- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng giám đốc/Giám đốc giao.
2.6.5. Các nguyên nhân khác
- Vietcombank Long An chưa chú trọng quản lý rủi ro tín dụng theo danh mục đầu tư dẫn đến đầu tư tập trung vào một số ngành nghề dễ dẫn đến rủi ro tín dụng. Thông thường các ngân hàng sẽ tập trung đầu tư vào các ngành có tỷ suất lợi nhuận cao ở thời điểm hiện tại. Năm 2016, Vietcombank Long An có dư nợ cho vay lớn đối với các khách hàng thuộc ngành thương mại gạo và mía đường – ngành hàng gặp khó khăn lớn do giảm giá (mía đường) và tình hình xuất khẩu gặp khó khăn (gạo).
- Việc thực hiện mô hình tín dụng chưa thật hợp lý. Cán bộ tín dụng là người giải quyết món vay từ đầu đến khi thanh lý hợp đồng nên nhiều công việc tập trung vào cán bộ tín dụng, thiếu tính chuyên sâu. Đặc biệt, khi cán bộ tín dụng cũng đồng thời là người chấm điểm khách hàng và định giá tài sản bảo đảm sẽ dễ dẫn đến chấm điểm khách hàng và định giá tài sản bảo đảm không khách quan.
- Hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ chưa đảm bảo hiệu quả: Bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Vietcombank Long An trong thời gian qua hoạt động chưa được hiệu quả. Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Chi nhánh còn theo những lịch kiểm tra thường kỳ hoặc có sự việc xảy ra bộ phận kiểm tra mới tiến hành kiểm tra kỹ. Vì vậy, việc cảnh báo, phát hiện và ngăn ngừa rủi ro của Vietcombank Long Ancòn chưa được như mong muốn.
- Việc giám sát vốn vay đôi lúc còn chưa nghiêm. Vietcombank đã có ban hành quy trình cho vay đối với hộ gia đình cá nhân và đối với doanh nghiệp. Trong đó, nêu rõ trong thời hạn tối đa bao nhiêu ngày sau khi khách hàng nhận tiền vay phải kiểm tra sử dụng vốn. Tuy nhiên, cán bộ tín dụng đôi khi vì công việc quá nhiều hoặc ngại làm phiền khách hàng nên chỉ làm biên bản kiểm tra cho có hình thức rồi lấy chữ ký của khách hàng để lưu hồ sơ. Do vậy, nên không phát hiện kịp thời những dấu hiệu phát sinh rủi ro của khoản vay.
- Nguyên nhân từ phía tài sản bảo đảm: Tài sản đảm bảo là chỗ dựa cuối cùng để phòng chống rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, dần dần ngân hàng trở nên lệ thuộc quá nhiều vào tài sản thế chấp thay vì đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh nên sẽ dễ dẫn đến tâm lý ỷ lại và khi ấy sẽ dễ mắc sai lầm chủ quan như
cho rằng có tài sản đảm bảo là an toàn cho khoản vay.
Việc định giá tài sản đảm bảo chưa có một bộ phận chuyên định giá tài sản trước khi cho vay để lường trước những biến động thị trường để dự báo những mức giá chính xác trong tương lai. Nên khi thị trường suy thoái làm giảm giá trị tài sản đảm bảo dẫn đến hiện tượng tài sản đảm bảo không đủ giá trị đảm bảo cho khoản vay. Cuối cùng, cơ chế xử lý tài sản thế chấp, cầm cố để thu hồi nợ vẫn rất khó khăn, thủ tục rườm rà, tốn nhiều thời gian - nhất là thỏa thuận với khách hàng - dẫn đến tình trạng giảm giá trị tài sản hoặc tài sản thanh lý xong không đủ thu nợ.
Ngân hàng gặp rủi ro trong quá trình nắm giữ và xử lý tài sản bảo đảm. Do người vay cầm cố tài sản cho người khác, hoặc có thể do người vay cố tình gây khó khăn trong công tác phát mại tài sản bảo đảm, khiến cho ngân hàng không thể thu hồi vốn vay.
Đối với các trường hợp đối nhân (bảo lãnh): Ngân hàng có thể gặp rủi ro khi người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Gây ra sự ứ đọng vốn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.