Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế đặc thù chính sách đất đai để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh khánh hòa giai đoạn 2016 2020 (Trang 51 - 60)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

3.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân tăng 6,54%/năm, tuy thấp hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra (12-13%/năm) nhưng phù hợp với tình hình thực tế trong nước và thế giới trong 5 năm gần đây. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.274 USD (tương đương 49,80 triệu đồng/người/năm). - Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng qua các năm và đạt trên 110 nghìn tỷ đồng trong 5 năm (2011-2015), tăng gấp 2,3 lần so giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GRDP bình quân đạt 42%.

- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra (Dịch vụ-du lịch; Công nghiệp-xây dựng; Nông-lâm-thủy sản) và theo hướng tăng tỷ trọng các ngành kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Tái cơ cấu kinh tế của các doanh nghiệp đi dần theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao như du lịch, dịch vụ kho ngoại quan.

3.1.2.2. Thực trạng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành

a. Khu vực kinh tế nông nghiệp (gồm nông, lâm và thủy sản)

Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm - thủy sản chậm, tăng bình quân 1,03%/năm.

* Về sản xuất nông nghiệp

Ngành nông nghiệp đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung cây lương thực, cây ăn quả, mía đường, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ cho đồng bào miền núi; tình hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng giảm đàn gia súc có sừng (do hạn hán thiếu thức ăn xanh), tăng đàn lợn và gia cầm.

Trong những năm gần đây mặc dù thời tiết, khí hậu có nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp (chủ yếu do hạn hán) nhưng do được trung ương, tỉnh và các ngành đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành nông nghiệp như nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa nước, các trạm bơm, kiên cố hoá kênh mương nên tạo điều kiện thâm canh tăng năng suất cây trồng; công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như đưa các giống mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh được chú trọng nên năng suất cây trồng đều tăng đã

Năm 2015, tổng đàn trâu có 4.590 con (giảm 463 con so với năm 2010), đàn bò có 73.233 con (giảm 2.849 con so với năm 2010), đàn lợn có 134.326 con (tăng 38.689 con so với năm 2010), tổng đàn gia cầm có 2.699.500 con (tăng 447.506 con so với năm 2010). Sản lượng thịt hơi năm 2014 đạt 21.254,7 tấn (tăng 5.700,4 tấn so với năm 2010).

* Sản xuất lâm nghiệp

Ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng và phòng, chống, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,66%.

Rừng là một thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa. Trong 5 năm 2011-2015, diện tích các loại rừng đã tăng 10.971,14 ha (chủ yếu tăng đất rừng trồng sản xuất); từ đó tăng độ che phủ đất, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn đất, tăng nguồn nước cung cấp cho các con sông của tỉnh về mùa khô; góp phần nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi.

Để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong những năm tới phải làm tốt công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng để tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển loại hình du lịch dưới tán rừng.

* Sản xuất thuỷ sản

Trong 5 năm (2011-2015), ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 2,70%/năm. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 481.192 tấn, tăng 2,91%/năm. Trong đó:

- Khai thác hải sản: Sản lượng thủy sản khai thác bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt 82.374 tấn/năm, tăng 3,41%/năm. Cơ cấu sản phẩm chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị cao như tôm, mực, cá ngừ đại dương. Sản lượng đánh bắt chủ yếu là xa bờ chiếm trên 70% sản lượng. Đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có hơn 9.000 chiếc tàu với tổng công suất 283.866 CV; so với năm 2010 thì số lượng giảm hơn 500 chiếc nhưng công suất lại tăng 14.143 CV là do tăng số lượng tàu có công suất lớn trên 90 CV để mở rộng vùng đánh bắt xa bờ.

- Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2015 có 5.274 ha

trong đất liền, chủ yếu là nuôi tôm nước lợ; nuôi tôm giống (đạt 3,012 tỷ con P15); nuôi cá vược, cá mú,…; ngoài ra phát triển mạnh nghề nuôi ngọc trai, rong sụn, nuôi cá lồng, nuôi tôm hùm lồng trên biển,… Sản lượng thủy sản nuôi trồng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 13.864 tấn/năm (trong đó tôm đạt trên 7.000 tấn), giảm 0,01%/năm.

b. Khu vực kinh tế công nghiệp (gồm công nghiệp và xây dựng)

- Ngành công nghiệp và xây dựng giai đoạn 2011-2015 có mức tăng trưởng khá 8,01%/năm; giữ vị trí chủ lực góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế của tỉnh. Một số sản phẩm chủ lực đóng góp khá lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: công nghiệp khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo (đồ uống, thuốc lá, dệt may, đóng tàu biển); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt; công nghiệp

cung cấp nước; …. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí sản xuất, sử dụng năng lượng có hiệu quả song song việc tích cực mở rộng thị trường mới.

Trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng 04 KCN gồm: KCN Suối Dầu (Cam Lâm), KCN Vạn Thắng (Vạn Ninh), KCN Ninh Thủy (Ninh Hòa), KCN Nam Cam Ranh. Đến nay, KCN Suối Dầu đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, diện tích đất sử dụng đã đạt trên 70%. Các KCN Ninh Thuỷ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư; Riêng KCN Nam Cam Ranh, KCN Vạn Ninh chưa thu hồi đất. Ngành công nghiệp đã đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội toàn tỉnh phát triển.

d. Khu vực kinh tế dịch vụ

- Khu vực dịch vụ - du lịch giai đoạn 2011-2015 có tốc độ tăng trưởng 16,70%/năm. Các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch hàng năm đều tăng: số ngày khách lưu trú tăng 17,97%/năm; số khách đến tham quan tăng 18,38%/năm; doanh thu du lịch tăng 21,16%/năm. Trong 5 năm (2011-2015), doanh thu du lịch đạt hơn 17.335 tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng theo xu hướng đầu tư chiều sâu, quy mô lớn. Các loại hình, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nâng cao chất lượng; hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án phát triển dịch vụ - du lịch, khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và giá trị gia tăng cao. Hoạt động xúc tiến quảng bá, công tác an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường du lịch tiếp tục được tăng cường và có nhiều tiến bộ.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có nhiều khu du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế như: khu du lịch Vinpearl Land, khu du lịch Hoàn Cầu, khu du lịch Hòn Tằm, khu du lịch hồ cá Trí Nguyên, khu du lịch đảo khỉ, khu du lịch bãi Dài, khu du lịch thác Yang Bay, khu du lịch suối Hoa Lan, khu du lịch Dốc Lết, khu du lịch Đại Lãnh, … và hàng chục khách sạn, resort cao cấp 4-5 sao được xây dựng ở TP Nha Trang và trong các khu du lịch.

- Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hàng năm đều tăng. Nhiều trung tâm thương mại của các nhà bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước như Metro Cash & Carry, Co.op Mart, Big C, Lotte đi vào hoạt động tại tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách. Thị trường xuất khẩu mở rộng đến trên 100 quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn năm 2015 đạt 1.150 triệu USD.

- Tổng diện tích đất sử dụng cho phát triển thương mại, dịch vụ năm 2015 có 2.105,32 ha, chiếm 0,41% tổng DTTN toàn tỉnh. Trong những năm tới trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng tiếp nhiều khu du lịch mới để phục vụ du khách trong nước và quốc tế, chủ yếu là các khu du lịch ven biển.

3.1.2.3. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập

a. Dân số

- Dân số trung bình năm 2015 có 1.206.473 người; gồm có 32 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 5,4% dân số toàn tỉnh. Dân số tăng 38.729 người so với năm 2010; mật độ dân số bình quân 235 người/km2. Trong đó dân số thành thị có 546.532 người (chiếm 45,30%), dân số nông thôn có 659.941 người (chiếm 55,20%). Dân số phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Nha Trang (1.600 người/km2), các huyện, thị xã có trục giao thông QL1 chạy qua như Cam Ranh (gần 400 người/km2), Cam Lâm (gần 200 người/km2), Diên Khánh (trên 400 người/km2), Vạn Ninh (trên 240 người/km2

), Ninh Hoà (trên 200 người/km2). Hai huyện miền núi của tỉnh là Khánh Vĩnh, Khánh Sơn có mật độ dân cư dưới 70 người/km2

.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 5 năm (2011-2105) đạt dưới 1,00%/năm. Tỷ lệ tăng dân số chung toàn tỉnh đã giảm từ 1,10% năm 2010 xuống còn 0,8% năm 2015.

b. Lao động và việc làm

- Tổng số người trong độ tuổi có khả năng lao động có 696.500 người, chiếm 59,6% dân số toàn tỉnh.

- Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế nhà nước có khoảng 679.000 người, chiếm trên 97% tổng số người trong độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản

- Trong 5 năm 2011-2015: đã giải quyết việc làm bình quân hàng năm cho 26.596 người.

- Lao động qua đào tạo nghề: đạt 47,5%. c. Thu nhập và mức sống

Thu nhập bình quân trên đầu người của tỉnh luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Khánh Hoà được đánh giá là khá thành công trong công tác xoá đói giảm nghèo. GDP bình quân/người năm 2010 đạt 1.500 USD. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 2.274 USD/năm, tăng 1,52 lần năm 2010 (cao hơn mức thu nhập trung bình của cả nước = 2.109 USD/người/năm).

Công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,4% năm 2010, nay còn dưới 3%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập ngày một cao hơn, các nhu cầu thiết yếu được đáp ứng tốt hơn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội miền núi đã mang lại nhiều kết quả thiết thực; đến năm 2015 toàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

3.1.2.4. Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn

a. Thực trạng phát triển đô thị

Hiện nay tỉnh Khánh Hoà có 02 thành phố (Nha Trang và Cam Ranh), 01 thị xã (Ninh Hoà), 06 huyện với các đô thị trung tâm là:

- Thành phố Nha Trang (đô thị loại I trực thuộc tỉnh) có 19 phường/27 xã, phường; là trung tâm tỉnh lỵ, đồng thời có vai trò là trung tâm vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên.

- Thành phố Cam Ranh (đô thị loại III) có 09 phường/15 xã, phường; là trung tâm vùng phía Nam của tỉnh.

- Thị xã Ninh Hoà (đô thị loại IV) có 07 phường/27 xã, phường; là trung tâm vùng phía Bắc của tỉnh.

- Các thị trấn Vạn Giã, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Đức, Tô Hạp, Trường Sa là các thị trấn của 06 huyện.

Tổng diện tích đất đô thị toàn tỉnh có 54.784,86 ha, chiếm 13,71% DTTN toàn tỉnh, trong đó đất ở tại đô thị có 2.314,51 ha, chiếm 35,43% diện tích đất ở toàn tỉnh. Dân số đô thị năm 2015 có 546.532 người, chiếm 45,30% dân số toàn tỉnh. Mật độ dân số đô thị 998 người/km2. Diện tích đất ở tại đô thị bình quân 42,35 m2/người.

b. Thực trạng phát triển nông thôn

Tỉnh Khánh Hoà có 99 xã/140 xã, phường, thị trấn với tổng DTTN đất nông thôn có 458.994,64 ha, chiếm 86,29% DTTN toàn tỉnh. Trong đó diện tích đất khu dân cư nông thôn có 4.809,42 ha, chiếm 1,05% DTTN đất nông thôn toàn tỉnh. Dân số nông thôn năm 2015 có 659.941 người (chiếm 55,20% dân số toàn tỉnh), mật độ dân số nông thôn 144 người/km2. Tổng diện tích đất ở tại nông thôn có 4.218,79 ha, chiếm 64,57% diện tích đất ở toàn tỉnh; bình quân đất ở tại nông thôn đạt 63,93 m2/người (tiêu chuẩn vùng đồng bằng ven biển 55-70 m2/người) là đạt yêu cầu.

3.1.2.5. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

a. Giao thông

- Mạng lưới giao thông tỉnh Khánh Hoà có cả 4 loại hình giao thông: đường hàng không, đường sắt, đường thuỷ, đường bộ. Đó là lợi thế để Khánh Hoà có thể phát triển một nền kinh tế toàn diện, giao lưu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực thương mại, du lịch, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.

Trong 5 năm qua nhiều tuyến đường giao thông từ cấp quốc gia, cấp tỉnh đến đường trục sản xuất, đường khu dân cư nông thôn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới trên địa bàn toàn tỉnh như: Mở rộng, nâng

cấp QL1, QL26; xây dựng đường giao thông các khu tái định cư (Xóm Quán, Ngọc Sơn, Ninh Thuỷ - tại Tx Ninh Hòa); xây dựng đường QL1 đi phường Ninh Hải; triển khai dự án cải tuyến Tỉnh lộ 1B (giai đoạn 1); xây dựng đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng để hoàn thiện đoạn 3 tuyến đường Nha Trang đi Đà Lạt; xây dựng đường Phong Châu; đầu tư nâng cấp đường Tỉnh lộ 9 đi Khánh Sơn; hoàn thành hệ thống trục đường giao thông chính khu trung tâm hành chính huyện Cam Lâm; xây dựng đường Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh; mở rộng, nâng cáp và làm mới các tuyến đường giao thông thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Đất giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh quản lý gồm các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay, cảng biển, bến xe, hầm đường bộ.

Cụ thể các công trình như sau:

+ Quốc lộ: có 06 tuyến quốc lộ (QL1, QL1C, QL26, QL26B, QL27B, QL27C) chạy qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 295,46 km. Về chất lượng : các tuyến đường đều có chất lượng tốt, 100% beton nhựa.

+ Đường tỉnh: có 29 tuyến (TL1, TL2, TL3, TL4, TL5, TL6, TL7, TL8, TL 8B, TL9, đường QL1 đi phường Ninh Hải (Tx Ninh Hòa), đường Lập Định-Suối Môn (Tp Cam Ranh), ... và các tuyến đường trục trong các thành phố, thị xã) phân bố đều trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 494,03 km. Về chất lượng: Ngoài một số tuyến đang thi công xây dựng; các tuyến còn lại đều được trải beton nhựa, rải nhựa; đi lại thuận lợi.

+ Sân bay: có sân bay quốc tế Cam Ranh.

+ Cảng biển: có cảng Vân Phong, cảng Hòn Khói, cảng Nha Trang, cảng Ba Ngòi, quân cảng Cam Ranh.

+ Đường sắt Thống nhất (đoạn chạy qua tỉnh dài 149 km) và trên 10 ga tàu. Trong đó ga Nha Trang mang tính chất là ga hành khách và hàng hóa của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tổng diện tích đất giao thông toàn tỉnh có 8.997,09 ha, chiếm 1,75% tổng DTTN toàn tỉnh.

b. Thủy lợi

Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng gần 30 hồ chứa nước, trên 100 đập dâng lớn nhỏ và gần 90 trạm bơm đang hoạt động cung cấp nước phục vụ các ngành sản xuất (chủ yếu là nông nghiệp) và nước sinh hoạt cho nhân dân. Tổng công suất tưới thiết kế khoảng 32.000 ha, thực tế diện tích tưới được đạt trên 70%. Hiệu suất tưới chưa cao là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; mấy năm qua hạn hán thường xảy ra nên nhiều hồ chứa không trữ đủ lượng nước theo thiết kế; ngoài ra do rừng đầu nguồn các hồ chứa bị phá nhiều, còn lại chủ yếu là rừng nghèo và đất trống đồi núi trọc nên việc điều tiết nguồn nước cho các hồ chứa bị hạn chế nhiều làm hiệu suất tưới không cao.

Các công trình thủy lợp cấp quốc gia và cấp tỉnh quản lý gồm các hồ chứa nước, hệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế đặc thù chính sách đất đai để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh khánh hòa giai đoạn 2016 2020 (Trang 51 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)