Truyền thống ứng xử là một trong những di sản văn hóa phi vật thể được
truyền từ đời này qua đời khác. Trong những tác phẩm viết về vẻ đẹp quá khứ, Nguyễn Tuân đã tái hiện lối ứng xử tinh tế giữa con người với con người. Trong truyện Ngôi mả cũ, Nguyễn Tuân chỉ xây dựng có ba nhân vật là chị em cô Tú, cậu Chiêu và cụ Hồ Viễn- thầy địa lý cũng là người bạn của quan Án sát, cha của họ nhưng thật ấm áp tình người. Tác phẩm gợi lên vẻ đẹp của một lối sống, lối ứng xử nhịp nhàng, tinh tế giữa con người với con người. Đó là tấm lòng hiền dịu, tảo tần, giàu đức hi sinh như một người mẹ của cô Tú với em khi sớm phải chịu cảnh mồ côi; là sự hiếu thuận của hai chị em với người cha đã mất; là tình cảm kính trọng của họ với cụ Hồ Viễn- một tướng Cờ Đen đã từng vào sinh ra tử nay lỡ vận phải làm thầy địa lý, đem cái tài chót của mình ra xem mồ mả, đất cát làm phúc cho người; là tình cảm thương yêu của cụ dành cho đôi chị em côi cút. Tình cảm gia đình, tình nghĩa bạn bè, tình yêu thương con người hòa quyện với nhau làm nên vẻ đẹp mẫu mực của lối ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội. Tình cảm hiếu thuận của người con với cha, làm mọi thứ chiều theo sở thích của cha già, thậm chí từ bỏ lối sống của kẻ lãng tử giang hồ để làm tròn trách nhiệm với gia đình; dành thời gian và tâm huyết của mình để tự tay làm đèn chơi trăng cho con trẻ của ông Cử Hai trong truyện Một cảnh thu muộn cũng gợi lên nét đẹp của lối sống nho nhã, tài
hoa, tinh tế. Truyện Hƣơng cuội lại gợi lên cho ta cái ấm áp của tình người trong
một gia đình nề nếp, gia phong. Hai vợ chồng ông Ấm Cả và ông Ấm Hai sống hòa thuận với nhau cùng chăm lo săn sóc con cháu và lo toan công việc giỗ chạp của gia đình. Họ cùng nhau chuẩn bị tiệc rượu thạch lan hương chiều theo sở thích của cha
già. Một nhân vật cũng được Nguyễn Tuân nhắc đến khá nhiều trong truyện này là người bõ già. Bõ già đã ở hầu cụ Kép từ khi cụ Kép còn là một thày khóa sinh hai mươi tuổi cho đến lúc cụ Kép con đàn cháu đống. Bõ đã vác lều chõng cho cụ Kép đi thi tú tài. Việc nhớn, việc nhỏ trong nhà, bõ đều nhớ hết và nếu mợ Ấm Cả lơ đãng, bõ lại nhắc cho mợ khỏi quên. Bõ già tính toán, xếp đặt việc nhà chủ y như một kẻ có quyền lợi dấp dính vào đấy. Lối cư xử kính trên nhường dưới trong gia đình xóa nhòa ranh giới chủ- tớ, chỉ còn thấy tấm lòng tận tụy chân thành của người bõ già và tấm lòng yêu mến, biết ơn của gia đình cụ Kép với bõ.
Không chỉ gợi ra lối ứng xử đẹp trong gia đình, Nguyễn Tuân còn cho thấy vẻ đẹp trong cách xử thế của những kẻ tri âm tri kỷ ở đời. Đó là tình bạn chân thành giữa cụ Sáu với sư cụ chùa Đồi Mai trong truyện Những chiếc ấm đất. Chùa Đồi Mai vốn ở xa làng mạc nên ít bị phiền nhiễu bởi đám tạp khách. Nhưng khi có khách đến chơi, ông cụ Sáu bao giờ cũng được sư cụ biệt đãi nhất. Mỗi tháng một lần, nhà sư già lại giữ cụ Sáu ở lại ăn một bữa cơm chay và khi từ biệt nhà sư chân thành tặng khách một giò Chu Mặc Lan. Mỗi lần gặp gỡ, thể nào hai ông già cũng kéo nhau ra cái giếng nước chuyện vãn rất lâu. Và mỗi lần cụ Sáu cho người lên xin nước chùa về pha trà bao giờ cũng cho con đem biếu nhà sư già một bình trà đầu xuân. Có lẽ, khởi phát của mối nhân duyên giữa cụ Sáu và nhà chùa chính là nước giếng chùa Đồi Mai. Nhưng chính tình cảm tri âm tri kỷ, sự đồng điệu về tâm hồn của những con người biết thưởng thức thú vui tao nhã của cuộc đời, sống không màng danh lợi mới là sợi dây gắn kết tình bạn giữa họ. Tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, biết trọng người ngay của quản ngục với Huấn Cao và tấm lòng khẳng khái của Huấn Cao với quản ngục trong Chữ ngƣời tử tù thật đáng ca ngợi. Vẻ đẹp của
người nọ tôn lên vẻ đẹp của người kia. Nếu Huấn Cao là người sáng tạo ra cái đẹp thì quản ngục là người biết thưởng thức cái đẹp. Nếu Huấn Cao là người trọng nghĩa khinh tài thì quản ngục biết giá người, biết trọng người ngay. Trên bình diện xã hội, họ là kẻ thù của nhau nhưng trên bình diện của cái đẹp, họ là tri âm tri kỷ. Bằng lối hành văn nhịp nhàng, tinh tế, Nguyễn Tuân đã đề cao lối sống đẹp, làm chuẩn mực cho lối ứng xử xã hội giàu tình nghĩa của người Việt. Vang bóng
một thời của Nguyễn Tuân không chỉ là cuốn sách lưu giữ những nét đẹp của
phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống mà còn là nơi lưu giữ những vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của người xưa. Đọc mỗi trang văn của Nguyễn Tuân, ta như được tắm trong suối nguồn tươi mát của dân tộc để gạt bỏ bụi trần, trở nên thánh thiện, thanh tân.