3.2. Các giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá công chức cấp xã
3.2.1. Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật Nhà nước
Chính phủ phải hoàn thiện hơn các chính sách, quy định về đánh giá công chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách công vụ, công chức, bảo đảm đúng thực tế, chuẩn mực, phù hợp với cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, khắc phục bất cập hiện nay là còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, bình quân chủ nghĩa.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ chuyên ngành cụ thể hoá những quy định của Chính phủ thành những quy định phù hợp với từng cấp, từng ngành khác nhau. Đồng thời báo cáo xin ý kiến Chính phủ phương án quy định về trách nhiệm xây dựng các tiêu chí chi tiết, để đánh giá và phân loại công chức theo hướng là giao Thủ trưởng cơ quan xây dựng các tiêu chí chi tiết, để đánh giá và phân loại công chức, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, tổ chức.
Cần có quy định mang tính pháp lý về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng quy chế và tổ chức đánh giá công chức hàng năm, quy định chức năng của cơ quan, đơn vị đứng ra làm tham mưu cho người đứng đầu.
UBND tỉnh cần phải chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu ban hành Quy chế đánh giá công chức hàng năm để có những quy định riêng của từng ngành về công tác đánh giá CBCC phù hợp với tình hình đặc điểm của đội ngũ CBCC của ngành mình, trong đó có quy định cụ thể đối với các chức danh công chức cấp xã. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống các tiêu chí đánh giá CBCC phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Xây dựng Quy chế đánh giá riêng đối với công chức cấp xã, phù hợp với đặc thù chức trách công tác và điều kiện làm việc. Đối với công chức cấp xã có hệ thống tiêu chuẩn và nhiệm vụ riêng, được quy định trong các văn bản pháp luật. Song,đến nay chưa có quy chế, quy định đánh giá riêng. Vì vậy, cần có quy chế đánh giá riêng đối với công chức cấp xã. Quy chế phải được
xây dựng trên căn cứ hệ thống tiêu chuẩn và nhiệm vụ của công chức cấp xã. Đặc biệt, do công chức cấp xã là người trực tiếp làm việc với nhân dân ở cơ sở, nên tiêu chí, phong cách, thái độ phục vụ, tác phong công tác phải được đề cao đúng mức trong hệ tiêu chí đánh giá.
Trên cơ sở các văn bản của cơ quan trung ương ban hành về công tác đánh giá công chức, cụ thể là Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08/02/2010 của Bộ chính trị về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ công chức; Luật Cán bộ công chức (được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 13/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010); Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điềucủa Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định 112/2011/NĐ-CPngày 05 tháng 12 năm 2011 về công chức xã, phường, thị trấn và hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Nội vụ. Huyện Quảng Ninh cần cụ thể hóa thành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện công tác đánh giá, nội dung đánh giá cũng như quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBNĐ các xã, thị trấn trong công tác đánh giá công chức cấp xã.
- Trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh công chức do Bộ Nội vụ ban hành, quy định của UBND tỉnh và hướng dẫn của UBND huyện, các xã, thị trấn trong huyện chủ động xây dựng bản mô tả công việc phù hợp với từng chức danh công chức và tiêu chuẩn thực hiện công việc của công chức phù hợp với đặc thù công việc và điều kiện làm việc. Để công tác đánh giá khoa học trên cơ sở phát huy tinh thần công khai, dân chủ và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cần xây dựng tiêu chí đánh giá dựa trên thực tế công việc của từng chức danh công chức cấp xã với nội dung trung tâm là đánh giá kết quả thực hiện công việc của công chức cũng như những tác động từ các kết quả, đồng thời xác định các chỉ số để đo lường.
3.2.2.Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về công tác đánh giá và trách nhiệm người đứng đầu
Đánh giá công chức cũng là khâu quan trọng trong quá trình quản lý công chức, kết quả đánh giá đúng có tác dụng động viên, khuyến khích công chức nỗ lực học tập, bộc lộ tiềm năng, phát huy tối đa khả năng, góp phần cải thiện văn hoá, môi trường làm việc cho cá nhân công chức cũng như cho cả tập thể đơn vị. Kết quả đánh giá sai sẽ gây hậu quả ngược lại. Để việc đánh giá công chức cấp xã ở huyện Quảng Ninh đạt yêu cầu, hiệu quả, tổ chức và các chủ thể đánh giá phải nhận thức đúng về công tác đánh giá cụ thể như sau:
- Xây dựng “văn hoá khách quan” trong đánh giá: Việc đánh giá kết quả thực thi công vụ của công chức còn chưa thực chất, còn hiện tượng nể vì, đánh giá cho qua chuyện... một phần do những ảnh hưởng của tâm lý, văn hoá dân tộc. Mặt khác, những hiện tượng đó cũng thể hiện sự kém chuyên nghiệp của nền hành chính. Vì vậy, giải pháp có tính chất trước mắt là làm cho công chức hiểu được ý nghĩa của công tác đánh giá kết quả thực thi công vụ đối với cơ quan, đơn vị và đối với cá nhân mình, từ đó có trách nhiệm hơn khi tham gia vào quy trình đánh giá. Giải pháp có tính chất cơ bản và lâu dài là phải dần dần thay đổi cách thức làm việc, từ chỗ chủ yếu dựa trên quan hệ tình cảm, sang lối làm việc một cách khách quan, vì việc chứ không vì người. Có như vậy thì hoạt động đánh giá công chức nói riêng cũng như các hoạt động công vụ nói chung mới có hiệu quả thật sự.
Cần tạo cho công chức tin tưởng ở sự công bằng, vô tư, khách quan, khoa học trong đánh giá hoạt động của họ. Xây dựng một môi trường làm việc tốt, tin tưởng lẫn nhau để mọi người trong tổ chức có thể dễ dàng chia sẻ thông tin trong thực thi công vụ nói chung và đánh giá thực thi công vụ nói riêng.
- Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đối với công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ và xây dựng đội ngũ CBCC làm công tác tham mưu về đánh
giá, quy hoạch cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý sử dụng, đánh giá công chức. Qua đánh giá công chức nhằm làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; để đánh giá đảm bảo khách quan, khoa học, phản ánh đúng với năng lực và phẩm chất của công chức trên cơ sở nắm vững các quan điểm lịch sử, toàn diện và phát triển.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phẩm chất và năng lực của người công chức chỉ được phản ánh một cách trung thực khi người lãnh đạo có tư cách, có quan điểm và phương pháp đánh giá đúng, thực sự có cái tâm trong sáng. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, đạo đức, lối sống còn đòi hỏi người lãnh đạo về trình độ năng lực tổ chức thực tiễn, trình độ chuyên môn, am hiểu công tác lãnh đạo, hiểu biết về con người và tâm lý con người, có phương pháp làm việc khoa học. Người lãnh đạo khi đánh giá công chức phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:
Một là, cần nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng và nguyên tắc trong đánh giá công chức để lựa chọn phương pháp đánh giá công chức một cách phù hợp. Đánh giá công chức là công việc được tiến hành thường xuyên, thận trọng đúng với ý nghĩa là khâu khởi đầu trong công tác quản lý, sử dụng công chức. Đánh giá chính xác những ưu điểm, khuyết điểm của công chức là cơ sở để bồi dưỡng, đào tạo công chức gắn liền với quản lý, sử dụng công chức đáp nhu cầu nhiệm vụ, phù hợp với năng lực chuyên môn.
Hai là, phải có tầm nhìn chiến lược và có kế hoạch sử dụng công chức để đưa ra những tiêu chí đánh giá phù hợp với mục tiêu đã định. Để kết quả đánh giá công chức phù hợp với mục tiêu, trước hết, phải đánh giá đúng thực trạng công chức, tìm rõ nguyên nhân mạnh, yếu của từng cá nhân và tập thể, trên cơ sở xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức.
Ba là, khi đánh giá công chức phải toàn diện, khách quan, minh bạch, không định kiến hẹp hòi, không bảo thủ, vị kỷ cá nhân, căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở từng cương vị, chức trách làm cơ sở để đánh giá.
- Trong quá trình thực hiện đánh giá công chức cấp xã thì một việc quan trọng là phải lựa chọn được người đánh giá có tâm trong sáng, chí công vô tư, trung thực, đảm bảo tính khách quan, không được định kiến, không được nhìn nhận sự phát triển của công chức cấp xã theo điểm tĩnh, bất biến, phải đánh giá cả quá trình công tác, học tập, phấn đấu của người công chức. Trong việc đánh giá công chức, Chủ tịch UBND cấp xã nắm vai trò then chốt trong việc đánh giá, việc đánh giá thiếu khách quan, thiên lệch sẽ ảnh hưởng chung đến kết quả đánh giá. Vì vậy, trong các quy định, quy chế liên quan đến mô hình đánh giá theo kết quả công việc, cần làm rõ trách nhiệm của cấp trên, người đứng đầu trong các trường hợp cụ thể sau:
+ Đánh giá không chính xác, thiên lệch; chưa có sự hài hòa giữa các công chức chung trong đơn vị;
+ Thiếu sâu sát, đánh giá kết quả công việc của công chức thuộc quyền quản lý còn qua loa, đại khái dẫn đến điểm số cuối cùng của công chức thuộc quyền quản lý có sự bất hợp lý so với các đơn vị khác.