Khác với lớp nhà nho cuối mùa bi quan, chán nản trước thời cuộc, những nhân vật lãng tử thích cuộc sống giang hồ, xê dịch hầu hết là những người trẻ, tràn đầy sinh lực và khát vọng tự do giải phóng cái tôi cá nhân, đam mê xê dịch và muốn tận hưởng no say mọi hương sắc cuộc sống trần thế trong hiện tại. Kiểu nhân vật này, ta thấy xuất hiện trong một số truyện ngắn của Nguyễn Tuân trong tập Vang bóng một thời
Lãng tử là những con người có tài, có nhân cách, không chịu cuộc sống gò bó, không chịu luồn cúi trong vòng danh lợi, thích đi nay đây mai đó và ham chơi. Có điều cách chơi của họ rất khác người, khác đời. Đối với họ, sống ở đời giống như một cuộc chơi, đâu vui thì đến đâu buồn thì đi. Đi là một phương tiện, là cứu cánh của cuộc đời. Có thể lấy đôi câu đối của bậc thời sĩ quê vùng Ngũ Quảng điếu đôi giai nhân- tài tử Mộng Liên- Phó Sứ để định nghĩa về cách sống của người lãng tử:
Ra Bắc vào Nam, trăng gió đề huề thơ một túi; Lên đèo xuống ải, mây mưa đánh đổ cuộc trăm năm.
Đôi tài tử Phó Sứ- Mộng Liên trong truyện Đánh thơ của Nguyễn Tuân đã từng đặt chân khắp dải đất Trung Kỳ với túi thơ bầu bạn: “Suốt một dải Trung Kỳ,
họ đi về như là trẩy chợ. Tới mỗi nơi, ở mọi chốn, quan Phó Sứ lại mở một cái túi đựng toàn bài thơ đố ra cho mọi người đặt tiền và bên chiếu bạc văn chương Mộng Liên lại đàn lại ca để là vui cho cuộc đỏ đen rất trí thức này” [37, tr. 53]. Và mỗi tuần trăng đôi tài tử Phó Sứ- Mộng Liên lại ở một tỉnh: “Bất kể lúc lên voi, lúc xuống chó, lứa đôi này đã để dấu giày trên mọi chốn và tha lê đi khắp nơi cái túi thơ và cái túi phách ăn người của họ (…) Quê hương của họ là Cờ bạc và Đàn hát. Nhà cửa của đôi lưu đãng ấy gửi vào trong cái truy hoan của thiên hạ” [37, tr. 54]. Người xưa nói giống tài tình thường mệnh mỏng. Và số phận của đôi tài tử này cũng không nằm ngoài định mệnh nghiệt ngã ấy. Ông Phó Sứ đã bỏ mạng giữa một vùng trời nước bao la ngay dưới chân Hoành Sơn quan vì trúng cơn gió độc trong lúc tức cảnh sinh tình để lại Mộng Liên lúng túng tìm người để trao gửi cây đàn. Cả khi sống lẫn khi chết, những con người này đều đi đến tận cùng của kiếp sống giang hồ, lãng tử, sẵn sàng chấp nhận số mệnh mà tạo hóa đã định cho họ.
Trong truyện Một cảnh thu muộn, Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng
nhân vật ông Cử Hai là một kẻ lãng tử, tài hoa, “sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi”. Ông đi dạy học để mưu sinh, cái công việc phải cố định một chỗ ấy đã không ghìm giữ nổi bước chân của nghệ sĩ ưa xê dịch. Ông đi dạy học mà như đi ngoạn cảnh hoặc dâng hương ở các đền chùa cổ tích. Khi ngừng chân ở một thôn ổ hay lúc ngừng miệng giảng sách, chấm quyển, ông Cử Hai lại hóa thân thành một nghệ sĩ tài hoa bằng việc đề bức châm lên lá quạt, hoặc khắc chữ triện và chạm trổ một hòn đá xù xì thành con thạch ấn, dúng ngón tay vào chậu mực vẽ một bộ tứ bình thủy mặc. Thế nhưng, con người coi cuộc đời như một trường du hý ấy cũng có lúc quay về bên nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình. Tưởng đâu nét tài hoa, lãng tử ấy sẽ phôi pha theo thời gian nhưng nét anh hoa vẫn phát tiết ra ngoài. Ông Cử đã dành trọn vẹn tài khéo léo và tâm huyết của mình để làm đèn kéo quân và đèn xẻ rãnh cho con chơi trông trăng ngày rằm tháng Tám. Đã có lúc, ta tưởng ông Cử Hai là người vị kỷ, vô trách nhiệm nhưng có thể thấy thẳm sâu trong tâm hồn người nghệ sĩ lãng tử ấy đã thấy được giá trị của gia đình, của việc lưu giữ những
truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp cho thế hệ sau. Ở ông, cái tài và cái tâm hài hòa, trọn vẹn.
Xây dựng các nhân vật lãng tử thích lối sống giang hồ, xê dịch và đề cao lối sống của họ là cách Nguyễn Tuân thể hiện sự trân trọng với tài năng, nhân cách của những con người có tâm hồn nghệ sĩ. Họ là những con người nhạy cảm với thời cuộc và thế thái nhân tình, đã chọn cho mình một lối sống riêng. Phải chăng đó cũng là cách thể hiện thái độ không chấp nhận cuộc sống tù túng, không chút sinh thú. Điều này góp phần làm nên giá trị văn chương của Nguyễn Tuân.