3.1. Thời gian và không gian nghệ thuật
Trong văn học nghệ thuật, thời gian và không gian có sự đan xen hòa quyện không thể tách rời nhau. Về thời gian nghệ thuật, thi pháp học chỉ ra rằng: thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, cho nên chúng ta có thể nhận thấy thời gian nghệ thuật là một phương tiện nghệ thuật cần thiết để xây dựng nên tác phẩm văn học và là một phương thức để phản ánh đời sống. Không giống như thời gian tự nhiên, thời gian nghệ thuật vận động trên cả ba chiều: quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian nghệ thuật không tuân theo trật tự tuyến tính của thời gian tự nhiên mà có thể đảo ngược trình tự thời gian, thay đổi nhịp độ thời gian. Thời gian tự nhiên một đi không trở lại. Nhưng nghệ thuật có thể làm tái hiện thời gian đã qua bằng cách để con người tìm về quá khứ, hòa mình với hiện tại và hướng về tương lai. Cũng giống như thời gian, không gian nghệ thuật vừa là hình thức tồn tại của hình tượng vừa là một phương thức thể hiện đặc điểm tư duy nghệ thuật và khả năng chiếm lĩnh thế giới của văn học. Trong những sáng tác trước Cách mạng, Nguyễn Tuân đã tạo dựng được bối cảnh thời gian và không gian nghệ thuật sống động, mỗi tác phẩm là không gian nghệ thuật hấp dẫn riêng: có không gian rộng, không gian hẹp, không gian tâm tưởng, không gian quá khứ, không gian hiện tại... Ở tập truyện Vang bóng một thời, ta thấy quá khứ hiện lên từ điểm nhìn của hiện tại. Ta có thể thấy những chi tiết về thời gian cụ thể được tác giả nhắc đến thoáng qua trong một số truyện. Trong Chữ ngƣời tử tù, nhân vật chính là ông
Huấn Cao được tác giả lấy nguyên mẫu là Cao Bá Quát, người nổi tiếng văn hay chữ tốt. Từ nhân vật lịch sử có thật này, ta có thể hình dung câu chuyện diễn ra vào khoảng năm Tự Đức thứ 7 (1854) là năm Cao Bá Quát bị tội vì tham gia cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương chống lại triều đình. Ở truyện Ngôi mả cũ, nhân vật cụ Hồ Viễn
vốn là tướng Cờ Đen. Cụ Án ông, cụ Án bà chạy giặc vào rừng Hưng Hóa tránh giặc Khách là vào những năm 1869- 1870. Gần nhất là những chuyện trong Bữa rƣợu máu có mặt quan Công sứ; truyện Một cảnh thu muộn với chi tiết về đức
Thành Thái ngự du ra khánh thành cầu Bồ Đề với quan Toàn quyền Đô Mỹ; Đánh
thơ vào khoảng đời vua Thành Thái, đầu Duy Tân, tức là những năm đầu thế kỷ XX. Đó là những câu chuyện xảy ra không cùng thời với Nguyễn Tuân. Cái tài của Nguyễn Tuân ở chỗ ông đã làm sống lại không khí của thời trước như bản thân ông đã từng sống ở thời đó. Nếu không có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, Nguyễn Tuân không thể thành công như vậy.
Nếu việc tái hiện thời gian cho thấy vốn sống, vốn hiểu biết phong phú của Nguyễn Tuân thì việc tái hiện không gian quá khứ lại cho thấy một sức tưởng tượng vô cùng khoáng đạt của ông. Có lúc là không gian sinh hoạt hạn hẹp nơi thôn quê của những người thợ Tràng Thôn với thú vui thỉnh thoảng được nâng chén bất cứ ở trường hợp nào. Nhưng cũng có khi là không gian bạt ngàn huyền ảo, lung linh nhiều màu sắc của chốn thần tiên ở đỉnh non Tản (Trên đỉnh non Tản). Không gian thực và ảo, hẹp và rộng như đưa người đọc đi lạc từ thế giới hiện thực của mình sang thế giới thần tiên trong những câu chuyện cổ dân gian. Ở truyện Báo oán, Nguyễn Tuân xây dựng một không gian hiện thực và ma quái xen kẽ. Đó là
không gian ảm đạm, thê lương của hiện thực với cảnh mưa gió, lụt lội của chốn đồng chiêm Sơn Nam Hạ: “Mùa mưa dầm tháng chín chỉ là những giọt nước mắt triền miên than vãn của kỳ thất tịch còn sót lại mãi đến bây giờ” [37, tr.155]. Không gian ma quái, rùng rợn của buổi chiều tà: “Nền trời phương Đông đáng lẽ phải hửng lên để đón lấy chiều dương. Thế mà ở đấy chỉ rặt một thứ mây đục đùn lên những hình Quỷ Đông và, nơi phía tây, một cái cầu vồng cụt một chân, tô lên trên tạo vật có tang ma, những màu xanh đỏ rực rỡ và rờn rợn” [37, tr.160]. Đó còn là cảnh phố hàng Giấy với những cô hàng bút mực sắc sảo đối đáp với những thầy khóa đi thi. Cảnh lầy lội của trường thi với không gian lạnh lẽo, ma quái khiến ông Đầu Xứ Em phải bỏ cuộc giữa chừng: “Khói bốc lên, tỏa xuống soai soải như những vệt nước thời gian trượt trên đầu ngọn tường xuống lần vách gạch những đền chùa xưa cũ có vẽ mốc hình, có rêu phong dấu”. [37, tr.179]
Có thể thấy rõ Vang bóng một thời không hiện diện những cảnh tượng huyên náo, rực rỡ màu sắc mà dễ nhận ra một gam màu nhạt và ảm đạm bao trùm khắp
không gian. Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: “Cái vang của thời đã qua, cái bóng của thời đã qua, mà ngày nay người ta tưởng còn văng vẳng, và thấp thoáng đó là tất cả cái thê lương nó khởi đầu những mẫu chuyện cổ thời” [25, tr. 16]. Gam màu nhạt và ảm đạm này phù hợp một cách kỳ lạ với khung cảnh những buổi chiều u ám. Đó là buổi chiều trong vườn chuối âm u báo trước sự chết chóc ở truyện
Chém treo ngành: “Mỗi buổi chiều mặt trời lặn, mấy con chim không tổ mỏi cánh định tìm vào vườn chuối âm u này để ngủ”; “Vào tiết mưa dầm, những trận mưa Ngâu đổ lên vườn chuối một khúc nhạc suông nghe buồn thỉu buồn thiu [37; tr.11]. Đến gần cuối truyện, khi Bát Lê chuẩn bị cho cuộc trình diễn nghệ thuật trong nghề đao phủ trên pháp trường, không khí ảm đạm, u ám ấy còn được pha thêm màu sắc dữ dội gây cảm giác bức bối, nặng nề báo hiệu chết chóc, đau buồn: “Trời chiều có một vẻ dữ dội. Mặt đất thời sáng hơn là nền trời. Nền trời vẩn những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình thù quái lạ. Những bức tranh mây chó màu thẫm hạ thấp thêm và đè nặng xuống pháp trường oi bức và sáng gắt” [37; tr.20]. Khi cuộc hành quyết những tử tù đã xong, quan khách đang ra về, Nguyễn Tuân gợi lên một cảnh giữa sân pháp trường sắp giải tán nổi lên một trận gió lốc xoáy rất mạnh. “Trận gió xoắn hút cát, bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi và đuổi theo các quan đang ra về. Cái mũ trắng trên đầu quan Công sứ bị cơn lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ, lăn lộn mấy vòng” [37, tr.24]. Đây như một ẩn dụ nghệ thuật của Nguyễn Tuân, báo trước một cơn thịnh nộ của trời đất và con người trút lên đầu kẻ xâm lược.
Chẳng cứ gì buổi chiều, ngay cả một buổi trưa hè cũng được tả với sự buồn vắng, im lìm: “Ánh nắng già dặn buổi trưa nung đối mặt cánh đồng dưới chân đồi, làm rung rinh lớn không khí bốc từ mặt đất và giống như vệt khói nhờ nhờ, vớn qua những màu xanh bong loáng của một dãy xóm làng cây cối im lìm” (Những chiếc
ấm đất). Bên cạnh những đoạn văn tả cảnh này còn có những đoạn tả người cũng
vẫn với những “nét rầu rầu xanh xám” ấy: “Rồi cậu Chiêu lại vẫn không quên cái cảnh màn trời triền miên những kinh động ngờ sợ, ánh sáng tối và ẩm ướt của rừng tị nạn, đổ xuống một cái đầu xanh đang ngậm chum túc mới vừa to mà đã nhuộm màu tang” (Ngôi mả cũ).
Ấn tượng nhất có lẽ là những đoạn văn tả cảnh gắn liền với những thú tiêu khiển thanh nhã. Cảnh vật ở đây trở nên thanh khiết, êm đềm đôi khi buồn bã đến kỳ lạ thể hiện một cách gián tiếp thái độ yêu mến, trân trọng và nuối tiếc của nhà văn. Đây là cảnh tượng trong một cuộc thả thơ trong truyện cùng tên: “Vầng trăng mười bốn lúc chênh chếch và đoài đã in một cúc bóng thẫm và dài lên mặt con sông trắng và lạnh như thỏi thiếc vừa nguội, ở đó tiếng ngâm một câu thơ được cuộc, câu thơ thua cuộc ăn tiền đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội tao đàn”. Còn đây là cảnh vật buổi sớm mai trong lành nhưng vẫn gây cảm giác u hoài: “Trời rạng dần. Một chút nắng đào lóng lánh trong đám cây đang rụng dần lá năm cũ, một chiếc lại một chiếc” (Chén trà trong sƣơng sớm). Đánh thơ cũng gợi nhiều cảm tình nơi người đọc bởi một bầu không khí thơm ngát hương hoa huệ trắng được tăng bốc lên bởi hơn mười cây nến sáng, hương hoa tinh khiết bao bọc lấy những con bạc nhiều khi đến với cuộc đánh thơ chỉ vì niềm yêu mến văn chương: “Hoa huệ mềm mại cuộn cong đầu cánh trắng lại như những râu rồng và gặp tiết đêm, gặp sức nóng của nến cháy, của người thở mạnh, cáng hết sức nhả mùi hương. Không khí đều là huệ hết cả, có người rít mạnh mồi thuốc lào, đã lầm rằng thuốc của mình là ướp ủ bằng hoa huệ” [37, tr. 60]. Bên cạnh, không gian chật hẹp của những đám sát phạt đỏ đen bằng văn chương là khung cảnh phóng khoáng, rộng lớn của sông nước, núi non nơi từng lưu dấu chân của cặp tài tử, giang hồ Phó Sứ- Mộng Liên gợi lên một cái gì vừa trần tục lại vừa thanh cao. Trong truyện Ngôi mả cũ, Nguyễn Tuân tái hiện một không gian sinh hoạt trong một gia đình nhà nho tuy sa sút nhưng vẫn giữ được nề nếp, gia phong. Những con đường làng quê yên ả, thanh bình mà ở đó, người ta có thể vừa đi trên đường bằng cáng hay võng, vừa đủng đỉnh đánh cờ tưởng tượng. Không gian trong truyện Những chiếc ấm đất là cảnh thực nhưng qua ngòi bút
miêu tả của tác giả khiến ta liên tưởng đến cuộc chia tay của Lưu Thần, Nguyễn Triệu từ giã chốn Đào nguyên trở về cõi thế tạo nên một cảm giác siêu thoát, đượm màu sắc tôn giáo: “Ví buổi trưa hè này là một đêm có bóng trăng dài lạnh lùng và ví cổng chùa Đồi Mai là một cửa non đào thì những giọt sao kia có đủ cái thi vị một
cuộc đánh dấu con đường về của khách tục trở lại trần sau khi chia tay cùng chúa động” [37, tr. 27].
Có lúc, thời gian và không gian hòa quyện làm một trong cảnh tượng Huấn Cao cho chữ quản ngục. Thời gian vào đêm khuya tĩnh lặng gợi cái mênh mông của vũ trụ và sự nhỏ bé của con người. Không gian sáng rực bởi ánh lửa ngọn đuốc. Ánh sáng đẩy lùi bóng tối của đêm đen, giữa đêm tĩnh lặng vẫn vọng lên những lời di huấn về thiên lương. Trong thế giới của bóng tối, cái đẹp vẫn sinh sôi. Thời gian và không gian ở đây làm nền cho sự chiến thắng huy hoàng của cái đẹp.
Tấm lòng luyến tiếc quá khứ đã khiến Nguyễn Tuân miêu tả thời gian, không gian giống như vầng mặt trời chiều trước khi tắt hẳn vẫn ánh lên những tia lửa rực rỡ, huy hoàng, hắt bóng lên con người và cảnh vật. Với cách miêu tả này, ta thấy tác phẩm có một không khí buồn mà thanh sạch, ảm đạm mà vẫn lịch lãm, cao sang.