 2361/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 về phê duyệt chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch số 3634/KH-UBND ngày 23/5/2011 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình 4 về đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị. Trong đó đưa chỉ tiêu nữ tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng đạt ít nhất 30% tại chương trình 4. Mục tiêu của chương trình tạo nguồn cán bộ nữ có trình độ và điều kiện tham gia lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đảm bảo cho phụ nữ thực sự tiến bộ và bình đẳng về mọi mặt.

Tỷ lệ nữ CBCC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng luôn đảm bảo tỷ lệ dao động từ 25 – 40%, đặc biệt có những lớp nâng cao năng lực dành riêng cho lực lượng nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chất lượng đội ngũ CBCCVC cấp tỉnh, huyện đã có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước. Ngoài ra, Luật Bình đẳng giới đã được đưa vào giảng dạy chính thức trong 51 lớp trung cấp lý luận chính trị, hành chính và 24 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cho 10.467 học viên.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ chủ động phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương xét chọn nữ cán bộ công chức, viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đảm bảo tốt chính sách của nhà nước đối với phụ nữ có con dưới 5 tuổi khi được học tập nâng cao trình độ. Căn cứ Nghị Quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 57/2010/QĐ- UBND về ban hành quy định tạm thời mức trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức là nữ được ưu tiên hưởng mức trợ cấp cao hơn nam giới là 100.000 đồng/người/tháng khi được cử tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng có thời gian tập trung từ 01 tháng trở lên; hỗ trợ gấp 02 lần cho cán bộ nữ có con dưới 60 tháng tuổi khi được cử đi đào tạo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đông nai (Trang 54 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)