Theo Từ điển tiếng Việt, “lý tưởng hóa” là “tôn lên đến mức thành lý tưởng”. Còn Lại Nguyên Ân giải thích trong thuật ngữ “Lý tưởng hóa” là: “Một trong những kiểu khái quát hóa nghệ thuật, nhấn mạnh đến mức tối đa các giá trị tích cực hoặc các mặt tiêu cực của thực tại; lý tưởng hóa thiên về việc đề cao các đối tượng tích cực, trình bày nó một cách phấn hứng, đề nó lên thành mẫu mực, thành lý tưởng, gán cho nó một diện mạo hoàn thiện (…). Mặt khác, do chỗ lý tưởng hóa là kết quả của ý đồ làm cho các hình thức và giá trị đáng mong muốn trở nên năng động trong ý thức xã hội, vì vậy lý tưởng hóa bộc lộ những khả năng tiềm tàng của con người trong việc dự cảm hoặc thúc đẩy những biến đổi xã hội; khi đó nghệ thuật hướng tới cái cần có trong thực tại hơn là cái vốn có trong thực tại…” [2, tr.195]. Như vậy, khi nói Nguyễn Tuân lý tưởng hóa cuộc sống quá khứ tức là trong những trang viết của mình, ông đặc biệt đề cao, tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống trong quá khứ như là một cách phủ nhận xã hội ô trọc đương thời, đưa ra một hình mẫu chuẩn mà hiện tại cần phải có.
Chủ nghĩa lãng mạn thường có xu hướng thoát ly thực tại để hướng về quá khứ hay ước vọng ở tương lai. Không gian tồn tại của con người, không gian cả tinh thần lẫn vật chất đều chia làm ba miền: quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ là miền thật, tương lai là miền ảo, miền tưởng tượng, còn hiện tại là ranh giới của hai miền vừa nói. Đấy là cấu trúc của không gian sống của con người. Mọi thành tựu có thật của con người đều nằm ở quá khứ, vậy hiện tại là một vùng đất mà con người nhìn vào quá khứ để phóng tác, để kéo dài, để chuẩn bị cho tương lai của mình. Hay nói cách khác, đối với tương lai thì quá khứ là miền nguyên liệu. Không có sáng tạo nào không lấy nguyên liệu từ quá khứ. Phong trào văn hóa Phục Hưng diễn ra ở các nước Tây Âu thời hậu kỳ Trung đại (thế kỷ XIV- XVII) với những thành tựu lớn lao và tỏa ánh hào quang suốt nhiều thế kỷ cũng xuất phát từ việc làm sống lại những
giá trị văn hóa xán lạn của Hy Lạp và La Mã cổ đại. Phục cổ, hay hoài cổ tức là con người yêu cuộc sống cũ của mình, yêu lịch sử của mình, yêu ấn tượng cũ của mình. Cái gọi là chủ nghĩa hoài cổ ấy cũng là một sản phẩm tinh thần của con người, họ đi tìm lại chính họ, họ đi tìm lại vẻ đẹp họ trót bỏ quên trong quá khứ. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: “Người ta hoài cổ không phải để nhặt lại cái vô lý của quá khứ, mà nhặt lại cái hợp lý của quá khứ” [4].
Xét về mặt triết học, khôi phục những giá trị trong quá khứ là một tất yếu, xét về mặt phát triển, nó là một khuynh hướng. Nguyễn Tuân đến với văn chương giữa lúc thực dân Pháp đang dấy lên phong tào phục cổ nhằm lôi cuốn trí thức văn nghệ sĩ vào con đường thoát ly thực tế đấu tranh cách mạng. Chủ nghĩa phục cổ kêu gọi trở lại với nền văn hóa giáo dục cũ, với những giá trị tinh thần và tôn ti trật tự của giáo lý Khổng Mạnh, với những hủ tục ở chốn hương thôn, với quan trường và đại gia đình phong kiến. Khuynh hướng phục cổ xuất hiện trong sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ như: Thế Lữ, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim…Khuynh hướng này được chính quyền thực dân Pháp ủng hộ, được ông chủ tờ báo Nam Phong là Phạm Quỳnh và Trương Văn Vĩnh ra sức hô hào, cổ vũ. Nhà xuất bản Alechxandre de Rodhe đã trao giải cho các tác phẩm xuất sắc về đề tài phục cổ, trong đó có tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.
Thiên chức của người nghệ sĩ là phát hiện cái đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống và tôn vinh nó. Là một nghệ sĩ với đúng nghĩa của từ này, Nguyễn Tuân khao khát đi tìm cái đẹp nhưng xã hội mà ông đang sống là một xã hội thực dân nửa phong kiến Tây Tàu nhố nhăng, thật giả lẫn lộn. Thất vọng với hiện tại, Nguyễn Tuân quay trở về với cái đẹp trong quá khứ của một thời còn vang bóng hay tìm cái đẹp trên bước đường giang hồ, xê dịch. Lý do khiến Nguyễn Tuân phải đi tìm cái đẹp trong quá khứ hay trong cuộc đời xê dịch theo Nguyễn Đình Thi là vì: “Trong cuộc đời ông sống trước Cách mạng, cái đẹp và cái thật không bao giờ khớp được với nhau mà thường trái lại” [25, tr. 533]. Bởi vậy, thân xác ở hiện tại nhưng tâm hồn ông lại hướng về quá khứ vàng son. Việc quay lưng với hiện tại, tìm về vẻ đẹp lấp lánh của cuộc sống quá khứ là cách bày tỏ thái độ phủ định của ông với xã hội thực tại. Trở
về quá khứ qua những trang văn, đó cũng là cách ông giải tỏa nỗi buồn, cô đơn của một cái tôi cá nhân có cá tính mạnh mẽ.
Viết về quá khứ cũng là một cách Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, đề cao cái đẹp lên trên hết. Các nhà văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn viết về xã hội phong kiến xưa nhằm phê phán những hủ tục, những mặt xấu xa, lạc hậu, kìm hãm hạnh phúc và tự do của con người. Ngô Tất Tố viết về khoa cử thời phong kiến với thái độ phê phán trong Lều chõng, hay phê phán những tục lệ hà
khắc, cổ hủ của bọn thống trị phong kiến qua phóng sự Tập án cái đình. Còn
Nguyễn Tuân viết avề thời phong kiến với tất cả vẻ đẹp văn hiến, nho nhã, mực thước. Tiếp cận đời sống ở phương diện cái đẹp, nên Nguyễn Tuân đề cao tất cả những gì đẹp đẽ của đời sống: lối sống đẹp, uống đẹp, chơi đẹp… bất kể chủ nhân của cái đẹp đó thuộc giai tầng nào trong xã hội. Ông lên án bọn người xấu xa vì chúng không biết trân trọng, nâng niu cái đẹp chứ không phải vì chúng áp bức bóc lột nhân dân. Ông đứng trên quan điểm thẩm mỹ để phê phán chứ không phải đứng trên lập trường giai cấp như nhiều nhà văn hiện thực cùng thời khác.
Như vậy, vẻ đẹp quá khứ trong những sáng tác của Nguyễn Tuân trước Cách mạng mang tính lý tưởng hóa. Đó là ưu điểm, mà cũng là mặt hạn chế xuất phát từ chính quan điểm nghệ thuật của nhà văn.