Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 87 - 92)

5. Kết cấu của đề tài

3.5.2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế

3.5.2.1. Một số tồn tại, hạn chế

- Kết quả đạt được của du lịch Bắc Kạn giai đoạn 2017-2019 chưa tương xứng với tiềm năng; chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư để biến tiềm năng thành sản phẩm du lịch có chất lượng phục vụ khách du lịch.

- Thiếu sự gắn kết giữa du lịch với thương mại, chưa xây dựng được các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, làng nghề truyền thống, là nơi tham quan và mua sắm hàng hóa của du khách.

- Huy động các nguồn lực phát triển chưa đa dạng, quy hoạch các khu du lịch trọng điểm chưa có.

- Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cũng như chính quyền và cộng đồng địa phương chưa chặt chẽ.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả thấp, nội dung còn chung chung, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa gắn với các khu, điểm và sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và quốc tế liên doanh liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh đưa khách tới Bắc Kạn. Các doanh nghiệp du lịch của tỉnh chưa tích cực tham gia vào công tác xúc tiến du lịch.

- Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, thụ động; đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước khả năng tác nghiệp chưa cao, chưa kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án phát triển du lịch có hiệu quả.

- Công tác khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn tình trạng tài nguyên du lịch bị xuống cấp, môi trưởng bị ảnh hưởng.

- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; thiếu đội ngũ doanh nhân giỏi, thiếu hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch chuyên nghiệp. Trình độ nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng xử của đội ngũ nhân viên du lịch tại doanh nghiệp nhìn chung còn yếu; đào tạo nguồn nhân lực của ngành du lịch chưa được quan tâm đúng mức.

3.4.2.2. Nguyên nhân của hạn chế

- Bắc Kạn là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn; hệ thống cơ cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ, chất lượng thấp. Nội lực của Bắc Kạn chưa đáp ứng được các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư hạ tầng du lịch ở Bắc Kạn còn hạn chế, trong khi đó nguồn kinh phí xã hội hóa chưa được nhiều, nguồn đầu tư liên doanh liên kết trong và ngoài nước còn rất hạn chế.

- Trong thời gian qua đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa thực sự được quan tâm và qua du lịch tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Chính vì thế chưa có những chiến lược, những cơ chế chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư; nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương chưa đầy đủ về vai trò, thế mạnh của du lịch.

- Nhận thức xã hội về ngành kinh tế du lịch còn bất cập; bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về du lịch thiếu ổn định; chất lượng cán bộ quản lý chưa cao, chưa chuyên nghiệp, đặc biệt trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư, môi trường. Chính vì thế việc thống nhất trong xây dựng, chỉ đạo, quản lý và thực hiện quy hoạch ngành và lãnh thổ, cũng như tổ chức các hoạt động du lịch chưa hiệu quả.

- Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến phát triển du lịch thiếu đồng bộ, chồng chéo về hệ thống quản lý, chưa thật thông thoáng so với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý, khai thác và phát triển. Chưa xây dựng và ban hành các cơ chế đặc thù ưu tiên, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt đối với Bắc Kạn là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn.

- Thiếu các doanh nghiệp lớn mạnh có đủ năng lực đầu tư xây dựng các dự án du lịch lớn, tạo chuyển biến lớn cho phát triển du lịch. Các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh thấp, nguồn vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh hoặc khai thác những cái sẵn có mà chưa chú trọng đến các dịch vụ du lịch bổ sung, các cơ sở vui chơi giải trí hấp dẫn; chưa chú trọng đến công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh còn yếu kém, không có khả năng khai thác các nguồn khách từ bên ngoài về địa phương.

- Nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, cơ sở vật chất dịch vụ phục vụ khách du lịch còn nghèo nàn. Thiếu các cơ sở vật chất, kỹ thuật dịch vụ chất lượng cao; chuỗi dịch vụ chưa khép kín nên chưa thu hút được các khách du lịch có nhu cầu chi tiêu cao.

- Tài nguyên du lịch chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, hiệu quả đầu tư thấp, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu nên khó thu hút đầu tư.

- Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cũng như chính quyền và cộng đồng địa phương chưa chặt chẽ; các doanh nghiệp của tỉnh kinh doanh trong lĩnh vực du lịch quy mô nhỏ, mang tính tự phát, chưa có kinh nghiệm về du lịch.

Chương 4

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

4.1. Quan điểm, mục tiêu quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025

* Quan điểm quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Phát triển du lịch Bắc Kạn phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch của cả nước, phù hợp với định hướng phát triển du lịch Vùng Trung du miền núi phía Bắc, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành kinh tế khác; bảo đảm với tốc độ nhanh, hiệu quả và bền vững một cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; gắn với lợi ích cộng đồng dân cư, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; mở rộng hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước.

* Mục tiêu quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn - Mục tiêu chung

+ Phát triển du lịch Bắc Kạn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương và bảo vệ tài nguyên môi trường; đồng thời phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

+ Phát triển du lịch gắn với giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân; quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên du lịch, tạo điều kiện để người dân có thể tham gia vào các hoạt động du lịch; gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.

+ Phát triển khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia và phát triển không gian du lịch theo đặc trưng riêng 4 cụm du lịch: Cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và phụ cận, cụm du lịch ATK Chợ Đồn và phụ cận, cụm du lịch Na Rì và phụ cận, cụm du lịch Ba Bể và phụ cận.

- Mục tiêu cụ thể

+ Phấn đấu đến năm 2020: thu hút 19.000 lượt khách quốc tế và 600.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 725 tỷ đồng; có 2.100 buồng lưu trú; tạo việc làm cho 6.300 lao động, trong đó 2.100 lao động trực tiếp, 4.200 lao động gián tiếp.

+ Phấn đấu đến năm 2025: thu hút 32.000 lượt khách quốc tế và 1.000.000 lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 1.960 tỷ đồng; có 3.800 buồng lưu trú; tạo việc làm cho 13.800 lao động, trong đó 4.600 lao động trực tiếp, 9.200 lao động gián tiếp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh bắc kạn (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)