* Vị trí địa lý:
Thành phố Đồng Hới có toạ độ địa lý: - Từ 17024’ đến 17032’ Vĩ độ Bắc;
- Từ 106030’ đến 106041’ Kinh độ Đông;
Toàn bộ diện tích rừng và đất rừng, đất cát ven biển thành phố Đồng Hới, phân bố trên các tiểu khu thuộc xã Nghĩa Ninh; TK 307 xã Thuận Đức; tiểu khu 308A phường Đồng Sơn; tiểu khu 359, 360 xã Bảo Ninh; tiểu khu 353B phường Hải Thành; phường Đồng Phú; xã Lộc Ninh; tiểu khu 353A xã Quang Phú.
Ranh giới hành chính: Phía Bắc tiếp giáp huyện Bố Trạch; Phía Nam tiếp giáp huyện Quảng Ninh; Phía Đông tiếp giáp Biển Đông; Phía Tây tiếp giáp huyện Quảng Ninh, huyện Bố Trạch.
* Địa hình:
Đồng Hới có địa hình khá phức tạp, độ cao nghiêng dần về phía biển Đông, phía Tây có núi với độ cao từ 50 - 300m chuyển tiếp đến gò đồi thấp từ 10 - 50m với các đồng bằng nhỏ đan xen, sau đến cồn cát ven biển Đông.
Vùng núi phía tây chiếm 15% diện tích toàn vùng, núi chạy theo hướng song song bờ biển, độ cao trung bình 100m, sườn khá thoải, độ chia cắt sâu không lớn. Trong nhiều năm qua nhờ có công tác bảo vệ tốt nên rừng đã được phục hồi.
Vùng đồi thấp tiếp giáp với chân núi phần lớn thuộc về phía tây đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông), các dãy đồi chạy men theo chân núi có độ cao trung bình từ 30 -50m, đồi khá thoải, phần lớn diện tích đã được Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới trồng cây thông nhựa.
Vùng đồi bát úp có độ cao 10 - 40m đan xen với các đồng bằng nhỏ hẹp cao khoảng 0 - 10m nằm phía Đông đường Hồ Chí Minh đến vùng cát ven biển. Đây là nơi cư trú chủ yếu của dân cư và nơi sản xuất lúa màu của thành phố Đồng Hới. Chiều rộng bình quân vùng này khoảng 10km. Vùng cát ven biển có diện tích trên 2.000 ha, trong đó có 1.600 ha đồi cát di động có địa hình thay đổi theo hướng gió, có trên 2/3 diện tích đã được trồng phi lao ổn định cát.
* Khí hậu, lượng mưa:
Thành phố Đồng Hới nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt, lượng mưa bình quân hàng năm là 2.450 mm, nhiệt độ trung bình từ 23 - 240C.
+ Mùa khô bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, nhiệt độ trung bình của các tháng từ 27- 280C cao nhất tháng 5, 6 lên đến 380C, có khi lên đến 390C, 400C,
lượng mưa ít, chiếm 30 - 34% lượng mưa cả năm, kết hợp với gió Tây Nam khô nóng nên thường gây ra hạn hán nghiêm trọng.
+ Mùa mưa: Từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, mùa mưa thường trùng với bão và có gió mùa Đông Bắc nên thời tiết rất lạnh, nhiệt độ trung bình các tháng 20 - 220C, thấp nhất tháng 12 và giữa tháng 1 năm sau, nhiệt độ xuống 8 - 100C, lượng mưa bình quân chiếm 65 - 70% tổng lượng mưa cả năm, mùa này dễ gây úng lụt ở vùng đồng bằng và ven sông.
+ Gió bão: hướng gió thịnh hành có sự phân bố rõ theo mùa gồm gió mùa Đông Bắc (từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau) mang theo không khí lạnh và hơi ẩm làm cho nền nhiệt giảm mạnh từ 4 - 6oC so với bình quân, gây nên hiện tượng mưa dầm trên diện rộng, gió mùa Đông Nam và đặc biệt gió Tây Nam khô nóng xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 8 (khoảng 30 đến 40 ngày/năm, tập trung chủ yếu trong tháng 7), với những đợt nắng nóng kéo dài, tốc độ gió lớn đạt 20m/s, kết hợp với thiếu mưa gây hạn hán, thời tiết vô cùng khắc nghiệt và có nhiều biến động. Ngoài ra địa bàn thành phố nằm trong khu vực miền Trung có nhiều cơn bão đi qua, bình quân hằng năm phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1 - 2 cơn bão (thường từ tháng 7 đến tháng 11), gây nhiều hậu quả đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là các khu vực thấp trũng, vùng ven biển.
* Thủy văn:
Thành phố Đồng Hới có 2 hệ thống sông chính là sông Lệ Kỳ và sông Mỹ Cương. Sông Mỹ Cương bắt nguồn từ dãy núi phía Tây thành phố đổ về lòng hồ Phú Vinh chạy qua xã Thuận Đức và phường Bắc Nghĩa gặp sông Lệ Kỳ tại xã Đức Ninh đổ ra sông Nhật Lệ. Do đặc điểm của các sông ở đây ngắn và dốc nên mùa mưa nước tập trung nhanh dồn về hạ lưu làm các khu vực ven sông hay bị ngập lụt. Ngoài ra còn có các hồ chứa nước, với tổng dung tích 31 triệu m3 nước, trong đó hồ Phú Vinh chứa lượng nước lớn nhất 21 triệu m3 nước, cùng với hồ Bàu Tró và một số hồ khác đã tạo cho khí hậu trong vùng rừng phòng hộ Đồng Hới ôn hoà hơn.
* Đất đai, thổ nhưỡng:
Tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 15.570,56 ha, trong đó diện tích đã được khai thác sử dụng vào các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp là 14.882,59 ha (chiếm tới 95,58%), đất chưa sử dụng còn lại 687,97 ha (chiếm 4,42%). Kết quả điều tra nghiên cứu về mặt thổ nhưỡng (không kể 877,88 ha đất sông suối và mặt nước chuyên dùng) cho thấy đất đai của thành phố thuộc 5 nhóm đất chính bao gồm:
- Nhóm đất xám: có diện tích khoảng 9.060 ha (chiếm 58,19% diện tích tự nhiên toàn thành phố), phân bố trên nhiều dạng địa hình khác nhau, từ địa hình thấp, bậc thềm bằng phẳng đến các vùng đồi ở hầu hết các xã phường nhưng tập trung nhiều ở Thuận Đức, Đồng Sơn, Nam Lý và Bắc Lý. Đất được hình thành và phát triển trên các loại đá mẹ khác nhau như: đá sa phiến, đá biến chất, đá cát, đá granit... có thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, nghèo bazơ, độ giữ nước và hấp thụ cation thấp. Đây là nhóm đất có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, nhưng có giá trị trong nông nghiệp vì phần lớn diện tích đất nằm ở địa hình bằng thoải, thoáng khí, thoát nước, dễ canh tác và thích hợp với nhu cầu sinh trưởng phát triển của nhiều cây trồng cạn. Những nơi có địa hình cao thích hợp cho việc trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại cây hoa màu, một số sử dụng vào trồng rừng chống xói mòn; ngược lại nơi địa hình thấp có khả năng trồng lúa hoặc luân canh, lúa màu.
- Nhóm đất phù sa: có diện tích 1.795 ha (chiếm 11,53% quỹ đất tự nhiên), phân bố tập trung ở Phú Hải, Đức Ninh, Đức Ninh Đông, Nghĩa Ninh, Nam Lý, Bắc Lý, Đồng Phú, Lộc Ninh trên địa hình tương đối bằng phẳng. Đất được hình thành từ trầm tích sông suối lắng đọng vật liệu phù sa ở các cấp hạt khác nhau, có thành phần cơ giới thịt nặng, phản ứng ít chua, tổng lượng cation kiềm trao đổi dao động lớn, hàm lượng mùn và đạm tổng số trung bình khá, lân và ka li tổng số từ nghèo đến khá, hàm lượng dinh dưỡng dễ tiêu ở mức độ nghèo. Hiện nay hầu hết quỹ đất phù sa đã được khai thác đưa vào sử dụng để phát triển các
loại cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lương thực, thực phẩm cung cấp rau quả hàng ngày cho thành phố. Tuy nhiên trên đất phù sa diện tích trồng lúa nước vẫn là phổ biến, hệ thống cây trồng chưa được đa dạng hóa và mức độ thâm canh chưa cao nên năng suất cây trồng, hiệu quả sử dụng đất còn thấp.
- Nhóm đất cát và cát biển: có diện tích 2.858 ha, chiếm 18,35% tổng diện tích tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các phường xã ven biển (Bảo Ninh, Hải Thành, Quang Phú), được hình thành do quá trình tích tụ bồi lắng của các hệ thống sông mang vật liệu phong hóa đá (phổ biến là granit) từ vùng núi phía Tây kết hợp với sự hoạt động của biển (quá trình bờ biển: gió, thủy triều) tạo nên các cồn cát, động cát hay dải cát ven sông, ven biển. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, phản ứng ít chua, hàm lượng mùn và đạm ở các tầng đều nghèo, lân, kali tổng số và dễ tiêu đều rất thấp, tổng lượng cation kiềm trao đổi nghèo, dung tích hấp phụ thấp. Hướng sử dụng chính đối với nhóm đất này là phát triển mô hình nông lâm kết hợp, trồng các loại cây rau màu kết hợp các băng rừng phòng hộ, chống cát bay di động để bảo vệ vùng nội đồng, giữ nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư trong vùng. Đồng thời hướng quy hoạch sử dụng hiệu quả vùng cát ven biển là phát triển đô thị, du lịch và dịch vụ.
- Nhóm đất mặn: có diện tích khoảng 520 ha, chiếm 3,34% diện tích tự nhiên, phân bố ở địa hình thấp trũng ven biển giáp với các cửa sông (sông Nhật Lệ, Lệ Kỳ), tập trung ở phường Phú Hải, Hải Đình, Đức Ninh Đông. Đất hình thành từ các sản phẩm phù sa sông, biển được lắng đọng trong môi trường nước biển, có thành phần cơ giới cát pha thịt nhẹ, phản ứng chua vừa, hàm lượng các chất dinh dưỡng thấp,... phù hợp cho việc phát triển rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ.
- Nhóm đất tầng mỏng: có diện tích 460 ha, chiếm 2,95% diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở vùng đồi phía Tây. Đất tầng mỏng được hình thành trong điều kiện địa hình dốc, thảm thực vật che phủ đã bị chặt phá và hậu quả của nhiều năm canh tác quảng canh, không có biện pháp bảo vệ, phòng chống xói mòn nên đất bị rửa trôi, thoái hóa nghiêm trọng, tầng đất còn lại mịn và mỏng
(< 30 cm), kết cấu chặt cứng và nghèo dinh dưỡng, cây trồng sinh trưởng và phát triển kém.