Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 52 - 54)

2.2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên

Thị xã An Khê được chia tách và thành lập từ năm 2003 theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP ngày 9 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ, nằm trên Quốc lộ 19, nối liền duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia; phía Đông giáp huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; phía Tây và Nam giáp huyện Đak Pơ, phía Bắc giáp huyện K'Bang. Trên địa bàn thị xã có 38 tuyến địa giới hành chính cấp xã, với tổng chiều dài

149,9km, trong đó trùng lên địa giới hành chính cấp huyện là 12 tuyến, cấp tỉnh là 07 tuyến.

2.2.1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Thị xã được xác định là đô thị quan trọng phía Đông tỉnh Gia Lai, là cửa ngõ giao lưu, giao thương giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Duyên hải Miền Trung; có nhiều lợi thế trong trao đổi liên vùng về kinh tế - xã hội, thu hút khoa học kỹ thuật, vốn, lao động cũng như tiêu thụ sản phẩm; đồng thời với tiềm lực sẵn có của mình, thị xã An Khê còn là đầu mối quan hệ giao lưu kinh tế của các huyện KôngChro, Đak Pơ và huyện K'Bang. Các đơn vị hành chính: Thị xã An Khê có 11 đơn vị hành chính cấp xã (05 xã, 06 phường) với tổng số 60 thôn, làng, tổ dân phố (21 thôn, 04 làng, 35 tổ dân phố)

Cơ cấu kinh tế của thị xã đang có xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang Thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể hàng năm. Nền kinh tế của thị xã tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 12,20%/năm. Đến cuối năm 2020, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) là 7.772,73 tỷ đồng, tăng gấp 1,78 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông – lâm – thủy sản, đồng thời tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Đến năm 2020, cơ cấu giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) ngành nông – lâm – thủy sản là 9,56,%, giảm 3,88% so với năm 2015; ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại dịch vụ là 90,44%, tăng 3,88% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 44,6 triệu đồng/người.

Thu - chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng dần qua các năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 111,79 tỷ đồng, tăng gấp 1,22 lần so với năm 2015 (năm 2015 là 90,418 tỷ đồng). Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán hàng năm; tập trung đôn đốc, xử lý thu

hồi nợ đọng thuế; nghiêm túc thực hiện chương trình hành động phòng chống tham nhũng với chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực; nuôi dưỡng và khai thác tốt nguồn thu. Chi ngân sách thị xã đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 đạt 1.663,928 tỷ đồng. Đảm bảo chi ngân sách có hiệu quả, tiết kiệm, ưu tiên bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo nhu cầu chi sự nghiệp giáo dục – đào tạo, văn hóa – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Giai đoạn 2016-2020, thị xã đã bố trí vốn đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục là 73,493 tỷ đồng, gồm 23 chương trình, dự án. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ưu tiên đầu tư cho các xã thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Việc huy động các nguồn lực thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 52 - 54)