Như đã trình bày ở trên, GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, nội dung quản lý nhà nước về GDMN là nội hàm trong nội dung quản lý nhà nước về giáo dục nói chung, được quy định tại điều 99 và điều 100 của Luật giáo dục năm 2005. Và bao gồm 05 nội dung chính sau:
- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nói chung và GDMN nói riêng; ban hành điều lệ nhà trường; ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục khác;
- Tổ chức bộ máy quản lý GDMN;
-Tổ chức, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý nhà giáo và CBQLGDMN; - Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục nói chung và GDMN nói riêng;
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục nói chung và GDMN nói riêng.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục bao gồm:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục (trong đó bao gồm cả GDMN). Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục nói riêng và GDMN nói chung.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDMN.
- Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về GDMN theo thẩm quyền.
- Uỷ ban nhân dân ( UBND) các cấp thực hiện quản lý nhà nước về GDMN theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDMN tại địa phương.[35]