Những nguyên tắc cơ bản của xã hội hóa giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 27 - 30)

1.4.3.1. Nguyên tắc về lợi ích hai chiều

XHHGD chỉ có ý nghĩa lâu dài một khi nó xuất phát từ nhu cầu và mang đến lợi ích thiết thực của cả hai phía: nhà trường và xã hội; mỗi bên tham gia đều tìm thấy, đều được thỏa mãn lợi ích chung một cách chính đáng. Nguyên tắc này lôi cuốn, thu hút sự tham gia của các lực lượng xã hội và các cá nhân cùng phối hợp tổ chức thực hiện với các hình thức và mức độ khác nhau, đảm bảo cho việc tiếp tục các hoạt động phối hợp khác sau này. Muốn cho nhà trường là trái tim của cộng đồng và cộng đồng là vầng trán của giáo dục ở địa phương, cần quán triệt nguyên tắc lợi ích hai chiều trong việc triển khai các biện pháp cụ thể: phải bảo đảm rằng các kết quả của việc XHH không chỉ mang lại lợi ích cho giáo dục, cho nhà trường mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho những người tham gia, cho cả cộng đồng, cho địa phương thì các biện pháp đó mới khả thi và bền vững. Tác giả John C. Maxwell khi đề cập đến các mối quan hệ trong lãnh đạo cho rằng “Để mọi người có thể tăng cường mối quan hệ, cần phải có yếu tố cho-và-nhận để mọi người cùng có lợi cũng như trao đi” [32, tr.9]. Tác giả Pam Robbins chỉ ra rằng “Ngày nay hiệu trưởng phải tiếp đón phụ huynh và phải thích nghi trước một xã hội yêu cầu khắt khe. Cần phải làm phụ huynh hài lòng. Họ muốn gửi con em của mình vào trường học xứng đáng” [37, tr.339]

1.4.3.2. Nguyên tắc về chức năng nhiệm vụ

Xét về tổng thể, mỗi cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức đoàn thể quần chúng, từng địa phương, từng gia đình đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, cụ thể của mình đối với sự phát triển xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, các tổ chức cũng như từng gia đình đều gặp nhau ở điểm chung nhất, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với sự phát triển GD, dành những điều kiện tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, cần phải

xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia công tác XHHGD để khai thác, phát huy, khuyến khích họ tham gia vào hoạt động cùng nhà trường.

1.4.3.3. Nguyên tắc dân chủ

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc chỉ đạo toàn bộ hoạt động quản ”[20, tr.153], do vậy công tác XHHGD không nằm ngoài phạm vi đó. Người quản lý sử dụng nguyên tắc này để vừa thể hiện vai trò dân chủ hoá của cơ sở vừa thể hiện vai trò của thủ trưởng đơn vị. Người quản lý có thể đưa ra những quyết sách nhưng phải tạo được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội, còn việc chọn giải pháp nào để đạt được hiệu quả XHH là thuộc về người quản lý (hiệu trưởng). Nguyên tắc này tạo môi trường công khai, dân chủ cho nhân dân hiểu giáo dục và nhà trường hơn, từ đó có điều kiện để cùng tham gia vào các hoạt động XHH; tạo được sự nhất trí cao, nuôi dưỡng niềm tin trong sự gắn kết nhà trường - gia đình - xã hội phát triển toàn diện hiệu quả.

1.4.3.4. Nguyên tắc về luật pháp

Quá trình huy động XHHGD cần dựa trên cơ sở pháp lý. Vấn đề cốt lõi mà chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc, đó là các điều khoản được ghi trong Luật giáo dục, các văn bản dưới luật như: Pháp lệnh; Nghị định; Thông tư; các chủ trương của Đảng; các văn bản thuộc cơ chế, chính sách của Nhà nước; những quy định của Hội đồng giáo dục các cấp… Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội,... cũng cần linh hoạt tạo ra những hành lang pháp lý chính đáng phù hợp với thực tiễn để phát huy chức năng nhiệm vụ của mình và tham gia cùng làm giáo dục. Thực hiện nguyên tắc tuân thủ theo pháp lý sẽ mang lại kỷ cương, trật tự, làm trong sạch môi trường giáo dục, đồng thời tạo khí thế cởi mở, thu hút đông đảo các tổ chức xã hội, các lực lượng xã hội tham gia xã hội hóa giáo dục.

1.4.3.5. Nguyên tắc phù hợp, thích ứng

Người quản lý khi đưa ra chủ trương huy động XHHGD phải luôn cân nhắc để lựa chọn hợp lý: Thời gian, thời điểm nào? Ở đâu? Nguồn lực gì? Huy động những ai? Cách thức như thế nào?...Mặc dù công tác XHH dựa trên tính tự giác và tự nguyện, cũng cần phải dựa vào nguyên tắc lợi ích, nguyên tắc chức năng nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch khả thi. Ngoài ra, phải biết tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo của địa phương, phát huy vai trò dân chủ ở cơ sở để thực hiện nhiệm vụ XHHGD hiệu quả.

1.4.3.6. Nguyên tắc tình cảm, tự nguyện

Nguyên tắc này đề cập đến yếu tố tình cảm. Việc khơi gợi truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam; gương sáng hiếu học của mỗi gia tộc, dòng họ, cá nhân; những thế hệ cha anh thành đạt nhờ những năm tháng học tập tại địa phương, tại ngôi trường... Từ đó, dễ có tiếng nói chung trong nhân dân bản địa để cùng sẵn sàng chăm lo cho giáo dục.

1.4.3.7. Nguyên tắc kết hợp ngành - lãnh thổ

XHHGD là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này thống nhất từ trung ương đến địa phương, phản ánh đầy đủ tính chất của nền giáo dục “của dân, do dân và vì dân”. Tuy vậy, khi tổ chức thực hiện XHHGD, giữa ngành GD và chính quyền địa phương phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội cũng như mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó có sự thống nhất về XHHGD cho phù hợp. Quán triệt những tư tưởng chỉ đạo về nguyên tắc đảm bảo sự thống nhất giữa ngành và lãnh thổ sẽ khắc phục được tư tưởng ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào nhà nước hoặc ''khoán trắng'' cho ngành GD và nhà trường của các địa phương.

Tóm lại: Những nguyên tắc trên đây đều có mối quan hệ biện chứng nhau, cần vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và

hoàn cảnh cụ thể. Chúng cho phép sử dụng các mối quan hệ chính thức và không chính thức trong việc phối kết hợp với chính quyền địa phương và các LLXH, tạo hành lang pháp lý trong việc triển khai các biện pháp XHHGD.

Dù có vận dụng nguyên tắc nào đi nữa thì điều tiên quyết vẫn là người hiệu trưởng cần phải có tầm nhìn sâu rộng, cái tâm trong sáng, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục để thực hiện tư tưởng XHHGD.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 27 - 30)