3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
1.2.2. Chính sách pháp luật đất đai của Việt Nam
Các chính sách đất đai nói chung và chính sách ruộng đất nói riêng đối với nông dân luôn có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt, các chính sách ruộng đất ở nước ta
luôn luôn phải xem xét giải quyết mọi hiện tượng và tình huống về đất đai không đơn thuần chỉ về mặt hiệu quả kinh tế mà còn cả về các mặt chính trị - xã hội đan xen và phải giữ được các nguyên tắc cơ bản theo định hướng XHCN, nhằm đáp ứng yêu cầu của các thời điểm phát triển nông nghiệp và nông thôn một cách ổn định, bền vững, thuận theo tiến trình đổi mới chung của đất nước.
Hiến pháp năm 1980 quy định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa... đều thuộc sở hữu toàn dân”; “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và tiết kiệm. Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động cuả mình theo quy định của pháp luật... Đất dành cho nông nghiệp và lâm nghiệp không được dùng vào việc khác, nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, đánh dấu một bước chuyển cơ bản và quan trọng về chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước ta kể từ sau cải cách ruộng đất và tập thể hoá nông nghiệp.
Luật Đất đai năm 1993 quy định: "... Nhà nước cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất... Nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất"; "Người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Thời gian giao đất sử dụng ổn định lâu dài để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm [1].
Luật Đất đai năm 1993 sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực đã bộc lộ một số điểm chưa thật phù hợp, chưa đủ cụ thể để xử lý những vấn đề mới phát sinh, nhất là trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm cho quan hệ về đất đai trong xã hội rất phức tạp, không chỉ về mặt kinh tế mà có ảnh hưởng đến cả ổn định xã hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1993, nhằm hoàn chỉnh thêm một bước về pháp luật, đáp ứng tình hình mới, yêu cầu mới của phát triển đất nước, nâng cao tính pháp lý các chế định của Luật mà trước hết là các chế định có liên quan đến việc bảo đảm các quyền, nghĩa vụ chính đáng của tổ chức, hộ gia đình, và cá nhân sử dụng đất. Đối với các tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo mục đích được giao và quyền của tổ chức kinh tế sử dụng đất vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối...
Luật đất đai năm 1993 được sửa đổi bổ sung năm 1998 và năm 2001 là một trong những đạo luật quan trọng thể hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước ta. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện luật đất đai đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Công tác quản lý nhà nước về đất đai dựa trên nền tảng hệ thống pháp luật đất đai ngày càng hoàn thiện; hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường; chính
sách, pháp luật đất đai đã trở thành một trong những động lực chủ yếu để đưa nước ta vào nhóm những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và thủy sản. Kinh tế nông nghiệp đã thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc và chuyển sang sản xuất hàng hóa; bộ mặt nông thôn được cải thiện. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật đất đai đã được sửa đổi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật đất đai ban hành, sửa đổi nhiều lần, vừa thiếu đồng bộ vừa chồng chéo, mâu thuẫn và trong nhiều trường hợp thiếu sự thống nhất.
Luật đất đai năm 2003 quy định việc Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người sử dụng đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối có đất để sản xuất như Luật đất đai năm 2001; Bổ sung nội dung Nhà nước có chính sách phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất đồng bộ với quá trình chuyển đổi cơ cấo kinh tế, đảm bảp đời sống của nông dân và về sử dụng đất đai trong giai đoạn mới.
Luật Đất đai là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý, điều tiết các mối quan hệ về đất đai. Qua hơn 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã phát huy khá tốt vai trò ổn định các mối quan hệ về đất đai. Tuy nhiên, nó cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, dẫn đến việc thực thi pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật Đất đai mới thay thế Luật Đất đai năm 2003.
Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, Luật này sẽ có hiệu lực kể từ 01/7/2014. So với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều, đã khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2003.
Luật Đất đai năm 2013 vừa tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Đất đai năm 2003, nhưng đồng thời đã sửa đổi, bổ sung một số quy định định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai năm 2003.
Luật Đất đai năm 2013 đã cụ thể hóa các quyền của Nhà nước đối với đất đai như: Quy định rõ các quyền của Nhà nước đối với đất đai như quyền của đại diện chủ sở hữu; quyền quyết định mục đích sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; quyền quyết định thu hồi, trưng dụng đất đai; quyền quyết định giá đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai…
Đồng thời, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai như: trách nhiệm cụ thể của Nhà nước về quản lý đất đai, những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số; trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và trách nhiệm của công chức địa chính tại xã, phường, thị trấn.
Luật mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm, thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp); cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ với diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp). Luật quy định hoàn chỉnh hơn các chính sách đất đai đối với khu vực nông nghiệp [24].