Đánh giá công chức là quá trình đánh giá con người nhằm xem xét một cách có hệ thống những điểm tích cực và hạn chế trong việc thực hiện chức trách của mỗi công chức cũng như tìm ra những phương pháp để cải thiện thành tích của họ.
Đánh giá việc thực hiện chức trách của người công chức ở bất kỳ quốc gia nào cũng được coi là bộ phận hữu cơ của chế độ quản lý con người hiệu quả. Đánh giá công chức là một khâu cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý công chức để nhận thức một cách chính xác và khách quan các giá trị của người công chức. Đánh giá công chức được thực hiện thường xuyên trong các tổ chức, cơ quan nhà nước và là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nguồn nhân lực hành chính. Đánh giá công chức bao gồm đánh giá công việc được giao và hiệu quả thực hiện công việc đó của người công chức thông qua những hành vi ứng xử, đạo đước lối sống của người công chức, qua đó có thể định lượng được khả năng, sự cống hiến, khuynh hướng phát triển
nhằm mục đích sử dụng hợp lý, hiệu quả đối với người công chức. Đánh giá cán bộ, công chức là một trong các nội dung của công tác quản lý cán bộ, công chức, là căn cứ để tuyển chọn, xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỉ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, để thực hiện việc đánh giá công chức đảm bảo tính công bằng, khách quan, đáng tin cậy; xác định được một cách chính xác kết quả làm việc, cống hiến của mỗi công chức để phục vụ cho quá trình quản lý nhân sự nói chung và là cơ sở để thăng chức, tăng lương, tái bổ nhiệm và đào tạo phát triển công chức. Đánh giá công chức là việc không đơn giản.
Đánh giá công chức phải căn cứ vào các chuẩn mực cụ thể, rõ ràng về chuyên môn nghiệp vụ, dựa vào các việc làm liên quan đến chức trách được giao, chú trọng đánh giá tiềm năng của công chức, phát hiện nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển công chức theo một mục tiêu đã định của nhà quản lý.
Đánh giá công chức được xác định là một “biện pháp quản lý công chức thông qua việc kiểm định các chỉ số nói lên sự làm việc, cống hiến của người công chức”[28, tr.126] hay là “biện pháp nhằm xác định năng lực, kỹ năng, sự tham gia và hiệu quả làm việc của từng con người cụ thể trong cơ quan”.[28, tr.135]
Hoạt động đánh giá công chức là nhằm cung cấp thông tin cho công tác quản lý công chức, làm cơ sở cho các quyết định quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, tuyển chọn, đề bạt đến vấn đề như chế độ tiền lương, chế độ tiền thưởng. Do đó, yêu cầu của việc đánh giá công chức là phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác, chiều hướng phát triển của công chức; bảo đảm tính khách quan, toàn diện, tính lịch sử, cụ thể; phải trên cơ sở tự phê
bình và phê bình; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận dân chủ, kết luận theo đa số và công khai.
Đánh giá đúng, chính xác kết quả làm việc của công chức sẽ là căn cứ để nhà quản lý lựa chọn, sắp xếp, bố trí, đề bạt, sử dụng công chức đúng với năng lực, sở trường. Hoạt động đánh giá công chức cũng cung cấp thông tin cho chính bản thân người công chức biết về năng lực và việc thực hiện công vụ hiện tại của họ đang ở mức độ nào, giúp họ phấn đấu để hoàn thiện bản thân hoặc tự điều chỉnh mình để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt hơn