Nội dung quản lý công tác XHHGD ở trường THCS

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 37 - 44)

1.5.3.1. Huy động toàn xã hội tham gia xây dựng nhà trường

- Công tác XHHGD thực chất là nội dung huy động các lực lượng xã hội tham gia vào xây dựng nhà trường ở các khía cạnh: Hoàn thiện dần cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội trong việc tổ chức tham gia cùng làm giáo dục; phân bổ và sử dụng hợp lý nguồn ngân sách nhà nước và tiềm năng xã hội hợp lý, mở rộng khả năng đóng góp các nguồn lực của xã hội cho giáo dục; Đảm bảo môi trường giáo dục, đóng góp xây dựng chương trình, nội dung giáo dục của nhà trường...

- Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, trong quá trình tổ chức xây dựng nhà trường vững mạnh, cần phải huy động các lực lượng xã hội tham gia vào công tác XHHGD. Có 6 nhóm đối tượng tham gia công tác XHHGD như sau:

- Đảng, chính quyền các cấp: Đây là lực lượng quan trọng lãnh đạo chỉ đạo và quyết định sự đầu tư CSVC cho nhà trường và tạo cơ chế để thực hiện công tác XHHGD ở địa phương. Khoản 5, Điều 105 Luật giáo dục 2019 nêu rõ:“ Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình: Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn; Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý; Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng

cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương…”. [40]

- Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội như y tế, công an, quân sự, ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em, mặt trận Tổ Quốc, Hội cựu chiến binh, Hội khuyến học, Hội nông dân, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức từ thiện có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong các hoạt động giáo dục thế hệ trẻ.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ: Đây là lực lượng hỗ trợ quan trọng, tạo khả năng liên kết trong việc huy động các nguồn lực vật chất.

- Bản thân ngành giáo dục cũng được xem là đối tượng cơ bản để thực hiện XHHGD.

- Các tổ chức quốc tế, các cá nhân có uy tín, các mạnh thường quân ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, đối tượng này tuy ít nhưng cho nhiều kết quả bất ngờ trong quá trình XHHGD. Nếu người cán bộ quản lý biết cách khai thác, có những bước đột phá thích hợp, có thể làm thay đổi chất lượng giáo dục.

- Gia đình, cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh: Đây là một đối tác quan trọng, thường xuyên, liên tục và không thể thiếu trong việc XHHGD nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Như vậy, với sự tham gia của 6 nhóm đối tượng được nêu trên sẽ tạo nên lực lượng đông đảo, đa dạng giúp nhà trường triển khai tốt các nhiệm vụ năm học, thực hiện nhiệm vụ giáo dục của cấp học trên địa bàn. Điều 45, Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học viết: Nhà trường phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân có liên quan nhằm:

- Thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục.

- Huy động các lực lượng và nguồn lực của cộng đồng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà

trường; xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến học sinh; tạo điều kiện để học sinh được vui chơi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh phù hợp với lứa tuổi. [7]

Người hiệu trưởng cần chủ động, phối hợp với các đối tượng khác nhau để huy động sự đóng góp các nguồn lực thích hợp theo từng thời điểm nhằm xây dựng nhà trường phát triển phù hợp với đặc thù của địa phương,đảm bảo đủ điều kiện để con em người dân được hưởng thụ giáo dục tương xứng với sự đóng góp.

1.5.3.2. Nhà trường tham gia vào các hoạt động của cộng đồng

Lâu nay, dường như không ít người làm công tác giáo dục vẫn thường mặc định nếp nghĩ quen thuộc rằng, XHHGD là chỉ huy động, kêu gọi và tiếp nhận sự đóng góp của các lực lượng xã hội. Thực ra, yếu tố này cần nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, một thời gian dài nhiều cơ sở giáo dục hầu như thực hiện mô hình nhà trường “đóng”. Cổng trường được khép lại trong suốt giờ học có vẻ uy nghiêm, bí hiểm và giới hạn theo công thức bó hẹp “2 – 4 – 8”! Mô hình giáo dục theo công thức này đã từng tồn tại rất lâu, đó là 2 trang vở – 4 bức tường – 8 giờ vàng ngọc.

Thực tế đã khẳng định, hiệu quả giáo dục của nhà trường chỉ có được khi sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được thực hiện tốt. Tại Hội nghị cán bộ Đảng trong ngành giáo dục tháng 6/1957, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn.”

Nhà trường cần giữ vai trò quan trọng và chủ động trong việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về cách thức phối hợp để toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường.

Cụ thể, nhà trường cần phải tập trung vào một số công việc sau:

- Đề xuất các tổ chức xã hội ở địa phương như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi... lồng ghép nội dung giáo dục học sinh vào các buổi sinh hoạt của mình. Đồng thời, tổ chức cho học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa xã hội như: hoạt động vệ sinh môi trường, đền ơn đáp nghĩa - chăm sóc công trình, di tích lịch sử văn hóa, thăm hỏi gia đình chính sách, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa mới... nhằm góp phần hình thành và phát triển nhân cách học sinh.

- Phát huy vai trò nhà trường là trung tâm văn hóa giáo dục của địa phương, tổ chức việc phổ biến các tri thức khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, ... đặc biệt là các kiến thức, biện pháp giáo dục học sinh trong điều kiện phức tạp của quá trình hội nhập sâu rộng về kinh tế, văn hóa của đất nước cho cha mẹ học sinh; chú ý trao đổi thêm về đặc điểm đời sống tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh THCS để vận dụng giáo dục, uốn nắn phù hợp.

- Giúp địa phương theo dõi đánh giá kết quả việc GD thanh thiếu niên; phân tích các nguyên nhân, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả GD.

Thông qua xã hội, nhà trường có thêm nhiều kế sách, được địa phương hỗ trợ các nguồn lực, xây dựng phong trào học tập.

Thông qua hội cha mẹ học sinh, nhà trường có thêm thông tin trao đổi của gia đình học sinh, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình học sinh sẽ mật thiết hơn, gắn bó hơn... Từ đó, nhà trường và cha mẹ học sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội để kịp thời trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiệm vụ giáo dục học sinh.

Từ việc tham gia các hoạt động của nhà trường ra cộng đồng một mặt làm thay đổi phương pháp giáo dục. Mặt khác, những việc làm đó được cộng đồng đánh giá mang đến niềm tin từ cộng đồng với nhà trường vì thế công tác XHHGD được phát triển hơn, mọi người tin tưởng cùng chung tay xây dựng nhà trường. Vì như Plato cho rằng “Không có gì tốt hơn một ý thức cộng đồng mạnh mẽ”. [35, tr.46]

1.5.3.3. Mở rộng các hình thức giáo dục

Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta không nhất thiết và cũng không thể bao cấp tất cả các trường THCS thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Bên cạnh, một mặt nền kinh tế thị trường đã tạo ra áp lực cho các gia đình, các khu vực kinh tế chậm phát triển hạn chế cơ hội đến trường của các em. Mặt khác, nhiều gia đình có điều kiện mong ước chính đáng để con em được cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong các cơ sở giáo dục hiện đại, tiên tiến.

Do đó định hướng phát triển các hình thức, loại hình giáo dục trong thời gian tới là:

- Xây dựng các cơ sở bán công: Các cơ sở này được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, do UBND các xã, phường trực tiếp quản lý và hoạt động trên cơ sở tự quản về tài chính, nhân lực, hoặc được ngân sách địa phương hỗ trợ cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục.

- Xây dựng các cơ sở dân lập: Các trường, lớp THCS do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được phép thành lập, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

- Xây dựng các cơ sở giáo dục tư thục: Các trường lớp do cá nhân được phép đầu tư thành lập. Những cơ sở này được nhà nước cấp phép và quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, được cấp quản lý giáo dục cấp học tương đương kiểm tra sản phẩm giáo dục.

Để đảm bảo định hướng XHCN, giáo dục chính quy và các trường công lập phải giữ vị trí vai trò chủ đạo, nhà nước đầu tư toàn diện cho lĩnh vực này. Nhưng không vì thế mà khoán trắng cho nhà nước, bản thân GD chính quy, các trường công lập cũng phải đa dạng hóa với sự hợp tác của các LLXH để duy trì và phát triển nhà trường. Sự tham gia đông đảo của các LLXH vào các hình thức GD, học tập, loại hình trường lớp THCS sẽ làm cho giáo dục THCS gắn bó với cộng đồng, do cộng đồng thực hiện và vì lợi ích của cộng đồng.

Tóm lại: Trong bối cảnh này, người hiệu trưởng cần phải xác định nhiệm vụ đa dạng hóa hình thức giáo dục THCS là việc làm tiên quyết nhằm mở rộng cánh cửa cho toàn bộ trẻ em có cơ hội đến trường, được hưởng thụ giáo dục, thực hiện chương trình quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Đồng thời huy động toàn xã hội tham gia XHHGD, đẩy nhanh sự phát triển giáo dục THCS góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục phổ thông trong chiến lược giáo dục cũng như Luật giáo dục đã định.

1.5.3.4. Huy động các nguồn lực đầu tư cho nhà trường

Trong bối cảnh kinh tế nước nhà còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực của xã hội cho quá trình xây dựng các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của nhà trường là việc làm hết sức cần thiết. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần phải tiến hành khai thác triệt để các nguồn đầu tư khác ở trong nước cũng như nước ngoài phục vụ cho sự phát triển giáo dục, gồm 3 nguồn lực chính: tài lực, vật lực, nhân lực.

Ngoài ba nguồn lực đã nêu, ngày nay người ta còn đề cập đến hai nguồn lực khác là: Tâm lực và Tin lực.“Tâm lực” có thể hiểu là tấm lòng, là tâm huyết của nhân dân của cộng đồng, của cha mẹ học sinh mong muốn hiến kế cho sự phát triển của nhà trường.“Tin lực” là các thông tin về khoa học giáo dục mà các gia đình học sinh hoặc những người hiểu biết trong cộng đồng mang đến cho nhà trường.

Sự phát triển của thông tin ngày càng đa dạng và diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Đội ngũ nhà giáo cần phải được cập nhật, tự học tập, tự nghiên cứu, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tất cả những nguồn lực trên đều quan trọng và cần thiết trong việc xây dựng nhà trường phát triển với mục đích then chốt là giáo dục thế hệ trẻ tốt

hơn. Người hiệu trưởng cần phải linh hoạt, sáng tạo trong công tác huy động và quản lý chúng một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn để phát triển giáo dục hiệu quả.

1.5.3.5. Vận dụng sáng tạo các chế định về XHHGD

Sự thống nhất trong quản lý công tác XHHGD trước hết là công tác xây dựng kế hoạch XHHGD ở nhà trường. Kế hoạch phải thể hiện tính khoa học, thực tiễn, tính khả thi trong tổ chức thực hiện; phải được tập thể thông qua, có sự đóng góp xây dựng của các tổ chức, bộ phận, ban đại diện cha mẹ học sinh, được HĐND xã thông qua làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Sau đó kế hoạch phải được truyền đạt sâu rộng đến các thành viên trong nhà trường, từng cá nhân và tập thể có liên quan.

Việc triển khai các văn bản pháp luật, các quy chế quản lý là rất quan trọng, góp phần thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước về công bằng, bình đẳng; ngăn chặn, hạn chế những tiêu cực xảy ra trong nhà trường. Đây cũng là điều kiện để khuyến khích mọi người làm việc có hiệu quả.

Giám sát, kiểm tra và điều chỉnh các hoạt động giáo dục là việc làm thường xuyên của nhà trường nhằm đưa các hoạt động đi đúng lộ trình, tiến độ. Qua công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất của các tổ chức, đoàn thể, lãnh đạo nhà trường phát hiện thêm những mặt tích cực nhằm khuyến khích, động viên kịp thời những điển hình năng động, sáng tạo trong việc thực thi kế hoạch…; Đồng thời kịp thời uốn nắn những lệch lạc và hạn chế các mặt tiêu cực từ đó có những bổ sung điều chỉnh hợp lý.

Cuối cùng là công khai minh bạch, thể hiện ở tính hai chiều: Nhà trường mà đại diện là Hiệu trưởng phải công khai minh bạch những đóng góp của nhân dân, cộng đồng cho nhà trường trong năm học, hoặc theo hoạt động và những kết quả giáo dục của nhà trường dưới tác động tích cực từ những đóng góp đó để nhân dân, phụ huynh học sinh và cộng đồng thấy hiệu quả

đầu tư. Bên cạnh đó cũng phân tích những tồn tại, những khó khăn để rút ra bài học kinh nghiệm cho năm học tới hoặc hoạt động giáo dục khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý công tác xã hội hóa giáo dục ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã an khê, tỉnh gia lai (Trang 37 - 44)